Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 4117

  • Tổng 2.850.589

Những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

9:55, Thứ Tư, 17-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật được ban hành là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân; tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện tốt hơn, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

 

Với 6 chương và 91 Điều, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.


Về những nội dung cơ bản của Luật, tại Chương 1 Luật quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ (cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, cộng đồng dân cư, tổ chức có sử dụng lao động), nguyên tắc, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng của Nhân dân, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.


Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật quy định về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai; hình thức và thời điểm công khai thông tin; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định về những nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư, trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến. Quy định các nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.


Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, Luật quy định về công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát. Theo đó, đối với mỗi nhóm nội dung, Luật đều quy định rõ về những nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, trách nhiệm trong việc tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định, đóng góp ý kiến và kiểm tra giám sát. Luật cũng quy định về thành lập và những nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.


Về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, Luật quy định theo hướng cụ thể, chặt chẽ về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, Luật quy định theo hướng khái quát và viện dẫn áp dụng pháp luật, đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật lao động về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc và quy định khác của pháp luật có liên quan.


Bên cạnh đó, để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, khoản 2 Điều 82 quy định tùy theo đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế, doanh nghiệp, tổ chức khác này được quyền lựa chọn áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước theo 6 quy định của Luật và thông báo đến tổ chức Công đoàn của doanh nghiệp và công khai nội dung áp dụng này.


Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội.


Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023./.


Xem chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại đây./.


Phòng CTQH
 

Các tin khác