Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 873

  • Tổng 2.866.315

Một số ý kiến thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2022

8:14, Thứ Hai, 13-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Năm 2021, triển khai nhiệm vụ kế hoạch gặp nhiều khó khăn thách thức; hậu quả của lũ lụt năm 2020 còn để lại nặng nề; sự bùng phát dịch bệnh covid-19 sau đợt thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp đã gây ra nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế  của tỉnh: Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu; thị trường tiêu thụ thu hẹp, lao động mất việc làm, thu nhập và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn … Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội nói chung vẫn đạt được một số kết quả nhất định: Thu ngân sách đạt khá, nông nghiệp được mùa, công nghiệp duy trì tăng trưởng, cung ứng hàng hóa đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dung; công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

 

 

Đại biểu Đặng Đại Bàng, Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới

 

Đạt được kết quả này nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và giải quyết kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần tự giác của người dân; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng, dám chấp nhận sự hy sinh, vất vả vì nhân dân phục vụ của đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch… nhờ đó, tình hình dịch bệnh covid-19 trên địa bàn tỉnh đã dần được khống chế, kinh tế xã hội cơ bản ổn định trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, khu vực và quốc tế.

 

Một số nội dung liên quan đến tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2022 trong bối cảnh hiện nay như sau:

 

1. Về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021 và kế hoạch năm 2022: Theo đánh giá có 13/21 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; còn có 8/21 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu rất quan trọng chưa đạt như: Tốc độ tăng trưởng (GRDP) (chỉ đạt 4,16%/KH 6,5-7%); GRDP bình quân đầu người; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; Giá trị sản xuất công nghiệp; Giá trị sản xuất dịch vụ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Giải quyết việc làm... Trừ chỉ tiêu thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra (đạt 6.150 tỷ đồng/KH 5.428 tỷ đồng), còn lại hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế đều không đạt kế hoạch, qua đây cho thấy ảnh hưởng hậu quả lũ lụt năm 2020 và hệ lụy của đại dịch covid-19 đối với nền kinh tế tỉnh ta là rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần xác định và nhận diện rõ những thuận lợi, cơ hội và những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện tại để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm khôi phục, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới hiện nay.

 

2. Việc đánh giá về sự phục hồi kinh tế thông qua các gói hỗ trợ; giải ngân vốn đầu tư công; các điểm nghẽn dần được tháo gở... thông qua việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuổi cung ứng và mạng lưới sản xuất; thực hiện chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư; sự chuẩn bị kỹ càng các điều kiện cho phát triển du lịch, dịch vụ sau khi dịch bệnh được khống chế là cơ sở, tiền đề để xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 phù hợp, sát đúng tình hình và có tính khả thi.

 

3. Theo dự báo, quá trình phục hồi kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ diễn ra chậm, và mức tăng trưởng thấp nếu không kiểm soát được dịch bệnh; kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức: tái cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp, trong khi ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch sẽ chưa thể phục hồi kịp trong năm 2022; chưa có các dự án động lực đi vào hoạt động, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó tôi cho rằng các chỉ tiêu về của kế hoạch năm 2022 trong báo cáo như: Tốc độ tăng trưởng GRDP (6,0-6,5%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,0-9,5%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng (6,0-6,5%); GRDP bình quân đầu người đạt 52-53 triệu đồng là có tính phấn đấu rất cao; trong khi đó, chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách 6.000 đồng là khá thấp so với năm 2021 (năm 2021 số thu ước đạt 6.150 tỷ đồng). Về dự toán ngân sách năm 2022, ngoài việc ưu tiên cho công tác phòng chống dịch covid-19, đề nghị quan tâm hơn công tác chỉnh trang đô thị, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ sau khi dịch bệnh được khống chế và kiểm soát tốt.

 

4. Về các giải pháp thực hiện kế hoạch, tôi xin trao đổi và kiến nghị đề xuất một số giải pháp như sau:

 

- Về cân đối nguồn lực đầu tư công: Năm 2022 là năm bản lề triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá giai đoạn 2021-2025 đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, vì vậy, đối với nguồn vốn đầu tư công thuộc ngân sách tỉnh cần quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng có trọng tâm trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; và các điều kiện đảm bảo khác như y tế, chăm sóc sức khỏe, nguồn nhân lực ... để làm mồi câu các dự án lớn của nhà đầu tư có khả năng, tiềm lực đủ mạnh tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

 

- Thành phố Đồng hới là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh; những năm vừa qua được sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ; tuy nhiên hiện nay, nhiều tuyến đường các khu dân cư củ đã bị xuống cấp, hư hỏng, khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, đi lại của nhân dân, đặc biệt là khi trời mưa… Vì vậy, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp sửa chữa, hoàn thiện mặt đường, đáp ứng nhu cầu đi lại trong thành phố, phục vụ phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xứng tầm vai trò, vị thế của một trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh, thành phố du lịch thân thiện với môi trường.

 

- Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực và gây nhiều hệ lụy đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Để từng bước khôi phục lại nền kinh tế tỉnh do đại dịch gây ra, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của tỉnh cần tập trung tháo gở những khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, tạo  việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân; đảm bảo các chế độ, chính sách đối với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch; tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn; giải quyết những bất cập, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và kiểm soát dịch COVID-19.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Đặng Đại Bàng,

Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

Các tin khác