Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2880

  • Tổng 2.781.995

Thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cần quy định chặt chẽ vai trò, trách nhiệm của tư vấn viên bảo hiểm

8:37, Thứ Ba, 26-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng 25/10/2021, tại điểm cầu Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì đã chủ trì phiên thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

 

Phân tích tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Vũ Đại Thắng cho rằng Luật Kinh doanh bảo hiểm là một luật có tuổi thọ tương đối dài. Qua 20 năm thực thi, việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp thiết để xứng tầm là một bộ luật có ý nghĩa bao trùm toàn bộ các hoạt động của lĩnh vực bảo hiểm - một trong những hoạt động quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đại biểu khẳng định việc sửa đổi Luật cũng phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tiến trình đổi mới hiến pháp, pháp luật Việt Nam như Hiến pháp 2013, Luật Dân sự năm 2015. 

 

 

Đại biểu Vũ Đại Thắng góp ý dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi)

 

Góp ý một số nội dung cụ thể, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng đây là một bộ luật quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, liên quan đến quyền dân sự, thời gian để kiểm nghiệm trên thực tế tương đối dài, tuy nhiên, nhiều nội dung lại chưa được quy định cụ thể trong Luật mà đang giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định. Đại biểu đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu để đưa luôn vào luật, tránh việc giao quá nhiều cho các cơ quan của Chính phủ quy định, điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật như Nghị định, thông tư… 

 

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Vũ Đại Thắng đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu có nhất thiết đưa doanh nghiệp bảo hiểm vào phạm vi điều chỉnh của Luật hay không khi mà chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp – bao trùm cả các đối tượng doanh nghiệp này. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị việc cấp các giấy phép con như Chứng chỉ bảo hiểm nên nghiên cứu, phân cấp cho các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, như các trường đại học thay vì phải giao các Bộ (như Bộ Tài chính) triển khai.

 

 

Đại biểu cũng cho rằng bảo hiểm bắt buộc cũng cần được tăng cường hiệu lực với các nội dung quy phạm chặt chẽ, còn các loại hình bảo hiểm tự nguyện như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe… nên để vận hành theo đúng cơ chế thị trường, giảm bớt sự can thiệp của các cơ quan nhà nước.

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam đã phân tích vai trò của tư vấn bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể tư vấn viên là người được các doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và cấp chứng chỉ để hoạt động tư vấn với mục đích bán sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp cho khách hàng. Khách hàng mua bảo hiểm là mọi thành phần đối tượng trong xã hội với trình độ văn hóa khác nhau nên nhận thức về các điều kiện, hình thức, chủ thể, nội dung… của hợp đồng bảo hiểm cũng khác nhau. Từ đó, đại biểu khẳng định khi tư vấn viên tư vấn cho khách hàng để tiến tới giao kết hợp đồng, tư vấn viên có thể vì mục đích doanh số, hoa hồng… mà dễ dàng bỏ qua các quy định của pháp luật, tư vấn sai để khách hàng tin tưởng giao kết và đóng phí mà hậu quả dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu…

 

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu tại buổi họp tổ

 

Đại biểu cũng đề nghị Tại Điều 4, khoản 8 đề nghị bổ sung từ “bảo hiểm” sau từ “Tư vấn” viết lại thành: “8. Tư vấn bảo hiểm là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm,…” đồng thời phía doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về lỗi để bồi thường thiệt hại cho người mua bảo hiểm, hoặc trong trường hợp phát sinh tranh chấp tại Tòa án thì cần phải công nhận hiệu lực của hợp đồng để bảo vệ bên yếu thế là người mua bảo hiểm. Bởi vì, người tư vấn bảo hiểm là người nhân danh phía doanh nghiệp trực tiếp giới thiệu, tư vấn và bán sản phẩm cho khách hàng vì mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp. 

 

Phân tích thực tế, các Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu phần lớn xuất phát từ lỗi của tư vấn viên bảo hiểm nhưng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra phía doanh nghiệp bảo hiểm thường gây khó khăn hoặc từ chối trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng vì do sai sót từ người mua bảo hiểm, đại biểu nhấn mạnh cần phải có quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của tư vấn viên, doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên mua bảo hiểm trong trường hợp hai bên giao kết và hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực, bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, khi có sự kiện bảo hiểm dẫn đến tranh chấp thì phải công nhận hợp đồng vì lỗi xuất phát của người tư vấn bảo hiểm.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm và đại biểu Trần Quang Minh cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc xây dựng Luật, từ đó, đề xuất cần bổ sung nội dung giám sát trong kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, các đại biểu cũng phản biện một số điểm khó khả thi trong Luật như: điểm a, điều 18, bên mua phải kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin liên quan; Điều 28 khách hàng đọc kỹ điều khoản hợp đồng khi mua… 

 

Các đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để hoàn chỉnh để đảm bảo các quy định Luật đảm bảo tính thực tiễn, phản ánh đúng việc điều chỉnh quan hệ có nội dung phức tạp, đa dạng trong kinh doanh bảo hiểm.

Diệu Linh
 

Các tin khác