Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 635

  • Tổng 2.779.751

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khảo sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo

10:52, Thứ Tư, 13-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Chiều ngày 12/10/2021, thực hiện Chương trình công tác năm 2021 và trên cơ sở ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Đoàn khảo sát để nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tại Sở Giáo dục và Đào tạo từ đầu năm 2021 đến nay. Đồng chí Vũ Đại Thắng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham gia Đoàn công tác còn có đồng chí Nguyễn Minh Tâm – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh công tác tại địa phương và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

 

 

 

Đồng chí Vũ Đại Thắng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu đặt vấn đề

 

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GDĐT - đồng chí Đặng Ngọc Tuấn đã trình bày kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 

 

Đồng chí Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GDĐT trình bày báo cáo kết quả hoạt động giáo dục và đào tạo trong đại dịch Covid-19

 

Cụ thể, để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, Sở GDĐT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầu năm học, không tổ chức khai giảng, lùi thời gian tổ chức dạy học năm học 2021-2022 để tập trung phòng chống dịch COVID-19, tạo tâm thế sẵn sàng cho phụ huynh học sinh cho con em được học tập trực tuyến khi các em không được đến trường. Sở GDĐT, các phòng GDĐT đã tập huấn cho đội ngũ, chuẩn bị các phương án dạy học trong từng tình huống cụ thể, trong đó tập trung chuẩn bị các điều kiện để dạy học trực tuyến. Các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện và nhu cầu dạy học như phần mềm Zoom, Google Meet. Nhiều đơn vị đã chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng dịch vụ để được hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý dạy học trực tuyến như K12Online, VNPTelearning, mSchool. 100% cơ sở giáo dục đã tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho tất cả đội ngũ giáo viên. Theo thống kê, đến ngày 08/10/2021, toàn ngành có: 99,9% giáo viên có thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến (trong đó, cấp tiểu học có 99,8%; cấp trung học cơ sở có 100%; cấp trung học phổ thông có 100% và GDTX có 99,8 %). Có 82,02% học sinh tiểu học; 87,8% học sinh trung học cơ sở; 95,3% học sinh THPT; 70,7% học viên giáo dục thường xuyên có thiết bị phục vụ học trực tuyến (gồm máy tính, điện thoại thông minh). Nhờ vậy, đến ngày 08/10/2021 đã có 30/32 trường phổ thông trực thuộc Sở GDĐT tổ chức học trực tuyến; 02/32 trường tổ chức dạy học kết hợp trực tuyến với trực tiếp (Trường THCS&THPT Trung Hóa, Trường THCS&THPT Hóa Tiến). 6/8 phòng GDĐT triển khai dạy học trực tuyến; phòng GDĐT huyện Minh Hóa triển khai dạy học trực tiếp; phòng GDĐT huyện Tuyên Hóa triển khai dạy học trực tiếp và trực tuyến. 7/8 trung tâm giáo dục - dạy nghề và Trung tâm GDTX tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến; Trung tâm GD-DN huyện Tuyên Hóa tổ chức dạy học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên học trực tuyến giảm vì huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa tổ chức dạy học trực tuyến, kết hợp trực tiếp. Cụ thể: 81,4% học sinh lớp 3,4,5;  81,7% học sinh trung học cơ sở; 98,2% học sinh trung học phổ thông; 77,6% học viên giáo dục thường xuyên tham gia học trực tuyến; có 75,3% học sinh lớp 1, lớp 2 tham gia học qua truyền hình.


 

Các đại diện lãnh đạo Sở GDĐT giải trình các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách

 

Đối với Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở GDĐT đã khẩn trương triển khai. Đến nay, đã có 22 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tài trợ Chương trình với tổng giá trị (bằng hiện vật và tiền) là 3.322.961.000 đồng và kịp thời tổ chức trao cho 1.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh hiện vật được tài trợ. 

Dù tính đến ngày 10/10/2021, toàn ngành có: 21 giáo viên và 296 học sinh bị dương tính với virus COVID-19 nhưng hiện nay đã có 16 giáo viên và 246 học sinh đã được điều trị lành bệnh; còn 05 giáo viên và 50 học sinh đang được cách ly để điều trị.Toàn ngành có 91,9% giáo viên được tiêm vắc-xin phòng dịch, trong đó 16,96% giáo viên được tiêm 2 mũi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các lãnh đạo Sở GDĐT cũng đã trình bày một số khó khăn của ngành như: Hệ thống trường, lớp ngoài công lập, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm giáo dục kĩ năng sống, trung tâm tư vấn du học, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo hoà nhập có nguy cơ giải thể, phá sản; đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhân viên nấu ăn ở các trường mầm non công lập không có việc làm trong thời gian dài; việc triển khai các chương trình đổi mới giáo dục gặp khó khăn khi triển khai do dịch bệnh kéo dài, nhiều báo chí, trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các thông tin khó khăn khi học trực tuyến dẫn đến gây hoang mang cho phụ huynh học sinh; không tạo được sự đồng thuận trong thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, những khó khăn trong việc triển khai hiệu quả việc phân luồng giáo dục…

Các đại biểu trong Đoàn đã cùng trao đổi, lắng nghe đại diện Sở GDĐT  đề xuất, phân tích các giải pháp, biện pháp khắc phục để phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. 

Cụ thể, làm rõ thêm về các kiến nghị của Sở như kiến nghị để UBND tỉnh giao biên chế cho ngành giáo dục theo định mức quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GDĐT; sớm giao biên chế vào đầu mỗi năm học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục trong phân công,bố trí, sắp xếp đội ngũ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy học theo kế hoạch tuyển sinh đầu năm học; mở rộng đầu tư, xây dựng khu công nghiệp để thu hút nguồn lao động sau khi tốt nghiệp nghề. Cân đối lại kế hoạch, chỉ tiêu phân luồng để phù hợp với thực tế hơn. Quan tâm ưu tiên bố trí cho tỉnh Quảng Bình nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đối với tỉnh Quảng Bình và Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025.

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại cuộc họp

 

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh phát biểu 

 

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Đại Thắng – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn trong thời gian qua để ứng phó kịp thời với đại dịch Covid-19, thực hiện phương châm châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Khẳng định vai trò của giáo dục trong tiến trình phát triển của xã hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình cần khắc phục trong thời gian tới, đồng thời ghi nhận những kiến nghị hợp lý của ngành giáo dục để chuyển tải tới các cơ quan có thẩm quyền. 
 

Diệu Linh
 

Các tin khác