Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2291

  • Tổng 2.871.838

Tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

9:33, Thứ Ba, 14-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:

 

1. Một số ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung trong dự thảo Luật để phù hợp với thực tiễn

 

1.1. Cần đưa ra các định nghĩa rõ hơn về bạo lực giới và đảm bảo các quy định về bạo lực tình dục phù hợp với các hành vi tội phạm bị truy tố theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); bao gồm việc mở rộng các định nghĩa về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (bạo lực tình dục không giao hợp, hãm hiếp trong hôn nhân, loạn luân và các hành vi có hại khác như kết hôn sớm và lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới). Cần cập nhật thêm về bạo lực mềm, tức là bạo lực tinh thần bên cạnh bạo lực thể xác. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của các thiết chế gia đình, dòng tộc, cộng đồng xã hội để phòng chống bạo lực gia đình. Cần phải có quy định về việc khủng bố tinh thần qua các phần mềm công nghệ như gọi điện, nhắn tin,…

 

1.2. Việc hòa giải tại cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng trong phòng, chống bạo lực gia đình cần phải tăng trách nhiệm các cơ quan có liên quan tránh trường hợp kéo dài hoặc giải quyết không triệt để; nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng Công an trong việc phối hợp xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; việc áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải bảo đảm tính logic, phù hợp với mỗi địa phương và mỗi vụ việc.

 

1.3. Có các quy định đặc thù, thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân,… đối với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra bạo lực là trẻ em, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.

 

2. Một số ý kiến cụ thể

 

2.1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

 

Đề nghị bỏ từ “cố ý” tại khoản 1 và khoản 2 do có thể bỏ lọt tội phạm; bởi lẽ hành vi vô ý cũng có thể gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế do quá tự tin hoặc do chủ quan theo quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự 2015:

 

Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

 

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

 

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

 

Vậy nên, định nghĩa hành vi bạo lực gia đình là hành vi “cố ý” sẽ là kẽ hở khi định khung hình phạt đối với người gây bạo lực gia đình.

 

2.2. Quy định về hành vi bạo lực gia đình (Điều 4)

 

- Tại điểm k khoản 1 quy định hành vi bạo lực gia đình gồm: “Phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ”. Đề nghị bổ sung “riêng trẻ em từ 7 tuổi trở lên còn phải được sự đồng ý của chính bản thân trẻ” vào cuối khoản này. Cụ thể: “Phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, riêng trẻ em từ 7 tuổi trở lên còn phải được sự đồng ý của chính bản thân trẻ”. Vì theo khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. 

 

- Đề nghị cân nhắc xem xét lại quy định tại khoản 2. Bởi vì, quy định về hành vi bạo lực gia đình nêu tại khoản 1 Điều này chỉ xác định là hành vi bạo lực gia đình khi xảy ra trong phạm vi giữa các thành viên trong gia đình với nhau; còn các hành vi xảy ra ngoài phạm vi gia đình thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, mà các trường hợp này tùy theo tính chất mức độ để xử lý theo quy định của các pháp luật chuyên ngành như pháp luật về hình sự, pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính… Theo đó, đề nghị xem xét quy định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha mẹ và con chứ không áp dụng trong quan hệ giữa cha và mẹ. Vì theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”, theo đó, mọi quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. 

 

2.3. Về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 5)

 

Tại điểm d khoản 2, đề nghị quy định cụ thể phụ nữ nuôi con nhỏ thì con nhỏ được xác định là bao nhiêu tháng tuổi để phân biệt với trẻ em và trẻ vị thành niên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng. Đồng thời, đề nghị bổ sung đối tượng được bảo vệ là người bị bệnh tâm thần, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

 

2.4. Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6)

 

Đề nghị bổ sung một khoản quy định cấm đối với hành vi “không hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực gia đình khi có đủ điều kiện”.

 

2.5. Về quyền và trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 10) 

 

Đề nghị đưa điểm c khoản 1 (quyền của thành viên trong gia đình) “Báo tin cho cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền xử lý về bạo lực trong gia đình để kịp thời ngăn chặn vụ việc bạo lực gia đình” vào khoản 2 (trách nhiệm của thành viên trong gia đình). Vì nếu quy định là “quyền” thì người trong gia đình có thể báo hoặc không báo mà không phải chịu bất kỳ một hình phạt nào nếu có hậu quả xảy ra cho người bị bạo lực.

 

2.6. Về hoà giải trong phòng chống bạo lực gia đình

 

Tại các Điều 20, 21, 22 dự thảo luật đang đề cập đến hòa giải, đối tượng tiến hành hòa giải, các loại hình hoà giải trong phòng chống bạo lực gia đình,… như là biện pháp để giải quyết bạo lực gia đình. Tuy nhiên, các giải pháp đó trong thực tế chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, trong quy trình hòa giải cần trao quyền cho người bị bạo lực và việc tiến hành hòa giải cần phải là những cá nhân được đào tạo về công tác xã hội, tâm lý và có kinh nghiệm hòa giải để có thể hiểu và can thiệt phù hợp với những trường hợp bạo lực, đảm bảo tính nhạy cảm giới, đảm bảo việc bảo vệ đầy đủ quyền của phụ nữ và trẻ em.

 

2.7. Về yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 32) 

 

Đề nghị bổ sung quy định cụ thể trong trường hợp Công an xã yêu cầu, đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nhưng người có hành vi bạo lực gia đình có hành vi chống đối, không đến trụ sở cơ quan Công an thì xử lý như thế nào.

 

2.8. Về cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (Điều 33)

 

- Tại khoản 4, quy định khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc. Tuy nhiên, phải có chế tài rõ ràng cho việc cấm tiếp xúc khi người bị bạo lực lựa chọn ở lại và bắt buộc người gây bạo lực phải rời khỏi gia đình.

 

- Tại khoản 5 quy định: “5. Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu”.  Đề nghị nghiên cứu quy định nội dung này rõ hơn, phạm vi rộng hơn, vì nếu chỉ cấm tiếp xúc về mặt khoảng cách vật lý giữa nạn nhân và người gây bạo lực 50m thì chưa đủ để ngăn chặn người gây bạo lực tiếp tục thực hiện các hành vi bạo lực gia đình qua ứng dụng của khoa học, công nghệ, điện thoại, thiết bị điện tử để thực hiện hành vi bạo lực gia đình (ví dụ: đe dọa qua thư, nhắn tin, hình ảnh,…). Đồng thời cấm tiếp xúc bằng khoảng cách vật lý chỉ có thể thực hiện khi nạn nhân ở yên một chỗ, trường hợp nạn nhân di chuyển ra khỏi chỗ ở thì người gây bạo lực gia đình khó thực hiện giữ khoảng cách 50m. 

 

2.9. Về giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 35)

 

Đề nghị rà soát, bổ sung quy định để đảm bảo phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín tại cộng đồng tham gia giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát./.

 

Phòng CTQH

Các tin khác