Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 282

  • Tổng 2.846.751

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội

16:13, Thứ Sáu, 18-3-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng ngày 16/3/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình do đồng chí Vũ Đại Thắng – Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chủ trì đã tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Diên Hồng và kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

 

Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Quảng Bình có các đại biểu Quốc hội tại địa phương và đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, thường trực UBMTTQ tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành liên quan: Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐNĐ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương… 


Trong phiên chất vấn buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Trả lời chất vấn chính có Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

 

 

Đồng chí Vũ Đại Thắng chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình

 

Các đại biểu Quốc hội đã nêu ra những khó khăn của nguồn cung xăng đầu, tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, từ đó đặt ra câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời các câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết : những ngày qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân trực tiếp là tác động từ xung đột Nga- Ucraina đã đẩy biên độ tăng giá từ 40%-60%. Trong nước, nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cũng phải giảm công suất do gặp nhiều khó khăn về tài chính và nguồn cung nên công suất có lúc chỉ còn có 55%… Trước tình hình này, Bộ đã chỉ đạo các đầu mối phải đảm bảo nguồn cung trong nước để cung cấp cho lọc dầu Nghị Sơn, lượng cung đảm bảo hết tháng 3. Bộ cũng chỉ đạo nhập khẩu vượt trong những tháng tiếp theo để đảm bảo nguồn cung. Đối với việc bình ổn giá, Bộ đã phối hợp Bộ Tài chính để sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn xăng dầu để điều chỉnh biên độ tăng của giá dầu, 10 ngày/ lần; điều hành linh hoạt quỹ bình ổn để đảm bảo việc ổn định giá xăng dầu. Trong khi thế giới tăng 40%-60% thì trong nước chỉ tầm 29%- 40%. Đây là những nỗ lực của Bộ Công thương để ổn định chỉ số PCI. Thời gian tới, khi Quỹ bình ổn xăng dầu dần cạn thì 2 Bộ đề xuất đến việc giảm thuế bảo vệ môi trường nhằm hỗ trợ không ảnh hưởng đến đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, Bộ đã tăng cường thanh, kiểm tra để đảm bảo không có tình trạng găm hàng chờ tăng giá tại các cây xăng. 

 

 

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Quảng Bình

 

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu về dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng trong trường hợp bị gián đoạn nguồn cung, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng sẽ tăng cường chỉ đạo việc dự trữ, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện dự phòng xăng dầu. Ông cũng chỉ ra dự trữ, dự phòng xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ khoảng 5-7 ngày vì thế trong thời gian tới Bộ sẽ có giải pháp để tăng cường dự trữ xăng dầu, thay vì dự trữ bằng tiền thì sắp tới có thể dự trữ hàng hóa.

Trả lời các câu hỏi về giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hàng hoá Việt Nam chủ yếu theo đường tiểu ngạch 90%, chính ngạch chỉ 10%. Phía Trung Quốc với lý do thực hiện chính sách “zero-covid”, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch trên người và hàng hóa, dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu lớn đã khiến cho người dân ảnh hưởng nặng nề.  Mặt khác, phía Trung Quốc áp dụng biện pháp kỹ thuật khắt khe đối với mặt hàng nông sản từ Việt Nam như tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, mẫu mã, xuất xứ, bao bì đóng gói,… ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu hàng nông sản của nước ta. Trong khi đó, sản xuất hàng nông sản tại Việt Nam chưa sát với nhu cầu thị trường xuất khẩu; chất lượng, bao gói sản phẩm còn chưa bảo đảm; vùng trồng chậm được đăng ký; công tác truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm thấu đáo... Điều này càng làm tăng tình trạng ùn ứ hàng hoá trên các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc.

Trước tình trạng này, Bộ đã làm việc với phía Trung Quốc bằng hình thức trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung (như khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng chống dịch,…) cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương từ đó có thông tin sớm với người dân; Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng quy trình kiểm soát phòng, chống dịch cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều kiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc và trên toàn quốc vừa để triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, phòng chống dịch, vừa tránh được những tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra Bộ đã chỉ đạo thương vụ với nước ngoài để tăng cường đa dạng hoá các thị trường, thúc đẩy tiêu thụ trong nước, kết nối qua các kênh thương mại điện tử để giải quyết đầu ra sản phẩm cho người dân.

Bộ trưởng cũng trình bày những khó khăn, bất cập của nền nông nghiệp của nước ta dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá, phụ thuộc vào thị trường nước bạn, đồng thời khẳng định để giải bài toán này, cần có phương án quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, bám sát tín hiệu của thị trường… 

Giải trình thêm đối với các ý kiến chất vấn về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ đang xúc tiến việc xây dựng thêm nhà máy lọc dầu thứ 3 tại Vũng Tàu để làm chủ nguồn cung xăng dầu trong nước. 

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác