Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 1110

  • Tổng 2.847.579

Các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – những quyết sách lịch sử để đất nước ứng phó thách thức, phục hồi sau đại dịch

16:52, Thứ Sáu, 7-1-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Ngày 07/01/2022, Quốc hội thảo luận trực tuyến về nội dung dự thảo Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình). Đây được kỳ vọng sẽ tạo động lực để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, tạo cơ hội để áp dụng những giải pháp chuyển đổi số để giải quyết tổng thể các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề... Tại điểm cầu Quảng Bình, các đại biểu Quốc hội tại địa phương tham dự phiên thảo luận với sự chủ trì của đồng chí Vũ Đại Thắng – UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Nghị quyết là sự cụ thể hoá các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025; Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị … và tạo cơ sở để Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cấp ủy, chính quyền các cấp. 

 

 

Đại biểu Quốc hội Vũ Đại Thắng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại điểm cầu Quảng Bình

 

Với thời gian thực hiện chủ yếu trong 02 năm 2022-2023, lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế, Chương trình đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Dự thảo Nghị quyết đưa ra các phương án huy động nguồn lực cụ thể như: sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong kế hoạch trung hạn; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi; Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra phương án cho phép áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Chiều nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình sẽ tham gia thảo luận tại phiên họp để góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác