Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 373

  • Tổng 2.867.283

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về Quy hoạch tổng thể Quốc gia

16:49, Thứ Hai, 9-1-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 7/1/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã tham gia các phiên thảo luận.

 

Buổi sáng, đại biểu Trần Quang Minh đã thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại biểu khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng, tác động lâu dài, trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) của đất nước, cụ thể hóa một bước chiến lược phát triển quốc gia, là cơ sở quan trọng để quy hoạch vùng và từng địa phương. Là vấn đề rộng lớn, tác động đến mọi lĩnh vực, địa phương trong cả nước, vì vậy cần phải được xem xét một cách khoa học, thấu đáo.

 

 

Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu

 

Theo đại biểu, quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch, việc tranh thủ hợp tác, liên kết với các nước và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng, kết hợp với năng lực dự báo tình hình khu vực, thế giới để xây dựng quy hoạch thì mới bảo đảm tính bền vững, lâu dài. Ý kiến cũng đề nghị cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời là kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành. 

Đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh, quy hoạch cần phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới, nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của 6 vùng theo Nghị quyết đã đề ra. 

Về du lịch, cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu, Việt Nam có lợi thế lớn về du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.

Ngoài ra, dự thảo nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm. Đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng. Vì vậy, cần xây dựng nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.

Ý kiến cũng đề nghị xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ví dụ như phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất. Đại biểu khẳng định đây là vấn đề khó khi năm 2022, Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt rất cao nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách. 

Bên cạnh đó, định hướng không còn hộ nghèo là vấn đề phi thực tế bởi chuẩn nghèo theo từng giai đoạn sẽ được nâng lên khi kinh tế ngày càng phát triển. Và trên thực tế có những hộ nghèo, bất khả kháng… Do đó, đại biểu đề nghị tập trung định hướng xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, bảo đảm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chủ động hỗ trợ tốt cho nhân dân khi có sự cố xảy ra, vừa thể hiện tầm nhìn của Quy hoạch vừa khẳng định sự ưu việt của chế độ. 

 

 

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tại phiên thảo luận sáng ngày 07/01/2023

 

Đại biểu Trần Quang Minh cũng đề nghị quy hoạch tổng thể việc sử dụng tài nguyên nước một cách căn cơ, lâu dài, bền vững; gắn chặt quy hoạch QP-AN với các luật, đặc biệt là Luật phòng thủ dân sự. Về quy hoạch hành lang kinh tế Đông - Tây, cần bám sát những lợi thế, hiệu quả vốn có, đồng thời bổ sung thành hành lang kinh tế Cầu Treo - Cha Lo - Vũng Áng. 

Đối với quy hoạch du lịch tiểu vùng Bắc Trung bộ và các tiểu vùng trong cả nước có cùng điều kiện, địa hình, lợi thế, ngoài sản phẩm du lịch gắn với di sản, thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử, biên giới gắn với cửa khẩu, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị bổ sung du lịch xuyên biên giới, du lịch xuyên Á và có cái nhìn rộng hơn về hội nhập quốc tế để tạo cơ sở cho việc thực hiện định hướng đến năm 2030 Việt Nam nằm trong top 30 nước có ngành du lịch phát triển nhất trên thế giới.

Buổi chiều, Quốc hội đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/202, và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Ngày mai, chủ nhật, Quốc hội nghỉ. Thứ hai, ngày 9/1/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác