Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1762

  • Tổng 4.102.294

Đại biểu Quốc hội tổ 12 thảo luận về các dự án Luật

Post date: 18/06/2024

Font size : A- A A+

 

Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 17/6, Quốc hội khóa XV bắt đầu họp đợt 2. Buổi chiều, dưới sự chủ trì của đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Tổ ĐBQH 12 đã tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Tiếp đó, đồng chí Chủ tịch nước đã có cuộc gặp mặt ĐBQH Tổ 12 tại Phủ Chủ tịch. 

 

 

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận tổ.

 

Đặt vấn đề tại phiên thảo luận, đồng chí Vũ Đại Thắng đã khái quát những nội dung sửa đổi của Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Nhấn mạnh bối cảnh mới và những vấn đề sửa đổi của các dự thảo luật phù hợp hay chưa. Đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng cũng nêu lên những nội dung trọng tâm, nhất là những vấn đề thực tiễn, để ĐBQH tập trung thảo luận, góp phần hoàn thiện các dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Nhất trí với cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc ban hành luật được nêu trong tờ trình, về tổng thể, ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước có liên quan đến các quy định của dự thảo luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc chuyển đổi số. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý nội dung phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử... mới được Quốc hội thông qua.

 

 

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng các ĐBQH Tổ 12 tại buổi gặp mặt
 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga có ý kiến về nội dung công chứng bản dịch. Đại biểu đề nghị giữ quy định về công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành và hoàn thiện thêm để khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay theo hướng bổ sung nội dung quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính chính xác của bản dịch với bản gốc, công chứng viên (CCV) chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của văn bản dịch có đề nghị công chứng.

Đối với tiêu chuẩn CCV, đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng, ý kiến cho rằng Luật Công chứng hiện hành quy định thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm CCV là 5 năm trong khi dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giảm xuống còn 3 năm (khoản 2, Điều 8) là chưa phù hợp với định hướng và chủ trương này.

Về cơ sở đào tạo nghề công chứng, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thể hiện lại quy định tại khoản 4, Điều 9 của dự thảo luật. Ý kiến cho rằng không nên quy định cứng cơ sở đào tạo nghề công chứng là Học viện Tư pháp mà nên kế thừa quy định tại khoản 3, Điều 9, Luật Công chứng năm 2014. Quy định này bảo đảm được sự phù hợp của hoạt động đào tạo nghề công chứng với sự phát triển của ngành và nhu cầu của người học, vừa tránh được tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh CCV.

 

 

Thay mặt Tổ ĐHQH 12, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng tặng hoa chúc mừng

đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước.

 

Nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử (CCĐT) nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp với lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế của dự thảo luật tại nội dung này.

Về địa điểm công chứng, dẫn nội dung tại Điều 43 của dự thảo luật quy định việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp liên quan đến lý do sức khỏe, đang bị tạm giữ, tạm giam… hoặc do yếu tố đặc thù của công việc, ý kiến cho rằng quy định này là chưa mềm dẻo và linh hoạt. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các trường hợp CCV được công chứng ngoài trụ sở như CCĐT, công chứng theo yêu cầu của các bên tham gia giao dịch, công chứng tại địa điểm có bất động sản là đối tượng của giao dịch…

 

 

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước và các ĐBQH, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm.

 

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ về việc nghiêm cấm CCV thực hiện các hành vi được quy định tại điểm h và I khoản1 nêu trên; rà soát các quy định về quảng cáo và kinh doanh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của CCV cũng như tổ chức hành nghề công chứng trong việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo và pháp luật về doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), thống nhất với ý kiến các đại biểu về công chứng bản dịch và khẳng định nội dung dự thảo là phù hợp. Ý kiến cũng phân tích về độ tuổi bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV và cho rằng dự thảo luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của CCV là phù hợp, là một trong những quy định mới so với pháp luật hiện hành.

Về thẩm quyền bổ nhiệm trưởng phòng công chứng, tại tờ trình cũng đã nêu lý do sửa đổi, bổ sung theo hướng giao cho Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức trưởng phòng công chứng (thay cho quy định hiện hành là UBND cấp tỉnh) để tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về công chứng. Tuy nhiên, ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, liệu có tính khả thi, bảo đảm hài hòa, thống nhất với các quy định hiện hành về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ ngay trong ngành Tư pháp và quy định về phân cấp quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh hay không?

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ

 

Về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của văn phòng công chứng, trích dẫn nội dung khoản 2, Điều 26, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng quy định trên là chưa phù hợp và chưa đầy đủ, đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về vấn đề này.

Đối với quy định về CCĐT, theo đại biểu, đây là nội dung mới và lần đầu tiên được đưa vào dự thảo Luật Công chứng, do đó, để có thể áp dụng các quy định của pháp luật về CCĐT trong quá trình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng một cách kịp thời và hiệu quả, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định chi tiết và cụ thể hơn về quy trình, thủ tục CCĐT, làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm, bồi thường khi để xảy ra sai sót trong việc thông báo kết quả CCĐT, lỗi hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng. Ngoài ra, về vấn đề sửa lỗi kỹ thuật, dự thảo luật chỉ quy định về sửa lỗi kỹ thuật (thủ công) trên văn bản công chứng giấy mà chưa quy định cụ thể về việc sửa lỗi kỹ thuật trên môi trường CCĐT. Do đó, đề nghị dự thảo cần có quy định cụ thể về nội dung này.

Sau phiên thảo luận tổ, đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt ĐBQH tổ 12 gồm các đoàn: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận tại Phủ Chủ tịch. Dự buổi gặp mặt cùng các ĐBQH, về phía tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Thay mặt Tổ ĐBQH 12, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã gửi lời chúc mừng trân trọng đến đồng chí Đại tướng Tô Lâm đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước.

 

Phong Hồng - Hồng Nhung

More