Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 1005

  • Tổng 2.780.121

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận ở tổ

8:12, Chủ Nhật, 23-10-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hôm nay, 22/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiến hành các phiên thảo luận tại tổ và hội trường.

 

Sáng nay 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình được phân công làm tổ trưởng Tổ 19 gồm các đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình, Long An. 
 

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ sự nhất trí đối với Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Về chính sách cho nhà giáo, cán bộ y tế, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng còn nhiều bất cập. Nhiều nhà giáo, cán bộ y tế bỏ việc trong thời gian qua là một vấn đề đáng quan tâm cần có sự điều chỉnh chính sách và cần phải có những giải pháp căn cơ hơn. Theo Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, dù trong hai kỳ họp gần đây, các nội dung giám sát đã thể hiện đậm nét hơn nhưng các chính sách liên quan đến giáo dục còn chậm ban hành, thiếu nguồn lực trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và nhiều vấn đề giáo dục khác như tự chủ đại học,… Kinh phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp bị cắt giảm nhiều; Tỉ lệ chi cho giáo dục đại học của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan, Singapore. 

Từ đó, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị: (1) Có lộ trình tăng dần tỷ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp lên tương đương các nước trong khu vực hoặc trên thế giới; (2) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực đào tạo: khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, khoa học sức khỏe, luật, sư phạm; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao (theo những lĩnh vực kinh tế trọng điểm bám sát chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045); (3) Có chính sách tốt hơn đối với Nhà giao. (4) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Đầu tư có mục tiêu để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục đại học, nhất là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, hàng đầu. (5) Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục.

 

 

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình điều hành phiên thảo luận sáng ngày 22/10/2022 tại tổ 19

 

Kết luận phiên thảo luận tổ, đồng chí Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận đã cho thấy việc ban hành nhiều chính sách rất kịp thời, thiết thực, phù hợp với thực tế và phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện một số nội dung còn chậm và tồn tại những bất cập, vướng mắc, dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Do đó, việc xem xét lại một cách đồng bộ các văn bản pháp lý liên quan đến nội dung phân cấp, phân quyền cho các địa phương là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện các chương trình, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tổ đại biểu Quốc hội 19 mong muốn trong thời gian sớm nhất, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai sớm và hiệu quả các chương trình, nghị quyết, trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu thảo luận về DỰ thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

 

Chiều nay 22/10 Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tiếp đó Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trước khi tiến hành thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Báo cáo của UBTVQH đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật rất rõ các ý kiến, trong đó có ý kiến của ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. 

Cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tham gia một số ý kiến gồm: phạm vi điều chỉnh; các quy định về Thanh tra nhân dân; về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tin tưởng, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác