Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 4178

  • Tổng 2.850.650

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình – các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cần đến đúng đối tượng

21:36, Thứ Năm, 21-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng ngày 21/10, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành thảo luận ở tổ về các báo cáo được trình bày tại kỳ họp. Đồng chí Vũ Đại Thắng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên họp với sự tham gia của các ĐBQH Nguyễn Tiến Nam và Trần Quang Minh. Tham dự kỳ họp có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

 

Tại phiên họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024.

 

Đại biểu Vũ Đại Thắng - sự điều hành kinh tế xã hội năm qua diễn ra rất nhuần nhuyễn

 

 

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình thảo luận tại tổ

 

Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Vũ Đại Thắng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021 là một năm đặc biệt với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, nhiều sự kiện chính trị trọng đại diễn ra như đại hội Đảng XIII, bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Dù vậy, sự điều hành  kinh tế xã hội vẫn diễn ra rất nhuần nhuyễn, đặc biệt 6 tháng đầu năm. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua. Với diễn biến đợt dịch thứ 4, tốc độ lây nhiễm nhanh và sâu nhưng qua 4 tháng đã cơ bản khống chế được. Quá trình chống dịch huy động được các lực lượng chuyên môn vào cuộc,  đã tích lũy được kinh nghiệm 3 đợt chống dịch trước để có sự điều hành, chỉ đạo linh hoạt từ Trung ương tới địa phương. 

Từ việc phân tích tầm quan trọng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Vũ Đại Thắng cũng đề nghị Quốc hội đưa vào nội dung Nghị quyết kỳ họp tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để kịp thời ứng phó với các tình huống cấp bách trong thời gian tới, cần có chương trình tổng thể cấp Quốc gia để ứng phó với các tình huống tương tự vì dịch bệnh không từ một ai. 
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế 2022, 3 năm 2022-2024 Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thể hiện sự nhất trí cao với Chính phủ. Dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng các chỉ số phát triển kinh tế đặc biệt là thu ngân sách rất đáng khích lệ. Tuy vậy, đại biểu đánh giá nguồn thu này chưa bền vững do thu thuế và phí vẫn ở mức chưa cao mà chủ yếu là thu từ đất. Nhiều địa phương thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương giao nhưng đa phần từ chuyển giao đất, không xuất phát từ nhu cầu thực. Ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp trong chống dịch, đại biểu cũng đánh giá cao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong những tháng dịch bệnh bùng phát, đại biểu cho rằng đây là biện pháp hiệu quả để doanh nghiệp phục hồi hiệu quả trong thời gian này. 
Đồng tình với các giải pháp về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đại biểu đề nghị quá trính triển khai cần đảm bảo những hỗ trợ này phải đến đúng đối tượng, người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã. Đối với chi đầu tư phát triển, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, để tạo đà cho việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Đối với những kiến nghị rất cụ thể của Chính phủ về cải cách tiền lương, ông đồng tình với việc lùi tiến trình nhưng đề nghị xem xét bổ sung kinh phí tăng lương cho đối tượng người cao tuổi, người nghỉ hưu trước 1995 để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – cần có các giải pháp tổng thể để phục hồi kinh tế du lịch và tạo việc làm cho người lao động

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh thảo luận về vấn đề lao động, việc làm và phát triển du lịch

 

Từ việc phân tích đứt gãy của ngành du lịch, sự khủng hoảng của lao động, việc làm trong thời gian qua, đại biểu Minh Tâm đã đề xuất giải pháp về phục hồi và phát triển du lịch, việc làm như: hỗ trợ tài chính và đào tạo lại đảm bảo sự tồn tại của các doanh nghiệp và người lao động du lịch; tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả, nhanh chóng giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội; các giải pháp để xây dựng môi trường du lịch an toàn. Theo đại biểu, giải pháp ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến du lịch để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch, cụ thể là xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong cả nước, ban hành quy định, hướng dẫn nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn cho du khách cũng như quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dich bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn ở mức độ khu vực/quốc tế.
Về lao động và việc làm, đại biểu cho rằng 2 năm liên tiếp vừa qua, lao động nước ta phải đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng, dự báo tình hình năm 2022 được cho là sẽ còn nhiều tiềm ẩn, phức tạp. Vì thế, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân và tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân nói riêng và hộ gia đình nói chung trong việc phòng chống dịch bệnh, cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp. Bên cạnh đó, cần tập trung vào vấn đề kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Thậm chí, cần có những chuyến xe để chở người lao động từ quê về lại các vùng kinh tế, công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa trở lại được bình thường.  Ngoài ra, đại biểu mong muốn Chính phủ đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam – hỗ trợ cần đúng đối tượng và đảm bảo cân đối thu-chi 

 

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam cần phải luật hóa từ quy trình tiêm văcxin đến các vấn đề khác… Ông cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, theo ông, khi thời điểm cao điểm đã qua, cần thắt lại chi tiêu, cần đánh giá, tổng hợp lại, gọn các đối tượng… để phù hợp tình hình tài chính và từng đối tượng. 

 

Đại biểu Trần Quang Minh – quá trình chống dịch cần có sự điều tiết của Chính phủ, tạo sự đồng bộ

 

 

Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Chính phủ không để tình trạng các địa phương cát cứ trong việc phòng, chống dịch 

 

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Quang Minh đã chỉ ra những bất cập, lúng túng trong công tác phòng, chống dịch, người dân nhiều nơi chưa có ý thức trong việc chống dịch, nhất là các khu dân cư đông người. Dự báo thời gian tới dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, thị trường phục hồi chậm, suy thoái toàn cầu, ảnh hưởng lớn… Vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung như: kiên trì mục tiêu kép, sống chung với dịch, không để tình trạng các địa phương cát cứ trong việc phòng, chống dịch mà Chính phủ cần đứng ra điều hành đồng bộ, thích ứng từng hoàn cảnh… Đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện nghị quyết 68 cần điều chỉnh nguồn lực cho các tỉnh để phòng, chống dịch. Khi xem xét để hỗ trợ kinh phí cho lao động tự do, không để tình trạng mỗi địa phương lại hỗ trợ một mức khách nhau vì người dân sẽ có sự so sánh… giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cần có sự hỗ trợ cho các đối tượng lao động về quê dịp vừa qua trong khi nền kinh  tế phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh từng bước trở lại. 

Diệu Linh
 

Các tin khác