Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 646

  • Tổng 2.872.824

Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

14:5, Thứ Năm, 2-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:

 

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

 

+ Tại khoản 9: Về khái niệm “phân loại phim” cách giải thích như dự thảo là chưa hợp lý. Phân loại và thẩm định là hai hoạt động khác nhau (thông thường thẩm định rồi mới phân loại); phân loại và xếp loại cũng có nội hàm không giống nhau. Do đó, đề nghị sửa khoản 9 thành: “Phân loại phim là việc xem xét cả về nội dung và hình thức phim để khẳng định phim thuộc thể loại nào để đưa vào danh sách các nhóm phim theo từng thể loại”.

 

+ Tại khoản 11, giải thích về chủ sở hữu phim, đề nghị bổ sung thêm “Nhà nước” trước cụm từ “tổ chức, cá nhân”.

 

+ Khoản 15 giải thích về địa điểm chiếu phim công cộng: Đề nghị không nên liệt kê cụ thể các địa điểm công cộng vì liệt kê như thế không đầy đủ và có câu tùy nghi “địa điểm khác” là như thế nào lại phải giải thích. Căn cứ theo các quy định pháp luật thì “nơi công cộng” cũng là một trong những yếu tố để xác định có hành vi vi phạm hay không và mức xử phạt đối với người có hành vi vi phạm đó. Vì thế, nên quy định thế nào cho dễ hiểu và dễ áp dụng. Chúng ta có thể xác định nơi công cộng bằng các đặc điểm dễ nhận thấy như đông đúc người tập trung, có hoạt động đông người... Hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào giải thích cụ thể nơi công cộng là gì, dẫn đến khái niệm này còn khá chung chung và chưa có sự thống nhất.

 

Do đó, nên quy định: “là tất cả các phương tiện, địa điểm có tổ chức chiếu phim” hoặc giải thích rõ từ “nơi công cộng”: “Nơi công cộng là nơi phục vụ chung cho nhiều người tại những địa điểm kín (như rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng…) hoặc các địa điểm mở (như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe, phương tiện vận tải… ), tại đây, các hoạt động chung của xã hội diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên”.

 

2. Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5)

 

Đề nghị bổ sung thêm “và các đề tài khác khi Đảng và Nhà nước yêu cầu” vào cuối điểm a khoản 2. Viết lại thành: 

 

“2. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sau: 

 

a) Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam và các đề tài khác khi Đảng và Nhà nước yêu cầu;  

 

3. Về tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh (Điều 7)

 

Đề nghị sửa cụm từ “theo quy định của pháp luật về hội” thành “theo quy định của pháp luật”, vì pháp luật về hội chỉ điều chỉnh phạm vi rất nhỏ, không bao quát hết tất cả các hoạt động của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; mặt khác, đây là việc đương nhiên.

 

4. Về những nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (khoản 1 Điều 9)

 

Tại điểm k, đề nghị sửa “trẻ em, người chưa thành niên” thành “tổ chức, cá nhân”. Vì ngoài đối tượng là trẻ em, người chưa thành niên còn những đối tượng khác cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như phụ nữ, người tàn tật, người cao tuổi,… Viết lại thành: “k) Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

 

5. Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13)

 

Nên quy định thống nhất một hình thức cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đó là bằng hợp đồng. Hiện nay các quy định về hợp đồng tương đối rõ ràng, thể hiện sự ràng buộc và trách nhiệm cao giữa các bên khi tham gia ký kết, đồng thời quy định như vậy cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về hình thức của giao dịch, căn cứ phát sinh nghĩa vụ…

 

6. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh (Chương VII)

 

Đề nghị chuyển khoản 2 Điều 45 “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh…” sang Điều 46, vì Điều 45 chỉ quy định về trách nhiệm của Chính phủ.

 

7. Về chiếu phim lưu động

 

Luật Điện ảnh năm 2006 có quy định về chiếu phim lưu động tại Điều 34. Tuy nhiên trong dự thảo Luật này không đề cập đến “lưu động” nữa mà thay bằng từ “phổ biến” tại Điều 23, quy định về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn. Nội dung tại hai điều luật này tương tự nhau. Thực tế, tại các địa phương đều có đội chiếu phim lưu động. Dự thảo luật không đề cập đến chiếu phim lưu động dễ dẫn đến hiểu lầm không còn hoạt động chiếu phim lưu động nữa. 

 

Do đó đề nghị giải thích rõ hơn khái niệm từ “công cộng” tại khoản 8 Điều 3 dự thảo Luật; đồng thời bổ sung “các điểm chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn” vào khoản này, sau từ “hệ thống rạp chiếu phim” hoặc giữ nguyên Điều 34 của Luật Điện ảnh năm 2006 nhằm duy trì hoạt động của đội chiếu phim lưu động, phục vụ chiếu phim tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn./.

 

Phòng CTQH