Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 2070

  • Tổng 2.781.185

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

6:12, Thứ Ba, 21-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

\

 

Trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức thu thập kiến nghị cử tri bằng hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp, qua văn bản và một số hình thức khác gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

 

Cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với UBMTTQVN các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan; UBMTTQVN các cấp huyện, xã phối hợp với các cơ quan truyền thông cơ sở để thông tin về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; đồng thời thu thập, tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi đến UBMTTQVN các cấp. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã gửi văn bản đến Thường trực HĐND và UBND các cấp; các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh yêu cầu rà soát, phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật để tổng hợp các kiến nghị, đề xuất gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh còn thông qua Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình cung cấp địa chỉ email của Đoàn để tiếp nhận thêm các kiến nghị của cử tri.

 

Đoàn đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại 08 huyện, thị xã, thành phố. tổng hợp được 20 ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền trả lời, giải quyết của các cơ quan Trung ương, 14 ý kiến kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng địa phương. Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận 14/14 văn bản trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng ở địa phương và đã thông tin đến cử tri có kiến nghị. Đối với 20 kiến nghị thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, hiện đã được Ban Dân nguyện tổng hợp và chuyển đến các cơ quan có liên quan nhưng do thời gian tiếp nhận kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp ngắn nên đến nay vẫn chưa có kiến nghị nào được trả lời, giải quyết.

 

Các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương gồm: Huyện Lệ Thủy: 2 ý kiến; huyện Quảng Ninh: 01 ý kiến; thành phố Đồng Hới: 2 ý kiến; thị xã Ba Đồn: 01 ý kiến; huyện Quảng Trạch: 01 ý kiến; huyện Minh Hóa: 02 ý kiến; huyện Tuyên Hóa:01 ý kiến; huyện Bố Trạch: 04 ý kiến;. Cụ thể ý kiến, kiến nghị cử tri các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành như sau:

 

 

I. HUYỆN LỆ THỦY (02 Ý KIẾN)

 

1. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy phản ánh, Công ty cao su Lệ Ninh đã cổ phần hóa từ năm 2018 theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp đổi mới Nông trường quốc doanh nhưng hiện nay một số tài sản trước đây của Công ty chưa trả về địa phương gây lãng phí tài sản nhà nước, trong đó có Nhà mầm non tại tổ dân phố 3 đã xây dựng trước năm 1980, đến nay bị bỏ hoang. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, thu hồi và đầu tư xây dựng nơi đây thành khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng.

 

Sở Tài chính tỉnh trả lời:

 

Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần tháng 10/2017 nay là Công ty cổ phần Lệ Ninh. Tài sản là Nhà mầm non tại tổ dân phố 3 đã xây dựng trước năm 1980 đây là tài sản tại thời điểm cổ phần hóa đã đưa vào xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang sử dụng làm Văn phòng làm việc của Đơn vị 3 - Công ty cổ phần Lệ Ninh (Theo báo cáo của Công ty tại Công văn số 450/CTLN ngày 10/6/2022). Vì vậy, không thể thu hồi như theo đề nghị của cử tri.

 

(Công văn số 2014/STC-TCDN ngày 14/6/2022 của Sở Tài chính)

 

2. Cử tri phản ánh:

 

Ông Võ Đức Hạng, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy phản ánh, bản thân ông và các cán bộ, giáo viên từng công tác tại Trường Thanh niên dân tộc Lệ Thủy giai đoạn từ năm 1982 đến năm 1991 (tại xã Ngân Thủy) chưa được hưởng chế độ phụ cấp khu vực 0,5 theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc. Theo cử tri, vấn đề này cử tri đã trực tiếp hỏi cơ quan Bảo hiểm Xã hội huyện Lệ Thủy thì được trả lời là Quảng Bình chưa có chủ trương thực hiện, trong khi đó các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã thực hiện chi trả cho các đối tượng tương tự theo Thông tư trên. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát để giải quyết hoặc trả lời để cử tri được rõ.

 

Sở Nội vụ trả lời:

 

Chế độ phụ cấp khu vực theo quy định tại Khoản 2, Mục IV của Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực được tính hưởng kể từ ngày 01/10/2004.

 

Trong khi đó, theo phán ánh của ông Võ Đức Hạng thì “bản thân ông và các cán bộ, giáo viên từng công tác tại Trường Thanh niên dân tộc Lệ Thủy giai đoạn từ năm 1982 đến 1991 (tại xã Ngân Thủy) …”. Căn cứ hiệu lực của Thông tư nêu trên và đối chiếu với thời gian công tác ông Võ Đức Hạng đã trình bày thì các cấp có thẩm quyền không có cơ sở để giải quyết chế độ phụ cấp khu vực theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT- BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT.

