Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 4487

  • Tổng 2.846.422

Một số điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022

9:56, Thứ Tư, 17-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Luật Thanh tra được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 14/11/2022, gồm 118 điều, 8 chương và có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều quy định mới, khắc phục được những vướng mắc, khó khăn, lỗ hổng của Luật Thanh tra năm 2010.

 

Cụ thể có một số điểm mới như sau:


Thứ nhất, điểm mới đáng chú ý là Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.


Điều 18 quy định, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.


Để việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, Luật quy địnhThanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.


Việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ về cơ bản không làm phát sinh về tổ chức, biên chế, không làm phát sinh chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này vì trên thực tế, một số Tổng cục, Cục vẫn có tổ chức và đội ngũ công chức làm thanh tra chuyên trách nhưng do Luật Thanh tra 2010 quy định không tổ chức thanh tra độc lập nên đã tổ chức thành các vụ, cục, phòng thanh tra và có thêm một vài nhiệm vụ khác (thường là thanh tra - pháp chế, thanh tra - kiểm tra…). Việc có thêm Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ cũng không gây chồng chéo giữa thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục vì Luật quy định mỗi Bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung, được tổng hợp từ đề nghị của các tổ chức thanh tra trong Bộ, trình Bộ trưởng phê duyệt (Điều 45) và có nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 55).


Thứ hai, Luật giao quyền chủ động cho UBND tỉnh trong việc thành lập thanh tra sở (trừ một số trường hợp đặc thù). Như vậy, không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra.


Theo quy định tại Điều 26, Thanh tra sở được thành lập trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.


Luật Thanh tra quy định rõ, Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.


Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.


Đối với Thanh tra tỉnh, ngoài việc kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Luật Thanh tra năm 2010, bổ sung thêm nhiệm vụ: Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.


Thứ ba, về hoạt động thanh tra


Luật bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thanh tra hiện nay như việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch tiến hành thanh tra; việc tạm dừng cuộc thanh tra; việc đình chỉ cuộc thanh tra…, cụ thể:


- Việc tạm dừng cuộc thanh tra: Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong 02 trường hợp: có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra; đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý (trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày).


Khi tạm dừng cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét hủy bỏ biện pháp đã áp dụng hoặc áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhưng phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.


Người ra quyết định thanh tra quyết định tiếp tục cuộc thanh tra khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn hoặc hết thời hạn tạm dừng. Quyết định tạm dừng cuộc thanh tra, quyết định tiếp tục cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.


- Việc đình chỉ cuộc thanh tra: Người ra quyết định thanh tra ra quyết định đình chỉ cuộc thanh tra trong các trường hợp sau đây:


+ Đối tượng thanh tra là cá nhân đã chết; cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền và nghĩa vụ;


+ Nội dung thanh tra đã được cơ quan thanh tra cấp trên kết luận;


+ Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về cùng nội dung thanh tra;


+ Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có văn bản yêu cầu đình chỉ cuộc thanh tra; 


+ Thuộc trường hợp chồng chéo, trùng lặp đã được xử lý theo quy định tại Điều 55 của Luật Thanh tra.


Khi đình chỉ cuộc thanh tra, người tiến hành thanh tra có trách nhiệm hủy bỏ các biện pháp đã áp dụng theo thẩm quyền trong quá trình thanh tra. Quyết định đình chỉ cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.


Thứ tư, quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra. Đây cũng là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.


Điều 78 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.


Cũng tại Điều 78 này quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.


Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.


Thứ năm, về công khai kết luận thanh tra:


Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, bảo đảm cho công dân, cơ quan, tổ chức giám sát hoạt động của cơ quan thanh tra, kịp thời phát hiện, kiến nghị, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan thanh tra, Đoàn thanh tra nên Điều 79 Luật Thanh tra đã quy định bổ sung, chi tiết về việc công khai và hình thức công khai kết luận thanh tra như sau:


+ Kết luận thanh tra phải công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của pháp luật.


+ Đối với hình thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp được quy định là hình thức bắt buộc (trước đây là hình thức không bắt buộc, được quyền lựa chọn).


Ngoài ra, Luật còn bổ sung các điều kiện đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; quy định phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra; sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của đoàn thanh tra…


Xem chi tiết Luật Thanh tra 2022 tại đây./.


Phòng CTQH

Các tin khác