Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 721

  • Tổng 2.866.163

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư

11:33, Chủ Nhật, 14-11-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Chiều ngày 11/11/2021, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm và Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng liên quan tới vấn đề vốn vay ODA và những chính sách và giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, đại biểu Trần Quang Minh nêu vấn đề: một số cử tri cho rằng, việc sử dụng vốn vay phát triển, đặc biệt là nguồn vốn ODA ở một số địa phương, chương trình chưa thực sự hiệu quả, còn gây lãng phí, thậm chí vi phạm pháp luật. Đại biểu đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong thời gian qua. Đại biểu chất vấn: Bộ đã thực hiện trách nhiệm quản lý trong vấn đề này đến đâu và các giải pháp thời gian tới.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng chỉ ra thực tế về khoảng cách chênh lệch trong quá trình phát triển giữa các tỉnh, thành trong cả nước đang ngày càng rõ rệt. Vì thế, các tỉnh khó khăn càng khó hơn trong cạnh tranh để có thể theo kịp các tỉnh, thành có tiềm lực, lợi thế và các chính sách, cơ chế đặc thù, điều kiện thuận lợi... nhất là lĩnh vực thu hút đầu tư. Đại biểu đặt câu hỏi, để ưu tiên cho các tỉnh, vùng khó khăn trong thu hút đầu tư, Bộ trưởng đã có các chỉ đạo, định hướng, tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nào?

 

 

Đại biểu Trần Quang Minh tại phiên chất vấn ngày 11/11/2021

 

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với một số dự án ODA, ngoài việc phải thực hiện các thủ tục theo quy trình, thủ tục và pháp luật trong nước còn phải làm thêm các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ. Như vậy, phải làm đồng thời hai việc, mà mỗi việc lại mất rất nhiều thời gian, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội vừa qua thì chỉ một thay đổi nhỏ như thay đổi tên, địa giới, phạm vi diện tích cũng rất khó thực hiện…

“Lao động ở các dự án phải có giấy phép, chuyên gia thì phải có xác nhận tư cách chuyên gia… Phải xong các thủ tục này mới có thể làm được, nên các dự án ODA đang giải ngân rất chậm. Khâu nhập khẩu máy móc gặp khó khăn; chuyên gia lao động bị cách ly, không được di chuyển giữa các địa phương càng khiến tốc độ giải ngân các dự án có vốn ODA thấp. Một số dự án ODA do triển khai, lựa chọn và tổ chức thực hiện chưa tốt dẫn đến lãng phí. Thời gian tới, Bộ sẽ cùng với các ngành, địa phương rà soát lại những dự án nào có vướng mắc có thể tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả. Những dự án nào không thực sự hiệu quả, không còn phù hợp sẽ bàn với nhà tài trợ để ‘đóng’ các dự án này, không để kéo dài và lãng phí…”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm – Phó trưởng Đoàn ĐBQH đồng tình với chương trình phục hồi kinh tế sau dịch như Bộ trưởng đã nêu. Đại biểu chất vấn, Bộ trưởng về những chính sách và giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới có hiệu quả.

 

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện mục tiêu trên Bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, theo đó hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tổn thương rất nhiều và khả năng chống chịu đã bị bào mòn. Về các chính sách chung, Bộ sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí. Bên cạnh đó, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, có một số các chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP để thực hiện các hạ tầng; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn, lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi...
Thứ năm, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Sau hơn 2 ngày tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã chất vấn 5 lượt, tham gia 1 lượt tranh luận.
 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác