Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 2923

  • Tổng 2.782.038

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

8:34, Thứ Tư, 5-1-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Chiều ngày 04/01/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận tại tổ về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH điều hành.Tham dự phiên họp có các ĐBQH: Nguyễn Tiến Nam, Trần Quang Minh; đồng chí Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.Tại phiên thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Vũ Đại Thắng đã giới thiệu về Dự thảo Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

 

Điều hành phiên thảo luận, đồng chí Vũ Đại Thắng - UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ rõ: Trong năm 2020-2021, do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025. Tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội... Trước tình hình đó, Kỳ họp Quốc hội thứ Nhất, thứ 2, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết với nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đã được triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc hội đã ban hành các biện pháp mạnh mẽ để các địa phương khoanh vùng, dập dịch, phục hồi kinh tế. 

 

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng điều hành phiên thảo luận tại tổ.

 

Tính riêng năm 2021, đã huy động và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, các quỹ ngoài ngân sách với tổng quy mô đạt trên 269,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP. Chính phủ đã triển khai quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế , duy trì thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào  nhưng không làm tăng lạm phát.

Tuy vậy, chính sách kích cầu trong nước giai đoạn trước đây (2009-2013) bộc lộ một số hạn chế, đó là: chưa kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với tiền tệ; phạm vi rộng, mức hỗ trợ lớn trong khi mặt bằng lãi suất huy động cao nên một số đối tượng lợi dụng chính sách; kích cầu đầu tư công thiếu kiểm soát chặt chẽ dẫn tới vốn ứng trước lớn, đầu tư dàn trải, tăng nợ đọng để lại hậu quả phải giải quyết trong nhiều năm. Trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bám sát mục tiêu, định hướng đề ra, tác động cả phía cung và phía cầu, đáp ứng yêu cầu cả trong ngắn và dài hạn.

Chính vì thế, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay để bảo đảm giữ vững ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch 5 năm, hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. 

 

 

Đồng chí Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên thảo luận.

 

Với mục tiêu Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, Nghị quyết tập trung vào 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.

Tại buổi thảo luận, đại biểu các sở ngành đã thảo luận về các nội dung đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, nông nghiệp - PTNT, lao động - thương binh và xã hội… Các ĐBQH Đoàn Quảng Bình cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đồng thời đánh giá đây là nghị quyết mang tính lịch sử để hỗ trợ phục hồi kinh tế, ứng phó với đại dịch và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế 5 năm mà Đại hội Đảng đã đề ra. Hầu hết ý kiến đều tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết này nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của nền kinh tế hiện hành với các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban.

 

 

Toàn cảnh phiên thảo luận

 

Việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn… Đa số ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong việc đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.  

 

 

Đồng chí Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Vũ Đại Thắng nhấn mạnh tác động toàn diện của Nghị quyết trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu lên một số ngành nghề mang tính chất đặc thù cần sự hỗ trợ đặc biệt như y tế, kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, du lịch... Quá trình triển khai chính sách hỗ trợ cần có “bộ lọc” để bảo đảm đúng đối tượng, nâng cao “độ phủ”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng chí cũng lưu ý các nội dung về thời gian thực hiện, quy mô, lĩnh vực, tiêu chí hỗ trợ… nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết.   

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác