Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2234

  • Tổng 2.871.781

Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

9:34, Thứ Ba, 14-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:

 

1. Một số vấn đề chung

 

1.1. Nhìn chung, dự thảo Luật chưa thật cụ thể hóa đầy đủ phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi nhận; chưa thống nhất, đồng bộ với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là dân chủ tại một số cơ quan. Đề nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật để có những quy định phù hợp hơn.

 

1.2. Về trách nhiệm của các chủ thể trong tổ chức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia trực tiếp vào việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và người lao động...., đề nghị trong dự thảo thảo Luật cần làm rõ một số nội dung sau đây:

 

+ Vai trò, điều kiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

 

+ Vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở;

 

+ Vai trò tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp;

 

+ Quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động liên quan đến Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

 

2. Một số ý kiến cụ thể

 

2.1. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)

 

- Khoản 3 quy định về Cộng đồng dân cư: “3. Cộng đồng dân cư là nhóm người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố)”.

 

Theo quy định tại Khoản 24 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017, thì: “Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán”. Khoản 28 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Để đảm bảo chặt chẽ, mô tả rõ, đầy đủ giới hạn về đối tượng, về phạm vi không gian và từ tham khảo khái niệm Cộng đồng dân cư của hai đạo luật trên, đề nghị sửa Khoản 2 thành: “Cộng đồng dân cư là nhóm người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu... hoặc điểm dân cư tương tự (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

- Khoản 4 quy định về Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng. Đề nghị căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 về việc giải thích từ ngữ Quyết định hành chính để giải thích từ ngữ Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng cho phù hợp và thống nhất khi thực hiện.

 

2.2. Về quy định việc ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở (Khoản 3 Điều 4)

 

Đây là nội dung mới so với Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007. Tuy nhiên, nội dung dự thảo Luật chưa quy định cụ thể trong trường hợp nào thì được ủy quyền, bởi vì trên thực tế không phải trường hợp nào cũng có thể được ủy quyền. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp được ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Dự thảo cũng chưa quy định hậu quả pháp lý do việc ủy quyền gây ra. Để tránh tình trạng lạm dụng cơ chế ủy quyền, dự thảo Luật cần quy định rõ yêu cầu và điều kiện của người ủy quyền và người nhận ủy quyền (như quy định giới hạn tối đa số lượng mà người nhận ủy quyền có thể đại diện hoặc quy định cùng một sự việc, cùng một hoạt động trong cùng thời điểm thì người ủy quyền chỉ thực hiện ủy quyền cho một người...). Đồng thời đề nghị quy định điều kiện về độ tuổi, về năng lực hành vi dân sự của người nhận ủy quyền. Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Đại diện theo ủy quyền, thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện. 

 

Vì vậy, đề nghị nên thống nhất xác định và quy định chủ thể và điều kiện của chủ thể thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quy định cụ thể hơn, rõ hơn các nội dung liên quan về ủy quyền thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

 

2.3. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7)

 

Tại Khoản 4 Điều 7, đề nghị bổ sung quy định cụm từ: “cộng đồng dân cư” vào sau cụm từ: “gây thiệt hại cho”. Viết lại đầy đủ cả câu như sau: “Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc; gây thiệt hại cho cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân”.

 

2.4. Những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai (Điều 9)

 

Tại khoản 5, đề nghị bổ sung cụm từ: “việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cấp xã” vào sau cụm từ: “dự án đối với địa bàn cấp xã”. Viết lại đầy đủ cả câu như sau: “Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cấp xã, các khoản huy động Nhân dân đóng góp”.

 

2.5. Về các hình thức, thời điểm công khai thông tin để Nhân dân biết (Điều 10)

 

Đề nghị sửa điểm g, khoản 1 theo hướng bỏ các cụm từ “thông qua mạng xã hội gồm: Zalo, viber, facebook”, vì internet ngày càng phát triển, về lâu dài các trang mạng nói trên có thể thay đổi hoặc thay thế bằng các trạng mạng khác. Dự thảo quy định như vậy sẽ không có tính ổn định lâu dài.

 

2.6. Công khai trên hệ thống truyền thanh cấp xã, thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, gửi trực tiếp bằng văn bản đến Nhân dân (Điều 11)

 

Tại khoản 2, đề nghị thay cụm từ “thời hạn công khai ít nhất  03 ngày liên tục” bằng cụm từ “thời hạn công khai ít nhất  02 lần/ngày và trong 03 ngày liên tục”. Viết lại đầy đủ cả câu như sau: “Trường hợp công khai trên hệ thống truyền thanh cấp xã thì thời hạn công khai ít nhất 02 lần/ngày và trong 03 ngày liên tục”.

 

2.7. Những nội dung cộng đồng dân cư bàn và quyết định (Điều 13)

 

Tại khoản 4, đề nghị bổ sung quy định việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Trưởng thôn, Tổ phó Tổ dân phố. Bởi vì thực tế hiện nay, ở các thôn, tổ dân phố nếu có trên 500 hộ gia đình trở lên (đối với thôn) và có trên 600 hộ gia đình trở lên (đối với tổ dân phố) thì có thể bố trí thêm 01 Phó Trưởng thôn, Tổ phó Tổ dân phố. Quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Trưởng thôn, Tổ phó Tổ dân phố được thực hiện như quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố. Viết lại đầy đủ cả câu như sau: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn, Tổ Trưởng, Tổ phó Tổ dân phố”.

 

2.8. Hiệu lực thi hành Nghị quyết của cộng đồng dân cư (Điều 19)

 

Tại khoản 1, đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau để phù hợp với tình hình thực tế cũng như một số văn bản luật hiện hành: “Nghị quyết của cộng đồng dân cư được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đối với các khu dân cư có dưới 100 cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. Đối với nơi có từ 100 cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trở lên thì tối thiểu phải có 55 cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành”. 

 

2.9. Về Thanh tra nhân dân (Chương V)

 

Dự thảo luật quy định hoạt động “thanh tra nhân dân” và tổ chức “Ban thanh tra nhân dân”, kế thừa phần lớn các quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. Việc chuyển các quy định về Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phù hợp, vì xét về bản chất hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước và của các ban thanh tra nhân dân là khác nhau. Hoạt động của cơ quan thanh tra mang tính quyền lực nhà nước, còn hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những cách thực hiện dân chủ cơ sở, hoạt động của ban thanh tra nhân dân là hoạt động giám sát của Nhân dân với các cơ quan nhà nước ở cấp xã, của người lao động đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các nội dung quy định về thanh tra nhân dân trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đầy đủ và toàn diện như trong Luật Thanh tra hiện hành, như, bỏ các quy định về trách nhiệm của UBND, Ủy ban MTTQVN cấp xã; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; trách nhiệm của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở . Do đó, tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân ở cơ sở sẽ gặp khó khăn và có thể thụt lùi so với hiện nay.

 

Điều 58 dự thảo quy định Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ “giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cán bộ, công chức và chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước”. Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định cụ thể việc giám sát được thực hiện theo phương thức nào. Đồng thời, có những quy định mang tính chất chung chung và định tính, rất khó để triển khai trên thực tế (như khoản 2 Điều 59 quy định “Khi cần thiết, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định”). 

 

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về hoạt động thanh tra nhân dân cho phù hợp.

 

2.10. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 70)

 

Tại khoản 4, đề nghị bổ sung từ “phản biện” sau từ “giám sát” để nêu đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Viết lại đầy đủ cả câu như sau: “Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở”

 

2.11. Về sự thống nhất trong dùng từ

 

Tại khoản 1 Điều 2 đã quy định “Cơ sở là xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã)…”. Như vậy, trong dự thảo Luật không dùng từ xã, phường, thị trấn mà thay bằng cụm từ “cấp xã”. Tuy nhiên, một số nơi vẫn dùng cụm từ “xã, phường, thị trấn", như ở tiêu đề Chương 2. Đề nghị rà soát, chỉnh sửa dự thảo để thống nhất trong cách trình bày./.

 

Phòng CTQH
 

Các tin khác