 

(Công văn số 1052/SNV-CBCCVC ngày 15/6/2022 của Sở Nội vụ)

 

II. HUYỆN QUẢNG NINH (01 Ý KIẾN)

 

3. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri Hà Xuân Suốt, thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh phản ánh: Gia đình ông hiện đang thờ cúng 3 đối tượng người có công (01 Mẹ Việt Nam anh hùng, 02 liệt sỹ) và có 01 thương binh nhưng không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát; nếu đúng như phản ánh của cử tri thì cần hết sức quan tâm, sớm xem xét hỗ trợ kinh phí cho gia đình ông Hà Xuân Suốt để tu sửa lại nhà hoặc xây nhà tình nghĩa để gia đình ông có nơi thờ cúng các đối tượng người có công đàng hoàng, trang nghiêm. Trường hợp còn vướng mắc hoặc có vấn đề gì khác thì cần có văn bản trả lời để cử tri được rõ.

 

Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh trả lời:

 

UBND huyện Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra, rà soát đối chiếu với các quy định theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ thì hộ ông Hà Xuân Suốt không thuộc đối tượng hỗ trợ.

 

(Công văn số 573/SNV-CBCCVC ngày 15/6/2022 của UBND huyện Quảng Ninh)

 

 

4. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới phản ánh, quá trình thực hiện điều chỉnh Quy hoạch phân khu phía Nam xã Bảo Ninh thành khu đô thị đa chức năng có một số bất cập làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, như: Việc xây dựng khu neo đậu tàu làm ngăn dòng chảy thoát nước, gây ngập lụt nhà ở của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh khi mùa mưa lũ đến, nhất là đối với các nhà ở đã cũ, xuống cấp nghiêm trọng; chính quyền không cấp phép xây dựng nhà, không cho tách thửa đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến người dân không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn, sinh sống... Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, nghiên cứu để có những biện pháp phù hợp nhằm giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn cho người dân sinh sống trên tại địa bàn nói trên.

 

Sở Xây dựng trả lời:

 

Như vậy, tại mục này, cử tri kiến nghị có 02 nội dung:

 

1. Về nội dung xây dựng khu neo đậu làm ngăn dòng chảy thoát nước, gây ngật lụt nhà ở của nhiền hộ dân sinh sống xung quanh khi mùa lũ đến.Theo đồ án Quy hoạch phân khu phía Nam xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỷ lệ 1/2000 (điều chỉnh) đã được phê duyệt tại Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 của UBND tỉnh, hệ thống nước mưa chung của khu chức năng mới cơ bản được thu gom và thoát về hồ điều hòa trung tâm, ngoài ra có một phần nước mưa thoát theo kênh nước hiện có ở phía Nam khu neo đậu tàu thuyền ra sông Nhật Lệ. Tại khu vực dân cư cũ (ở phía Tây đường Nguyễn Thị Định), nước mưa được thu gom theo các trục đường nội bộ và thoát ra sông Nhật Lệ. Như vậy, về thoát nước mặt, khu neo đậu đã được quy hoạch với hệ thống thoát nước riêng và không ảnh hưởng đến khu dân cư cũ.

 

Qua rà soát quy hoạch và kiểm tra hiện trạng thực địa khu vực xung quanh Khu neo đậu tránh trú bão Sở Xây dựng thấy rằng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ (đã hoàn thành) có phần diện tích mở rộng ra phía sông Nhật Lệ và có khả năng ảnh hưởng đến dòng chảy và làm giảm lưu lượng dòng chảy của sông, gây ngật lụt nhà ở như phản ánh của các cử tri.

 

Để kiểm tra, giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá dòng chảy sông Nhật Lệ, ảnh hưởng của công trình (nếu có), để có giải pháp xử lý phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ.

 

2. Về nội dung kiến nghị liên quan đến thủ tục đất đai vướng mắc do không phù hợp quy hoạch xây dựng dẫn tới người dân không được cấp phép xây dựng nhà, không cho tách thửa đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đấtKhu vực dân cư cũ ở phía Tây đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Nhật lệ 1 đến khu neo đậu tránh trú bảo và hậu cần nghề cá) đã được giải quyết các vướng mắc tại đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực dọc tuyến đường phía Đông sông Nhật Lệ, xã Bảo Ninh đoạn từ cầu Nhật Lệ 1 đến Khu neo đậu tránh trú bảo và hậu cần nghề cá đã được phê duyệt tại Quyết định số 267/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh, được Sở Xây dựng công bố công khai tại hội trường UBND xã Bảo Ninh vào ngày 12/5/2022,

 

Các khu vực còn lại khác đã được UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Đồng Hới tại Công văn số 4064/VPUBND-KT ngày 29/10/2021 của Văn phòng UBND tỉnh, theo đó giao UBND thành phố Đồng Hới tổ chức rà soát, đánh giá công tác quy hoạch, tình hình quản lý đất đai, quản lý xây dựng; trong đó rà soát, đánh giá các nội dung không phù hợp, không bảo đảm khả thi để đề xuất điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn xã Bảo Ninh đảm bảo đồng bộ, phù hợp thực tiễn và đúng quy định của pháp luật báo cáo UBND tỉnh.

