Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 480

  • Tổng 2.779.596

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam – Sửa đổi Bộ Luật tố tụng Hình sự tháo gỡ những khó khăn trong pháp luật tố tụng hình sự hiện nay

16:50, Thứ Hai, 25-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, hôm nay 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận với sự tham gia của các vị ĐBQH, gồm ông Nguyễn Tiến Nam và ông Trần Quang Minh. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

 

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đã có bài phát biểu khẳng định sự cần thiết phải sửa bổi Bộ Luật tố tụng hình sự và góp ý một số nội dung cụ thể của Dự thảo.

 

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu tại phiên thảo luận

 

Đại biểu thể hiện sự đồng tình cao vì Dự án Luật đã tuân theo quy trình làm luật chặt chẽ, đã được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội có liên quan xem xét, thẩm tra. Theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung 6 điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật tố tụng hình sự mà còn đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác điều tra, xử lý tội phạm, cũng như lộ trình hội nhập quốc tế của đất nước. 

 

Đại biểu nhấn mạnh vai trò của  bổ sung  nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thể hiện trong việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146.  Lý giải điều này, đại biểu cho hay việc sửa đổi, bổ sung này là phù hợp với hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng công an nhân dân và yêu cầu thực tiễn hiện nay. Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, công an xã là một cấp công an trong hệ thống tổ chức, bộ máy của Công an nhân dân, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là lực lượng thường trực, gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm từ Nhân dân đồng thời họ cũng luôn có mặt kịp thời nhất khi có những vụ việc liên quan an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở… 

 

 

Các đại biểu tại điểm cầu Quảng Bình trong phiên thảo luận trực tuyến

 

Thống kê số liệu thực tế hiện nay, 100% xã đã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 công an chính quy được điều động,bố trí đảm nhiệm chức danh công an xã; trong đó, trên 50% có trình độ Đại học các trường công an nhân dân, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan điều tra hình sự, đại biểu cho rằng nguồn nhân lực ở công an xã là rất lớn, đủ khả năng để đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tương đương như công an phường, thị trấn. 

 

Nêu bật những khó khăn, thách thức đối với lực lượng công an xã thời gian qua, đại biểu nêu bật vai trò của công an xã và khẳng định việc bổ sung nhiệm vụ này cho công an xã là rất cần thiết, đúng đắn.

 

Bên cạnh đó, đại biểu tán thành việc bổ sung quy định: “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh ...” làm căn cứ để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tại khoản 1 Điều 148; tạm đình chỉ điều tra tại khoản 1 Điều 229; tạm đình chỉ vụ án tại khoản 1 Điều 247 vì nội dung này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác tố tụng hình sự thời gian qua. Cụ thể, tình hình thiên tai (mưa bão, lũ lụt…) gây hậu quả nặng nề đối với nhiều tỉnh, thành, đặc biệt, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung… dẫn đến một số hoạt động tố tụng bị gián đoạn, trì hoãn, kéo dài… Những sự kiện bất khả kháng do khách quan đưa đến đặt ra yêu cầu bổ sung quy định để các cơ quan, người tiến hành tố tụng có cơ sở giãn, hoãn thời gian xử lý tin tố giác tội phạm, quá trình khởi tố, tránh tình trạng có thể thoát người, lọt tội…

 

Đề nghị bổ sung “pháp nhân thương mại” ở tiêu đề và nội dung của điều luật nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của pháp nhân thương mại trong quá trình tham gia tố tụng vào điều 8 của Dự thảo Bộ Luật, đại biểu Nguyễn Tiến Nam nêu rõ: Bộ Luật hình sự năm 2015 xác định pháp nhân thương mại là một chủ thể chịu trách nhiệm hình sự và có 01 chương riêng (Chương XI) quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội; 33 tội danh của phần các tội phạm và nhiều điều luật khác trong Bộ luật này cũng đã quy định về pháp nhân thương mại.

 

Về Điều 484. Người được bảo vệ, tại khoản 1 đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm “a) Người tố giác tội phạm” thành “a) Người tố giác, báo tin về tội phạm”; bổ sung “người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật” vào quy định người được bảo vệ để bảo đảm quyền lợi chính đáng của những người tham gia tố tụng và phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 56; khoản 3 Điều 67 và khoản 2 Điều 70 của BLTTHS. 

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác