Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 2932

  • Tổng 2.782.047

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

9:42, Thứ Tư, 9-11-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


- Về giải thích từ ngữ (Điều 3): Tại khoản 1, quy định: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại” như vậy đối với trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp là bên mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thì được xử lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho bên mua.


Đồng thời đề nghị xem xét, cân nhắc đưa các quy định tại Điều 37 giải thích về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh lên Điều 3 về giải thích từ ngữ để bảo đảm tính thống nhất của văn bản.


- Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 4): Tại khoản 5, đưa ra nguyên tắc “Giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự bình đẳng”. Đề nghị xem xét, cân nhắc nguyên tắc này, bởi đây là nguyên tắc về giao dịch chứ không phải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này sẽ phù hợp hơn nếu đặt ở một điều về khắc phục tình trạng yếu thế của người tiêu dùng trong các giao dịch.


- Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7): Tại điểm a, khoản 3, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa theo hướng bỏ từ “bảo đảm”, bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương.


- Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng (Điều 12): Vấn đề này được quy định khá chung chung. Các yêu cầu như “phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, “báo cho cơ quan chức năng trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết…” không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo thì sẽ khó bảo đảm tính khả thi. 


- Về nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 16): Để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.


- Về thực hiện hợp đồng theo mẫu (Điều 26): Tại khoản 1 quy định: “Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Đề nghị quy định rõ “thời gian hợp lý” sẽ được xác định như thế nào.


- Về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật (Điều 33): Đề nghị không nên phân biệt sản phẩm khuyết tật nhóm A và nhóm B. Bởi, khi đã phát hiện sản phẩm khuyết tật thì dù thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng hay thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng cũng phải ngừng sản xuất và cung cấp ra thị trường. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng không mua phải hàng lỗi, hàng nhái và tránh được tình trạng một số nhà sản xuất cố tình tung sản phẩm lỗi ra thị trường./.


Phòng CTQH
 

Các tin khác