 

Hiện nay, UBND thành phố đang tổ chức rà soát, đề nghị các hộ dân, phối hợp cung cấp các thông tin cụ thể đến UBND thành phố Đồng Hới để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND thành phố Đồng Hới báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các nhu cầu chính đáng của cử tri.

 

(Công văn số 1344/SXD-QHKT ngày 16/6/2022 của Sở Xây dựng)

 

 5. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới phản ánh, khu vực ven sông tại chân cầu Rào lượng rác thải tương đối nhiều, hiện nay đã vào mùa hè, nắng nóng làm rác thải bốc mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại vị trí nói trên; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân xả rác bừa bãi nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

 

Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới trả lời:

 

Cử tri phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới phản ánh khu vực ven sông tại chân cầu Rào tồn đọng nhiều rác thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trên cơ sở báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND thành phố đã có Công văn số 945/UBND-TNMT ngày 14/6/2022 chỉ đạo Trung tâm Công viên - Cây xanh thành phố bố trí công nhân thu gom toàn bộ lượng rác thải hiện nay đang tồn đọng khu vực chân cầu Rào, thời hạn hoàn thành trước ngày 17/6/2022, thường xuyên duy trì thực hiện công tác vớt rác trên sông cầu Rào đảm bảo chất lượng theo hợp đồng đặt hàng dịch vụ công ích; đồng thời yêu cầu UBND phường Nam Lý, UBND phường Đồng Phú, UBND phường Đức Ninh Đông thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác thải xuống sông cầu Rào, nếu phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý theo đúng quy định.

 

 (Công văn số 948/UBND-TNMT ngày 14/6/2022 của UBND TP Đồng Hới)

 

IV. THỊ XÃ BA ĐỒN (01 Ý KIẾN)

 

6. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri một số xã phản ánh, hiện nay ở cấp xã có 02 chức danh Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong và Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam không có chế độ phụ cấp; các trường hợp là cấp phó của Hội người cao tuổi và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp xã cũng không được hưởng chế độ gì; theo đó, việc động viên cán bộ tham gia các chức danh nói trên tại cơ sở hết sức khó khăn. Cử tri đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chế độ hỗ trợ đối với 02 chức danh Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong và Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam; đồng thời có chế độ hợp lý đối với các trường hợp là cấp phó của Hội người cao tuổi và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp xã; xem xét tăng mức phụ cấp đối với cán bộ thôn, bản, đặc biệt ở những địa bàn phức tạp.

 

Sở Nội vụ trả lời:

 

Về chế độ thù lao đối với lãnh đạo hội cấp xã: theo quy định của phát luật, đối với các hội quần chúng hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động; các hội quần chúng được công nhận là hội đặc thù, chế độ chính sách của lãnh đạo hội thực hiện theo Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn, mức thù lao bằng 1,0 lần so với mức lương tối thiểu chung. Căn cứ mức thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu hội nêu trên, các hội quy định cụ thể mức thù lao hàng tháng đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách còn lại bảo đảm tương quan nội bộ, công khai, dân chủ, minh bạch và phù hợp với Điều lệ hoạt động của hội. Kinh phí thực hiện chế độ thù lao đối với các hội đặc thù (hội cấp tỉnh có trong danh sách ban hành kèm theo Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 22/02/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh[1] quy định các Hội có tính chất đặc thù tỉnh Quảng Bình) được ngân sách Nhà nước đảm bảo. Đối với các hội còn lại, kinh phí thực hiện chế độ thù lao do các hội tự đảm bảo. Hội hoạt động phạm vi cấp nào thì nguồn kinh phí cấp đó đảm bảo theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.

 

(Công văn số 1052/SNV-CBCCVC ngày 15/6/2022 của Sở Nội vụ)

 

V. HUYỆN QUẢNG TRẠCH(01 Ý KIẾN)

 

7. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri phản ánh, việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Quảng Trạch được bà con hưởng ứng; tuy vậy, sau khi cắm mốc, có những đoạn đường đi sát nhà ở của dân, nhiều chỗ đường chỉ cách nhà từ 1m đến 5m nhưng không được di dời, điều này sẽ dẫn đến tình trạng đường cao hơn nhà, gây ngập lụt sâu khi mưa lũ, thiếu an toàn và bất tiện trong sinh hoạt. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra thực địa để có phương án giải quyết phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi cho các hộ dân sinh sống quá sát đường cao tốc.

 

Sở Giao thông - Vận tải trả lời:

 

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đi qua huyện Quảng Trạch thuộc dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA 6 làm đại diện chủ đầu tư triển khai thực hiện. Về phía địa phương, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 696/QĐ-UBND ngày 17/3/2022 giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để GPMB thực hiện dự án; UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 632/UBND-KT ngày 19/4/2022 giao UBND các huyện, thành phố, thị xã có dự án đi qua làm chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB trên địa bàn.

