Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 3749

  • Tổng 2.850.221

Tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

8:37, Thứ Hai, 6-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:

 

1. Về tổ chức của Thanh tra sở (Điều 30), Thanh tra huyện (Điều 34)

 

Theo quy định tiêu chuẩn của Thanh tra viên tại điểm d khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật: “Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra (không kể thời gian tập sự), trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác từ 05 năm trở lên chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước.

 

Như vậy, trong thời gian 02 năm công tác ở Thanh tra sở, Thanh tra huyện thì công chức đó là chuyên viên. Tuy nhiên tại Điều 30 (Tổ chức của Thanh tra sở), Điều 34 (Tổ chức của Thanh tra huyện) chỉ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên chứ không có chuyên viên. 

 

Do đó, đề nghị bổ sung chức danh “Chuyên viên Thanh tra” vào Điều 30 và Điều 34 dự thảo Luật. 

 

2. Về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52)

 

Dự thảo chỉ mới liệt kê được một số trường hợp chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra giữa các cơ quan sau đây: (1) cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán nhà nước; (2) Thanh tra Chính phủ và thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục, thanh tra tỉnh, thanh tra sở; (3) thanh tra tổng cục, cục trong cùng một bộ; (4) thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục và thanh tra tỉnh, thanh tra sở; (5) thanh tra tỉnh và thanh tra tổng cục, cục; (6) thanh tra sở và thanh tra huyện; (7) thanh tra tổng cục, cục và thanh tra sở mà chưa đề cập đến tổng thể các trường hợp có thể nảy sinh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra.

 

Để phù hợp với thực tế, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp nên bổ sung quy định: “Khi có chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động chính của đối tượng thanh tra chủ trì thành lập một đoàn thanh tra”.

 

3. Về thẩm quyền thành lập Đoàn thanh tra (Điều 53)

 

- Tại khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.”

 

Khoản 10 Điều 22 và khoản 8 Điều 29 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện: Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

 

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 53 chỉ quy định “Thủ trưởng cơ quan thanh tra ra Quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra…” mà không quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện. Đề nghị bỏ sung các quy định này.

 

- Khoản 2, Điều 53 quy định “Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu cần thiết), thành viên Đoàn thanh tra”. Tuy nhiên tại Điều 54 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra, Điều 55 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra; nhưng không có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Phó đoàn thanh tra. 

 

Do đó, đề nghị bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng đoàn thanh tra cho phù hợp.

 

4. Một số ý kiến khác

 

- Đề nghị bỏ Điều 7 trong dự thảo vì trùng lặp với các quy định tại các Điều 88, 95, 96 và Điều 103.

 

- Về vị trí, chức năng của Thanh tra huyện tại Điều 31, đề nghị sửa lại thành: “Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện”.

 

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện tại Điều 32, đề nghị sửa lại thành: “Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt gửi Thanh tra tỉnh thẩm định, tổng hợp trong Kế hoạch thanh tra của tỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch đó;”

 

- Đề nghị cần phân định rõ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong dự thảo Luật để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, quy định rõ về việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành.

 

- Tại Điều 105, cần bổ sung rõ quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc./.

 

Phòng CTQH
 

Các tin khác