Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 171

  • Tổng 2.872.349

Một số vấn đề về nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người ở khu vực biên giới

15:35, Thứ Ba, 13-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

 

Các đại biểu tại kỳ họp

 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2. Trong đó có 9 xã có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài 222,118 km; tổng dân số gần 11.000 hộ, 45.400 người; sinh sống tập trung theo cộng đồng ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Bru-Vân Kiều và Chứt là hai dân tộc thiểu số có số dân đông nhất với trên 26.000 người; ngoài ra còn có một số ít các dân tộc thiểu số khác di cư đến sinh sống, như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa Cô, Gia Rai. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,52%.

 

Đây là vùng có vị trị chiến lược về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên không thuận lợi; đời sống của Nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vẫn còn vất vả, thiếu thốn; trình độ nhận thức, phong tục, tập quán còn nhiều hủ tục lạc hậu, nhất là ở các bản xa trung tâm, giáp biên giới; hoạt động của các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra, chưa chấm dứt triệt để. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên có âm mưu lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc….đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động lao động sản xuất, đời sống của nhân dân, nhiệm vụ phát triển KT-XH và quốc phòng - an ninh.

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, như: Nghị quyết số 08 ngày 10/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết số 27, 68 và 76 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước và địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; ngày 20/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1722 để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát huy quyền làm chủ của đồng bào DTTS; đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư phát triển, do vậy bộ mặt của khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có sự chuyển biến tích cực.

 

Một số kết quả nổi bật:

 

- Các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, tình hình, nhiệm vụ QP - AN, tạo sự đồng thuận của nhân dân để triển khai thực hiện. Triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, quan tâm thực hiện các dự án, chương trình phát triển KT-XH gắn với chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các lĩnh vực trọng yếu gắn với bảo đảm QP-AN. Qua triển khai thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã, trên 88% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trạm y tế, 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động. Một bộ phận đồng bào dân tộc đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Giáo dục đào tạo có bước phát triển khá; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn, giữ gìn và phát huy; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì và phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đúng mức, 100% trạm y tế ở các xã bác sĩ phục vụ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, hoạt động của hệ thống chính trị ở vùng DTTS ngày càng được nâng lên; công tác bảo vệ đường biên mốc giới được phát huy; quốc phòng an ninh được đảm bảo.

 

- Đối với BĐBP tỉnh, thời gian qua đã bám sát chủ trương của trên, phối hợp chặ chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-VH-XH, nổi bật: Duy trì và phát triển 4 mô hình lúa nước (Rục Làn, Ka Ai, Tân Ly, Chăm Pu), năng suất 4 tấn/ha; xây dựng 96 công trình Ánh sáng vùng biên, chiều dài trên 90km, trị giá trên 4,5 tỷ đồng; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xây cầu vượt lũ, trường học, nhà văn hóa, giếng nước sinh hoạt, tặng cây, con giống… trị giá hàng chục tỷ đồng; duy trì tốt 4 Trạm Quân dân y ở địa bàn các xã biên giới (Làng Ho, Bản 61, Ra Mai, Bãi Dinh) góp phần bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; nhận nuôi, hỗ trợ 30 cháu học sinh DTTS thực hiện Dự án “Cán bộ, chiên sỹ quân đội nâng bước em tới trường”, 99 cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường và Con nuôi đồn Biên phòng”…đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS khu vực biên giới.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua có lúc, có nơi còn những hạn chế, khó khăn nhất định, đó là:

 

- Đây là khu vực có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và bị chia cắt, mật độ dân cư thưa thớt, không tập trung, vì vậy điều kiện để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn dẫn đến tốc độ phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng DTTS còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Hệ thống chính trị cơ sở chưa thực sự vững mạnh toàn diện; an ninh trật tự vùng miền núi, biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

 

- Một bộ phận quần chúng nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chịu khó trong lao động, sản xuất.

 

- Nhu cầu đầu tư các dự án lớn, tuy nhiên ngân sách nhà nước phân bổ còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư còn chậm tiến độ; việc kêu gọi, huy động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa đạt được theo ý định, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tôi xin đề xuất một số chủ trương, giải pháp sau:

 

- Một là: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân tộc cũng như các chủ trương, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chương trình, dự án chính sách dân tộc đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, tích cực trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

- Hai là: Phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, huy động tối đa nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân phát triển KT-XH. Trong quá trình thực hiện cần bám sát cơ sở, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện; chú trọng hỗ trợ tạo công ăn việc làm, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế bền vững; hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm để dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào DTTS.

 

- Ba là: Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tăng cường đổi mới công tác dân tộc và vận động quần chúng, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS; giải quyết những mâu thuẩn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng, kịp thời ngăn chặn các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và khu vực biên giới.

 

- Bốn là: Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn của chương trình đúng địa bàn, đối tượng; có cơ chế huy động thêm nguồn lực bổ sung cho các địa phương để triển khai thực hiện. Tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ, doanh nghiệp để nghiên cứu những giải pháp, cách làm mới, sáng tạo trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mọi vấn đề liên quan đến chương trình, dự án phải được công khai minh bạch từ thôn, tổ, xóm, hộ gia đình nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và huy động được các nguồn lực để thực hiện, đồng thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong triển khai thực hiện các dự án.

 

- Năm là: Có cơ chế chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia sinh hoạt, tạo không khí phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, nhân dân khu vực biên giới.

 

- Sáu là: Có chính sách thu hút cán bộ, tri thức trẻ có trình độ, năng lực về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bố trí cán bộ làm công tác dân tộc, chính sách dân tộc phù hợp. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ cho các địa phương, thôn bản, ưu tiên con em vùng đồng bào dân tộc thiểu. Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lực lượng lao động phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

 

- Bảy là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là của Mặt trận Tổ quốc các cấp, già làng, trưởng bản, người có uy tín việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện. Nhân rộng và khen thưởng những mô hình mới, cách làm hiệu quả; thực hiện tốt công tác đánh giá sơ kết, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trịnh Thanh Bình

Tổ đại biểu huyện Quảng Trạch tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

 

Các tin khác