Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 750

  • Tổng 2.842.668

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận tại tổ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia

7:37, Thứ Bảy, 30-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Hôm nay, 29/10, Quốc hội tiếp tục chương trình kỳ họp với nội dung thảo luận tại tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách chủ trì phiên thảo luận với sự tham gia của các đại biểu Nguyễn Tiến Nam và Trần Quang Minh. Tham dự phiên thảo luận có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

 


 

 

Các đại biểu tại điểm cầu Quảng Bình

 

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và báo cáo thẩm tra nội dung này của Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra; 

 

 

Đại biểu Vũ Đại Thắng chủ trì phiên thảo luận tổ

 

Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thảo luận tại tổ nội dung trên. 
Đặt vấn đề tại buổi thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng đã định hướng các nội dung thảo luận theo yêu cầu của Ủy ban thẩm tra. Cụ thể, sau 5 năm triển khai, Chính phủ đã đánh giá khách quan toàn bộ nội dung cơ cấu lại nền kinh tế với kết quả đã hoàn thành 17/22 chỉ tiêu, 5 chỉ tiêu chưa đạt như hiệu quả đầu tư công chưa cao, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế, thu ngân sách chưa bền vững... Vì thế, Chính phủ đã xây dựng định hướng để tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cho giai đoạn 2021-2026. Thảo luận về nội dung này, đại biểu Vũ Đại Thắng nhất trí cao với đề xuất tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng đây là việc thường xuyên, liên tục để thực hiện mục tiêu tập trung các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, từ mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô, ổn định bội chi, giảm nợ công, đặc biệt là mục tiêu liên quan đến chỉ tiêu gắn kết, đa dạng hóa thị trường… Ông cũng nhất trí cao các nhóm giải pháp tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế cũng như giải pháp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Ông cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế là cơ sở để Chính phủ tiếp tục giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thể chế hóa các bộ luật để phù hợp thông lệ Quốc tế… Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng khẳng định đây là cơ hội cho Quảng Bình cơ cấu lại, tăng trưởng nền kinh tế, đại biểu đặt ra yêu cầu xây dựng cơ cấu, mô hình tăng trưởng phù hợp cho tỉnh thoát khỏi việc tăng trưởng dựa vào tài nguyên đất đai.

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ

 

Đối với nội dung thảo luận liên quan đến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đại biểu Vũ Đại Thắng chỉ rõ phân bổ nguồn lực đất đai là cơ sở để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, vì thế phải phù hợp chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra bất cập khi Quy hoạch tổng thể Quốc gia, của các tỉnh vẫn chưa được phê duyệt trong khi Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia, của các tỉnh phải căn cứ vào Quy hoạch này, một số quy hoạch như quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng… thường xuyên thay đổi không đồng bộ quy hoạch đất quốc gia dẫn đến sử dụng nguồn lực đất không hiệu quả…

 

 

Đại biểu Trần Quang Minh tham gia ý kiến thảo luận tổ

 

Đặt ra yêu cầu phải đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch sử dụng đất, đại biểu cũng khẳng định quy hoạch tổng thể là quy hoạch gốc. Các quy hoạch khác, kể cả quy hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào đây để đảm bảo sự đồng bộ nên yêu cầu trong quá trình triển khai quy hoạch sử dụng đất phải có sự liên thông cũng như các căn cứ pháp lý để đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy hoạch. Đại biểu cũng thể hiện quan điểm quy hoạch khu công nghiệp, đô thị nên hướng ra các vùng biên giới, nông thôn thay vì tập trung ở vùng lõi vì đây chính là cơ sở để bảo vệ phên dậu biên giới, giải quyết việc làm, tạo động lực thúc đẩy các vùng kém phát triển, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Đồng tình với các đề xuất tại tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu đề xuất một số nội dung như: tăng cường rừng phòng hộ, hạn chế việc chuyển đổi đất trồng lúa nhất là với những tỉnh ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu như Quảng Bình… Các đại biểu cũng chỉ ra thực tế hiện nay quy hoạch đất, đất rừng trồng quá nhiều kéo theo hậu quả các đợt lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra.

Từ đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự giải trình về các diện tích quy hoạch và cần có sự so sánh quy hoạch thời kỳ trước với thời kỳ này và cơ sở xây dựng các chỉ số như tờ trình. 


Ngày mai 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về hai nội dung trên.

Diệu Linh
 

Các tin khác