Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 391

  • Tổng 2.779.507

Đại biểu Trần Quang Minh – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê cần đảm bảo tính khách quan, chính xác

9:28, Thứ Ba, 26-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Chiều ngày 25/10/2021, tại phiên thảo luận trực tuyến góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) đã có bài phát biểu cho dự thảo Luật.

 

Đồng tình với những nội dung được nêu tại Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia là một việc làm kịp thời và phù hợp. Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê sẽ đáp ứng các mục tiêu đề cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia; bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.

 

 

Toàn cảnh điểm cầu Quảng Bình tại phiên họp trực tuyến chiều ngày 25/10/2021


Tán thành với tên gọi của Luật với bố cục và những nội dung được quy định bổ sung tại dự thảo dự án Luật nhưng đại biểu cũng cho rằng để tiếp tục hoàn thiện Luật, tại Khoản 1, Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 cần bổ sung 2 nội dung: Một là, bổ sung về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP). Hai là, bổ sung quy định về rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. 

Về quy trình biên soạn, đại biểu nhất trí với quy định “Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. 

Tuy nhiên, đối với quy định “Định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội”, đại biểu đặt ra câu hỏi: tại sao cứ phải 05 năm sẽ rà soát lại về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước, và 05 năm tính từ thời điểm nào? Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình lý do lựa chọn mốc thời gian 5 năm đánh giá, rà soát lại.

 

 

Đại biểu Trần Quang Minh góp ý dự thảo Luật 

 

Lý giải cho câu hỏi này, đại biểu phân tích rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình thống kê số doanh nghiệp trước đây, việc nắm bắt cụ thể này phải được tiến hành hàng năm dựa trên số liệu cập nhật thông qua hệ thống công nghệ thông tin để đánh giá đúng quy mô Tổng sản phẩm trong nước từng năm nhằm tạo cơ sở cho việc hoạch định chính xác các chủ trương, chính sách cho những năm tiếp theo. Hiện nay công nghệ thông tin được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực; Chính phủ điện tử đang vận hành ngày càng đi vào chuyên nghiệp; chúng ta cũng đã có rất nhiều công cụ để thống kê, thậm chí nhiều biện pháp thống kê khoa học, hiện đại. Ví dụ như: Cơ sở dữ liệu dân cư cụ thể thường xuyên được cập nhật, không phải tổ chức thống kê dân số theo kiểu thủ công như trước đây; số liệu về doanh nghiệp cũng được cập nhật thường xuyên trên hệ thống quản lý Nhà nước, bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, bao nhiêu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đều nắm được một cách dễ dàng, nhanh và thuận lợi; vì thế, nếu cứ 5 năm sẽ tổ chức rà soát đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm một lần tôi thấy chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác và nghi ngờ vào số liệu thống kê. 

Bên cạnh đó, đại biểu góp ý nội dung Khoản 2 Điều 1, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 quy định về thẩm quyền, trách nhiệm công bố thông tin thống kê quy định “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”. Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế tại Báo cáo thẩm tra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ quy định “phải thống nhất” ở đây được hiểu như thế nào. Theo đại biểu, trong khi Luật Thống kê quy định việc thống kê phải đảm bảo nguyên tắc “độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ” và “trung thực, khách quan, chính xác” thì việc phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố liệu có còn đảm bảo được các nguyên tắc thống kê hay không?

Cuối cùng, đại biểu đặt ra kiến nghị Ban soạn thảo tiếp thu để có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời theo yêu cầu của Báo cáo thẩm tra. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê là một trong 2 dự án Luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp này.

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác