Cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản
Đó là nội dung ý kiến của đại biểu Phan Thanh Dũng tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra chiều ngày 12/7/2023
Đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đại biểu Phan Thanh Dũng khẳng định, hoạt động khai thác TNKS đã có đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) của tỉnh. Các đơn vị được cấp phép khai thác đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư máy móc thiết bị nhằm khai thác, chế biến khoáng sản ngày một hiệu quả. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng quan tâm, đã có những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý khai thác TNKS trên địa bàn. Điển hình như: Khai thác trái phép, khai thác trộm; khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu cho phép; khai thác vượt quá công suất, diện tích, ranh giới được cấp phép; không cắm mốc ranh giới mỏ; không lắp đặt trạm cân; khai thác không đúng thiết kế; không thực hiện thống kê, kiểm kê, báo cáo sản lượng khai thác đối với hoạt động KTKS; nợ tiền cấp quyền KTKS, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường... gây thất thoát TNKS quốc gia, thất thu ngân sách.
Theo đại biểu, tình trạng cấp phép các mỏ khai thác trên một địa bàn quá dày dẫn đến nhiều hệ lụy trong bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái, giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đơn cử trên địa bàn huyện Quảng Trạch hiện có 9 mỏ, trong đó có 7 mỏ khai thác đá tập trung ở xã Quảng Đông, một địa bàn cũng đang rất được quan tâm để phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, việc quản lý vật liệu nổ trong KTKS chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ về an toàn lao động, an toàn cháy, nổ còn cao. Ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là những khu vực dân cư gần các mỏ khai thác. Chất lượng môi trường ở một số nơi giảm sút nghiêm trọng. Quá trình khai thác vẫn để xảy ra các vụ tai nạn lao động, một số vụ bị thương nặng, chết người.
Đại biểu đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu như do người lao động không chấp hành tốt nội quy, quy định làm việc an toàn; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chưa chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, phòng ngừa tai nạn lao động tại nơi sản xuất; chưa chú trọng việc tổ chức huấn luyện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động…
Ý kiến thảo luận của đại biểu đã chỉ ra 6 nguyên nhân cơ bản, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tương ứng. Đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, các văn bản khác có liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện các hoạt động phòng ngừa, nhất là chủ động phòng ngừa tránh rủi ro.
Cùng với việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý hoạt động khai thác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh những mỏ hoạt động không bảo đảm yêu cầu, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý vật liệu nổ…, đại biểu Phan Thanh Dũng đề nghị cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp khai thác không đúng quy định, khai thác vượt quá phạm vi ranh giới cấp phép, kê khai không đúng sản lượng thực tế; quyết liệt hơn đối với các đơn vị cố tình chây ỳ, không thực hiện đóng nộp các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Ý kiến của đại biểu Phan Thanh Dũng cũng đề nghị tổ chức rà soát tổng thể việc cấp phép, quản lý hoạt động khai thác TNKS để xây dựng phương án đồng bộ trong việc cấp phép, quản lý khai thác; cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, vừa bảo đảm môi trường, sinh thái, cảnh quan, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với phát triển du lịch; đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự, ổn định chính trị và hợp lòng dân. Đặc biệt, đối với những địa bàn đã xác định phát triển du lịch cần hạn chế cấp phép mỏ mới, đồng thời không gia hạn cho những mỏ đã hết thời hạn khai thác.
Đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đại biểu đề nghị doanh nghiệp phải khai thác theo đúng quy định của pháp luật và tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 111 giấy phép do UBND tỉnh cấp cho 98 tổ chức (có 95 mỏ đang khai thác, 5 mỏ đang tạm dừng, 5 mỏ chưa khai thác và 6 mỏ đang đóng cửa). Trong tổng số 111 giấy phép do UBND tỉnh cấp, có 49 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 49 giấy phép khai thác cát xây dựng, 7 giấy phép khai thác đất sét gạch ngói, 6 giấy phép khai thác đất san lấp. Có 16 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (11 mỏ đang khai thác, 1 mỏ đang tạm dừng và 4 mỏ chưa khai thác), trong đó: Kao lanh 3 giấy phép, titan 1 giấy phép, đá vôi xi măng 7 giấy phép và sét xi măng 5 giấy phép). |
- Một số vấn đề về nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở khu vực biên giới (13/12/2022)
- Tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu và việc bình ổn giá cả các loại hàng hóa dịp tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh (13/12/2022)
- Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình đến ngày 07/12/2022 (13/12/2022)
- Tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Quảng Trạch trong năm 2022 và công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện (13/12/2022)
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Tỉnh (13/12/2022)
- Tình hình thực hiện GPMB các Dự án trọng điểm; công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên; thu ngân sách; công tác đấu giá, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn (13/12/2022)
- Tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 (13/12/2022)
- Vấn đề phát triển du lịch của tỉnh và những giải pháp (13/12/2022)
- Công tác GPMB dự án Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Dự án thành phần 1- Đường ven biển đoạn đi qua huyện Bố Trạch (09/12/2022)
- Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cho cơ sở thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã Ba Đồn (09/12/2022)