Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 1427

  • Tổng 2.847.896

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình dự phiên chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực tòa án

15:27, Thứ Tư, 22-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sáng ngày 20/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Nhà Quốc hội kết hợp trực tuyến kết nối với 62 Đoàn ĐBQH trong toàn quốc. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Ngành tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng chí đề nghị ĐBQH, trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành, góp phần hoàn thành cơ bản mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” như Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII đã xác định.

 

 

Toàn cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình

 

Trong phiên làm việc buổi sáng, các ĐBQH đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình về các nhóm vấn đề của ngành Tòa án, gồm: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án, việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án; Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã chất vấn nội dung về phiên tòa trực tuyến và quy trình bổ nhiệm thẩm phán. Đại biểu bày tỏ sự băn khoăn và đề nghị Chánh án TAND tối cao đánh giá đúng tình hình bảo đảm bí mật thông tin, nhất là bảo mật thông tin của hệ thống đường truyền khi xét xử nhằm ngăn cản việc đột nhập lấy cắp thông tin, ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Ngành Tòa án đã có giải pháp gì để tăng cường hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. 

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm chất vấn tại điểm cầu Quảng Bình Chánh án TAND tối cao

 

Về quy trình bổ nhiệm thẩm phán, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ thực trạng về quy trình kéo dài khá lâu, có khi lên đến 8 - 9 tháng. Trong khi hiện nay nhiều tòa án địa phương có khối lượng công việc nhiều nhưng thiếu thẩm phán. Việc phải chờ bổ nhiệm thẩm phán trong thời gian khá dài ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án, nhất là đối với những đơn vị cấp huyện chỉ được biên chế 3 thẩm phán. Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao làm rõ thêm vấn đề và các giải pháp khắc phục tình trạng trên, góp phần giải quyết các vụ án đúng quy định, không để án quá hạn luật định.

 


 

Các đại biểu dự phiên chất vấn 

 

Những nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã được Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời cụ thể. Đó là ngành sẽ tăng cường đầu tư công nghệ bảo đảm khả năng “đề kháng” trước sự xâm nhập của các đối tượng xấu; nâng cao trách nhiệm, năng lực của người sử dụng; tập trung đầu tư công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo mật thông tin. Về quy trình bổ nhiệm thẩm phán, đồng chí Chánh án TAND tối cao làm rõ những lý do dẫn đến việc bổ nhiệm chậm và cho biết sẽ đổi mới cách họp của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia trong thực hiện quy trình bổ nhiệm; đề nghị các địa phương hoàn thành sớm các bước thuộc quy trình của địa phương để rút ngắn thời gian bổ nhiệm.  

Phòng Công tác Quốc hội


 

Các tin khác