 

Sau khi nhận được ý kiến của cử tri, Sở GTVT đã có Công văn số 1486/SGTVT-KHTH ngày 08/6/2022 gửi Ban QLDA 6 đề nghị phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch tổ chức kiểm tra và có văn bản phúc đáp theo các nội dung kiến nghị của cử tri. Ngày 16/6/2022, Ban QLDA 6 đã có Văn bản số 992/BQLDA6-BĐH VA-B trả lời kiến nghị của cư tri theo đề nghị của Sở GTVT; theo đó: “Hệ thống cọc mốc GPMB được cắm cơ bản cách chân taluy đường cao tốc 3m và cach chân taluy đường gom 1m (đối với những đoạn có thiết kế đường gom). Đối với những đoạn có dân cư sinh sống tập trung sẽ được thiết kế hệ thống đường gom, đường hoàn trả kết hợp hầm chui dân sinh để thuận lợi cho việc đi lại và đời sống sinh hoạt của người dân sau khi đường cao tốc hoàn thành. Cao độ của hệ thống đường gom, đường hoàn trả phù hợp với cao độ đường hiện trạng. Hệ thống thoát nước của đường cao tốc, đường gom và đường hoàn trả cũng được thiết kế hoàn thiện để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến khu vực nhà dân sinh sống. Phạm vi dự án cao tốc đi qua địa bàn huyện Quảng Trạch với chiều dài khoảng 23,9km (Km581+100-Km605+00), hệ thống đường gom dân sinh được thiết kế với tổng chiều dài 24,46km (bên trái 14,57km, bên phải 9,89km). Về cơ bản nhà ở của người dân nằm ngoài chân taluy đường gom, đường hoàn trả, taluy đường cao tốc; cách mép đường cao tốc khoảng 16m”.

 

(Công văn số 1569/SGTVT-KHTH ngày 16/6/2022 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình)

 

VI. HUYỆN MINH HÓA (02 Ý KIẾN)

 

8. Cử tri phản ánh :

 

Một số cử tri huyện Minh Hóa phản ánh, theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ trợ cấp đối với cán bộ công tác vùng đặc biệt khó khăn khi chuyển về vùng khác thì được hưởng ½ tháng lương; tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có 10 xã trên địa bàn huyện Minh Hóa vẫn chưa áp dụng thực hiện chế độ này cho các đối tượng theo quy định. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, nếu đúng như cử tri phản ánh thì cần khẩn trương xem xét giải quyết.

 

Sở Nội vụ trả lời :

 

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa tại Công văn số 526/UBND-NV ngày 14/6/2022 về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, ngay sau khi Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa đã tiến hành triển khai giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảm bảo theo đúng đối tượng quy định. Tuy nhiên, ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, Khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, theo đó, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 04 xã thuộc khu vực III (Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa), giảm 10 xã thuộc khu vực III so với Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, Khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 (Hóa Thanh, Hóa Phúc, Trung Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa, Xuân Hóa, Yên Hóa, Hồng Hóa, Hóa Hợp, Hóa Tiến), nên theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại 10 xã giảm nói trên được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu, cụ thể khi nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là chế độ trợ cấp thoát ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

 

Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa đã rà soát có 560 trường hợp[2] được hưởng chế độ trợ cấp thoát ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí để chi trả là 27.390.245.093 đồng (Hai mươi bảy tỷ ba trăm chín mươi triệu hai trăm bốn mươi lăm ngàn không trăm chín mươi ba đồng) nhưng ngân sách huyện không cân đối được để chi trả.

 

Vì vậy, để đảm bảo các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Tờ trình số 474/TTr-UBND ngày 06/5/2022 gửi Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cấp bổ sung kinh phí trợ cấp một lần nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 27.390.245.093 đồng (Hai mươi bảy tỷ ba trăm chín mươi triệu hai trăm bốn mươi lăm ngàn không trăm chín mươi ba đồng).

 

(Công văn số 1052/SNV-CBCCVC ngày 15/6/2022 của Sở Nội vụ)

 

9. Cử tri phản ánh :

 

Cử tri xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa phản ánh, cầu Tràn qua đoạn đường 12A trên địa bàn xã Minh Hóa thường xuyên bị ngập lụt, nhất là sau những trận mưa lớn, nước trên nguồn xã Thượng Hóa đổ về nhiều làm ngập lụt sâu và lâu, ít nhất sau 3 ngày nước mới rút, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, sớm có giải pháp đầu tư kinh phí nâng cấp cầu Tràn và đoạn đường 12A tại vị trí nói trên.

 

Sở Giao thông - Vận tải trả lời:

 

Cầu tràn mà cử tri phản ánh ở trên là ngầm tràn Thanh Long (dài 67m) tại Km46+909 trên tuyến Đường tỉnh 559B, thuộc địa phận thôn Tân Lý, xã Minh Hóa do Sở GTVT quản lý. Trong thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT, Bộ GTVT đã cho phép đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Đường tỉnh 559B (đoạn từ cầu Phú Nguyên đến Quốc lộ 12A) trong Dự án LRAMP sử dụng vốn vay WB; việc xây dựng cầu vượt lũ thay ngầm tràn tại thôn Tân Lý cũng đã được Sở GTVT đề xuất; tuy nhiên do quy mô công trình lớn, nguồn vốn dư của dự án không cân đối đủ nên chưa thể thực hiện được.

 

Để khắc phục tình trạng giao thông bị chia cắt trong mùa mưa lũ tại vị trí ngầm tràn Thanh Long nói trên, hiện tại, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cầu vượt lũ Tân Lý, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 27/5/2022 với Tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025, thời gian thực hiện dự án năm 2023-2025 do UBND huyện Minh Hóa làm chủ đầu tư. Vị trí xây dựng cầu vượt lũ Tân Lý nằm cách khoảng 500m về phía hạ lưu của ngầm tràn Thanh Long hiện tại; khi xây dựng hoàn thành sẽ đáp ứng được chu cầu đi lại của nhân dân.

 

(Công văn số 1569/SGTVT-KHTH ngày 16/6/2022 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình)

 

VII. HUYỆN TUYÊN HÓA (02 Ý KIẾN)

 

10. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri thôn Cương Trung C, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, Nhà máy xi măng Sông Gianh nằm gần khu dân cư, trong quá trình vận hành đã tạo tiếng ồn, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe người dân thôn Cương Trung C, xã Tiến hóa. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, có biện pháp yêu cầu Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc Nhà máy xi măng Sông Gianh khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

 

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:

 

Ngày 02 tháng 6 năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa và UBND xã Tiến Hóa tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy xi măng Sông Gianh thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh, kết quả kiểm tra cho thấy:

 

Nhà máy Xi măng Sông Gianh thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh, hoạt động từ tháng 6/2005, công suất thiết kế 1,4 triệu tấn/năm, do hãng POLYSIUS Cộng hoà liên bang Đức thiết kế và cung cấp thiết bị. Nhà máy chuyên sản xuất và cung ứng Clinker, xi măng; sản phẩm chính là Clinker, xi măng poóc lăng hỗn hợp PCB40, xi măng xá PCB40, Xi măng PC40, xi măng TypeI. Ngoài ra, Công ty còn sản xuất các sản phẩm xi măng theo yêu cầu của khách hàng.Nhà máy xi măng Sông Gianh đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2153/QĐ-BKHCNMT ngày 10 tháng 10 năm 2001. Đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại số 44.000012.T ngày 12 tháng 8 năm 2010; cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 42/GP-STNMT ngày 09 tháng 02 năm 2018; đã được Chứng nhận đạt Tiêu chuẩn ISO 14001-2015 về môi trường - MT 0178/2.17.20.

 

Công ty đã đầu tư hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt để xử lý các nguồn thải phát sinh trong quá trình hoạt động của dự án; thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và đang thử nghiệm truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát; thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ hàng năm theo đúng quy định (qua theo dõi báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường hàng năm của Công ty cho thấy, hầu hết kết quả quan trắc môi trường định kỳ hàng năm đều nằm trong ngưỡng giới hạn quy chuẩn cho phép).

 

Về nội dung kiến nghị của người dân thôn Cương Trung C, xã Tiến Hóa:

 

- Về kiến nghị ô nhiễm do khói bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân: Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tiến hành quan trắc các chỉ tiêu môi trường không khí và độ ồn tại 03 vị trí gồm khu vực nung Clinker, khu vực sản xuất xi măng và khu dân cư thôn Cương Trung C, xã Tiến Hóa (cách hàng rào nhà máy khoảng 300 m về phía Đông). Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí (CO, NO2, SO2­, và bụi lơ lửng), tiếng ồn tại Nhà máy Xi măng Sông Gianh và khu dân cư thôn Cương Trung C so sánh với Quy chuẩn Việt Nam tương ứng cho thấy, các chỉ tiêu quan trắc đều thấp hơn giá trị quy chuẩn cho phép, môi trường khu vực chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

 

- Về vấn đề hoạt động của nhà máy ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi: Việc đánh giá hoạt động của nhà máy có ảnh hưởng hay không đến năng suất cây trồng, vật nuôi cần có thời gian và chuyên môn. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Tiến Hóa, Công ty CP Xi măng Sông Gianh và các hộ dân có liên quan đánh giá cụ thể để có phương án xử lý phù hợp.

 

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh thực hiện các nội dung sau:

 

- Trong quá trình hoạt động, Nhà máy phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về bảo vệ môi trường đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định số 2153/QĐ-BKHCNMT ngày 10/10/2001 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Thu gom và xử lý triệt để chất thải đảm bảo đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải ra môi trường; quản lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại theo đúng quy định.

 

- Vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý môi trường, đảm bảo nước thải, khí thải phải được xử lý đạt QCVN cho phép trước khi thải ra môi trường; quản lý chất thải thông thường, CTNH đúng quy định.- Thường xuyên kiểm tra các thiết bị máy móc, thay thế bảo dưỡng đúng định kỳ để kiểm soát không để xảy ra sự cố. Xây dựng phương án để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, không để bị động trong xử lý sự cố.

 

- Đánh giá lại nhu cầu tiêu thụ clinker trong mùa mưa để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, nhằm hạn chế việc clinker không tiêu thụ hết lưu chứa ngoài sân bãi trong quá trình bốc lên xe có nguy cơ phát sinh bụi gây ô nhiễm môi trường.

 

- Tăng cường tần xuất phun ẩm bề mặt sân bãi, đường vận chuyển nội bộ vào mùa khô, nắng nóng nhằm giảm thiểu bụi cuốn gây ô nhiễm môi trường.

 

- Trong quá trình hoạt động sản xuất nếu xảy ra sự cố phải tạm dừng hoạt động để khắc phục; chỉ được hoạt động trở lại sau khi đã khắc phục hoàn toàn sự cố và báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý có thẩm quyền để theo dõi, giám sát theo quy định.

 

- Hoàn thiện hồ sơ của hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình xem xét trước khi đưa vào hoạt động; truyền dữ liệu chính thức về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình để theo dõi, giám sát theo quy định.

 

- Thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

 

Đồng thời đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa, UBND xã Tiến Hóa tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của Nhà máy, kịp thời phát hiện các vi phạm (nếu có) trong công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy để xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyển xử lý theo đúng quy định của pháp luật; thông báo kết quả việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty CP Xi măng Sông Gianh đối với hoạt động của Nhà máy Xi măng Sông Gianh đến các hộ dân có đơn tại thôn Cương Trung C để người dân được rõ; đồng thời tuyên truyền giải thích để tạo được sự đồng thuận của người dân gần khu vực nhà máy, tạo điều kiện để Công ty được tổ chức sản xuất thuận lợi và hiệu quả, tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài.

 

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp UBND huyện Tuyên Hóa và UBND xã Tiến Hóa giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất của Nhà máy Xi măng Sông Gianh, trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.

 

(Công văn số 1342/STNMT-QLMT ngày 15/6/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình)

 

11.Cử tri phản ánh:

 

 Cử tri xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp khai thác đất, đá, cát, sạn, vật liệu xây dựng..., quá trình khai thác không có biện pháp khả thi để bảo vệ môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của người dân. Thời gian qua, hàng năm UBND tỉnh đều thực hiện hỗ trợ kinh phí cho xã để khắc phục ô nhiễm môi trường; tuy nhiên, năm 2022 UBND tỉnh dừng không hỗ trợ cho xã nguồn kinh phí nói trên. Cử tri đề nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ này cho xã để khắc phục ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp gây ra trên địa bàn; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên, khoáng sản.

 

Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa trả lời:

 

Ngày 10/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ban hành quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, theo đó, nguồn thu phí môi trường đối với khai thác khoáng sản các đơn vị thuộc tỉnh quản lý được điều tiết ngân sách tỉnh hưởng 100% (từ năm 2021 trở về trước được điều tiết theo tỷ lệ ngân sách tỉnh 20%, ngân sách huyện 30% và ngân sách cấp xã 50%); đối với các đơn vị thuộc huyện, thị xã, thành phố quản lý được điều tiết ngân sách cấp huyện hưởng 50%, ngân sách cấp xã hưởng 50%. Vì vậy, năm 2022, sau khi thực hiện các nhiệm vụ thu, UBND huyện sẽ tổng hợp nguồn thu phí môi trường đối với khai thác khoáng sản của các đơn vị thuộc tỉnh quản lý trên địa bàn huyện và báo cáo Sở Tài chính, UBND tỉnh để đề nghị tỉnh xem xét  hỗ trợ, đầu tư lại cho các xã có các doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị ảnh hưởng về môi trường.

 

 (Công văn số 744/UBND-TCKH ngày 10/6/2022 của UBND huyện Tuyên Hóa)

 

VIII. HUYỆN BỐ TRẠCH (04 Ý KIẾN)

 

12. Cử tri phán ánh:

 

Cử tri xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, cầu vượt lũ ở thôn Bồng Lai, xã Hưng Trạch khởi công từ tháng 3/2021 nhưng thi công chậm tiến độ nên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để phục vụ việc đi lại của Nhân dân trước mùa mưa lũ.

 

Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch trả lời:

 

Dự án đầu tư xây dựng Đường vào trung tâm Phong Nha được phê duyệt và triển khai thi công từ năm 2016, bằng nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ và triển khai thi công theo kế hoạch vốn được cấp hàng năm. Đến cuối năm 2020, công trình đã thi công hoàn thành phần tuyến đường với kết cấu mặt đường BTXM theo hồ sơ thiết kế được duyệt.

 

  Năm 2021, công trình được cấp kinh phí để tiếp tục thi công đối với cầu Khe Điện. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thời tiết không thuận lợi nên việc triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn, có những thời điểm bị đình trệ. Để đảm bảo kế hoạch thi công, Ban QLDA ĐTXD & PTQĐ đã quyết tâm chỉ đạo và phối hợp tốt với chính quyền địa phương để hỗ trợ tích cực cho đơn vị thi công và các đơn vị có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến cuối năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chủ yếu, còn tồn tại một số các công việc phụ trợ chưa được hoàn thiện và cần phải khắc phục sửa chữa theo yêu cầu kỹ thuật để bảo đảm an toàn sau khi đưa vào sử dụng.

 

Hiện nay, đơn vị thi công đang tập trung khắc phục sửa chữa các hạng mục còn tồn tại trên hiện trường, đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.

 

(Công văn số 1045/UBND ngày 15/6/2022 của UBND huyện Bố Trạch)

 

13. Cử tri phán ánh:

 

Cử tri xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, hiện nay, ở xã Liên Trạch có 02 cây cầu, một cầu treo chỉ phục vụ đi lại trong những ngày thời tiết bình thường, còn vào mùa mưa lũ lớn, bão lớn không thể sử dụng được và một cầu đường sắt cũ được dùng làm cầu dân sinh; tuy nhiên, cầu này có giới hạn chiều cao và trọng tải quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho cuộc sống dân sinh. Cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, có kế hoạch đầu tư xây dựng cầu bê tông bắc qua sông Son đến trung tâm xã Liên Trạch giúp tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông cho xã cũng như các xã liền kề.

 

Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch trả lời:

 

Xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch là xã đặc biệt khó khăn vùng Bãi ngang cồn bãi, với diện tích 2.830,52ha, dân số 4.114 người. Hiện nay trên địa bàn xã có 02 cây cầu Bắc qua Sông Son, một cầu treo dân sinh và một cầu đường sắt Ngân Sơn cũ được UBND huyện Bố Trạch nâng cấp, sửa chữa dùng để làm cầu dân sinh. Hai cầu này chủ yếu phục vụ đi lại cho người dân và các phương tiện thô sơ vào những ngày thời tiết bình thường; vào mùa mưa bão việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao. Vì vậy, cử  tri đề nghị đầu tư xây dựng cầu bê tông bắc qua Sông Son đến trung tâm xã Liên Trạch nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của người dân xã Liên Trạch nói riêng và các xã vùng phía Nam Sông Son nói chung là nguyện vọng đúng đắn.

 

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cầu bê tông bắc qua Sông Son đòi hỏi kinh phí rất lớn, trong khi đó ngân sách huyện còn khó khăn, UBND huyện Bố Trạch đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, tạo điều kiện đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bố Trạch nói chung và các xã: Liên Trạch, Hưng Trạch, thị trấn Phong Nha dọc ven Sông Son nhưng chưa thực hiện được.

 

Mặt khác, hiện nay trên địa bàn huyện Bố Trạch đang triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, trong đó có hạng mục Cầu qua Sông Son nối liền 02 xã Liên Trạch và Cự Nẫm. UBND huyện đã có văn bản đề nghị và UBND tỉnh đã có công văn số 254/UBND ngày 01/3/2022 về việc kiến nghị một số nội dung về hướng tuyến Dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng Vạn Ninh thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gửi Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT xem xét nghiên cứu bố trí làn dân sinh của Cầu tại KM619+850 vượt Sông Son đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đặc biệt trong mùa mưa bão, phòng chống thiên tai cho vùng ven Sông Son và khu vực lân cận (khu vực này thường xuyên ngập sâu khi đến mùa mưa bão) nhằm ổn định dân cư và phát triển sản xuất, du lịch, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương những chưa được chấp thuận. 

  

Việc đầu tư xây dựng cầu mới cùng với tính chất địa hình phức tạp đòi hỏi kinh phí đầu tư xây dựng là rất lớn. UBND huyện kính đề nghị UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung thêm làn dân sinh trên cầu tại Lý trình KM619+850 nhằm hỗ trợ địa phương và người dân tháo gở những khó khăn nêu trên, đảm bảo vừa phòng chống bão lũ, vừa phát triển kinh tế nhất là phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của địa phương.

 

(Công văn số 1045 ngày 15/6/2022 của UBND huyện Bố Trạch)

 

14. Cử tri phản ánh:

 

 Cử tri xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, trước đây ở xã Hưng Trạch có mấy trăm ha rừng dự án GTZ, người dân được hỗ trợ tiền bảo vệ, tiền chăm sóc rừng. Hiện nay dự án trên đã hết, phần diện tích rừng nói trên trở thành rừng vùng đệm và không được chăm sóc, bảo vệ tốt dẫn tới thường xuyên bị khai thác bừa bãi. Cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho người dân sinh được phát triển diện tích rừng nói trên thành rừng sản xuất (theo cử tri, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là rừng sản xuất) hoặc có chính sách ưu đãi để người dân chăm sóc, bảo vệ rừng vùng đệm, góp phần quản lý, khai thác có hiệu quả diện tích đất rừng.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời:

 

Trong các năm 2011 và 2012, trên địa bàn xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (cử tri phản ánh là Dự án GTZ) đã hỗ trợ đầu tư một số hạng mục lâm sinh với tổng diện tích 263,761 ha. Bao gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung cây bản địa: 95,46 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 111,422 ha; trồng mới rừng bằng cây bản địa: 54,713 ha và trồng mới rừng bằng cây Keo lá tràm 2,168 ha.

 

Đến  năm 2019, các hạng mục lâm sinh nói trên đã kết thúc giai đoạn đầu tư theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh. Theo đó, diện tích rừng nêu trên được đưa vào quản lý, bảo vệ, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Tại thời điểm kiểm tra, không có tình trạng rừng bị khai thác bừa bãi như ý kiến phản ánh của cử tri. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Hưng Trạch thì vào cuối năm 2020, một số hộ dân tự ý phát thực bì trên diện tích thực hiện Dự án nhưng đã được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

 

Các diện tích thực hiện Dự án là đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch sản xuất theo Quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến 2030, do vậy được thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng theo quy định đối với rừng sản xuất; tuy nhiên, do diện tích rừng mà cử tri phản ánh được Dự án Khu vực  Phong Nha - Kẻ Bàng đầu tư nên ngoài các quy định chung đối với rừng sản xuất còn phải thực hiện theo một số quy định của Dự án.

 

Tiếp thu ý kiến phản ảnh của cử tri xã Hưng Trạch về vấn đề nói trên Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với UBND huyện Bố Trạch:

 

- Chỉ đạo UBND xã Hưng Trạch, Hạt kiểm lâm và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ diện tích rừng do Dự án đầu tư (vì hiện tại, diện tích rừng này là rừng tự nhiên sản xuất, có hiện trạng là rừng nghèo kiệt và rừng phục hồi có tác dụng về mặt phòng hộ, môi trường, sinh thái, cảnh quan cần được quản lý, bảo vệ theo đúng quy định).

 

  - Chỉ đạo UBND xã Hưng Trạch, các phòng, đơn vị chức năng rà soát quỹ đất đảm bảo quy định cho trồng rừng, hiện do UBND xã Hưng Trạch quản lý để ưu tiên cấp bù cho các hộ gia đình tham gia Dự án trồng rừng nhằm ổn định đời sống; rà soát lại các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh các thông tin đúng theo hiện trạng thực tế để các hộ dân sử dụng đất, rừng theo quy định, tránh hiểu nhầm; rà soát nhu cầu, đề xuất bố trí nguồn kính hỗ trợ cho người dân quản lý, bảo vệ rừng và phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng để có thu nhập từ rừng; đề xuất đầu tư các tuyến đường lâm nghiệp phục vụ công tác bảo vệ, phát triển sản xuất và phòng cháy chữa cháy rừng trong vùng Dự án.

(Công văn số 1379/SNN-KHTC ngày 15/6/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh)

 

15. Cử tri phản ánh:

 

Cử tri một số xã phản ánh, hiện nay ở cấp xã có 02 chức danh Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong và Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam không có chế độ phụ cấp; các trường hợp là cấp phó của Hội người cao tuổi và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp xã cũng không được hưởng chế độ gì; theo đó, việc động viên cán bộ tham gia các chức danh nói trên tại cơ sở hết sức khó khăn. Cử tri đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chế độ hỗ trợ đối với 02 chức danh Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong và Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam; đồng thời có chế độ hợp lý đối với các trường hợp là cấp phó của Hội người cao tuổi và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp xã; xem xét tăng mức phụ cấp đối với cán bộ thôn, bản, đặc biệt ở những địa bàn phức tạp

 

Sở Nội vụ trả lời:

 

 

Về chế độ thù lao đối với lãnh đạo hội cấp xã: theo quy định của phát luật, đối với các hội quần chúng hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động; các hội quần chúng được công nhận là hội đặc thù, chế độ chính sách của lãnh đạo hội thực hiện theo Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh[3]. Theo đó, đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn, mức thù lao bằng 1,0 lần so với mức lương tối thiểu chung. Căn cứ mức thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu hội nêu trên, các hội quy định cụ thể mức thù lao hàng tháng đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách còn lại bảo đảm tương quan nội bộ, công khai, dân chủ, minh bạch và phù hợp với Điều lệ hoạt động của hội. Kinh phí thực hiện chế độ thù lao đối với các hội đặc thù (hội cấp tỉnh có trong danh sách ban hành kèm theo Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 22/02/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh[4] quy định các Hội có tính chất đặc thù tỉnh Quảng Bình) được ngân sách Nhà nước đảm bảo. Đối với các hội còn lại, kinh phí thực hiện chế độ thù lao do các hội tự đảm bảo. Hội hoạt động phạm vi cấp nào thì nguồn kinh phí cấp đó đảm bảo theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.

 

(Công văn số 1052/SNV-CBCCVC ngày 15/6/2022 của Sở Nội vụ)

                                           

                                                  Hồng Nhung 

                                                Phòng Dân nguyện – Thông tin

                                                             

 

[3] Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 của UBND tỉnh về việc quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu các hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

 

[4] Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 22/02/2011 của UBND tỉnh về việc quy định các Hội có tính chất đặc thù tỉnh Quảng Bình.