Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 2516

  • Tổng 2.872.063

Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường ngang phù hợp để phát huy hiệu quả mạng lưới giao thông

14:18, Thứ Tư, 8-6-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Chiều nay, 6/6, tại phiên thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Trần Quang Minh đã tham gia thảo luận tại hội trường. 

 

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về đánh giá hiệu quả của dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của tuyến đường đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương nơi có dự án đi qua.

Đại biểu khẳng định việc đưa tuyến đường đi vào hoạt động đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương nơi có dự án đi qua. Đường Hồ Chí Minh đã làm thay đổi cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng phía Tây, vùng căn cứ cách mạng trước đây, tạo điều kiện cho các địa phương miền núi phát triển, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi với đồng bằng, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Ở Quảng Bình, tuyến đường này phục vụ trực tiếp cho việc bảo đảm an toàn cho khu vực biên giới, gần 200km của tỉnh với nước bạn Lào; nhiều thị tứ, thị trấn được hình thành sau khi đường Hồ Chí Minh được thông suốt, tạo điều kiện đổi đời cho đồng bào dân tộc Chứt, dân tộc Vân Kiều phát triển, thu hẹp khoảng cách với miền xuôi. 

Theo đại biểu, một trong những giá trị mà đường Hồ Chí Minh mang lại là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp du lịch của cả nước (trong đó tỉnh Quảng Bình cũng được trực tiếp thụ hưởng). Tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối các khu vực du lịch nổi tiếng và các di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh tạo thành chuỗi địa điểm và các loại hình du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá báo cáo chưa lượng hoá hết những giá trị kinh tế, xã hội mà tuyến đường mang lại, chính vì thế, tính thuyết phục của hiệu quả đồng vốn bỏ ra đầu tư chưa thể đánh giá hết. Báo cáo cũng chưa đánh giá về chất lượng của đường Hồ Chí Minh, độ đồng đều về chất lượng giữa các đoạn tuyến cũng như những tác động trái chiều về ảnh hưởng môi trường, môi sinh, các nguy cơ mất an toàn giao thông... để từ đó có cơ sở định hướng cho giai đoạn sau.

Về định hướng giai đoạn tới, đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ . Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư cần cân nhắc giải quyết hợp lý một số nội dung như: 

Cần chú trọng tính kết nối, liên hoàn các tuyến đường. Cụ thể: trước đây khi quy hoạch đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đặc biệt qua một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị dự kiến quy hoạch mở rộng thành đường cao tốc. Tuy nhiên, khi Quốc hội quyết định chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, rà soát nhận thấy, hướng tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông chủ yếu đi qua những khu vực có địa hình khó khăn một số đoạn đi qua khu vực dân cư thì phải giải phóng mặt bằng với kinh phí rất lớn. Chính vì vậy hiện nay hướng tuyến của đường bộ cao tốc phía Đông dài 126Km đi qua Quảng Bình gần như không trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông mà tạo thành 2 tuyến độc lập. Việc này dẫn đến một số điểm bất cập với địa phương, tạo ra nhiều tuyến đường trên một chiều ngang rất hẹp của tỉnh Quảng Bình (chỉ có 50 km) nhưng gánh toàn bộ các trục quan trọng của đất nước từ đường ven biển, đường quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao sắp tới, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây, 3 mạch đường dây 500kv. Mỗi tuyến này đều có một hành lang bảo vệ an toàn, do vậy số lượng các tuyến giao thông, tuyến truyền tải điện đi qua tạo thành lát cắt; gây khó khăn cho việc quy hoạch để phát triển khai thác  không gian xung quanh và phương án giao thông từ Đông sang Tây. Đặc biệt là khi đường cao tốc cắt ngang qua các lưới điện 500kv. Từ đây, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông tiếp tục nghiên cứu đầu tư các tuyến đường ngang kết nối phù hợp để phát huy hết tác dụng, hiệu quả của mạng lưới giao thông (không chỉ Bắc – Nam mà còn Đông – Tây).

 

 

Đại biểu Trần Quang Minh tham gia phiên thảo luận tại hội trường

 
Thứ hai, thống nhất lại việc quy hoạch 2 làn xe hay 4 làn xe đối với tuyến đường đoạn đi qua các tỉnh miền Trung. Cụ thể: theo đại biểu, quy hoạch hành lang của đường Hồ Chí Minh nhánh Đông hiện đang duy trì quy mô 4 làn xe với kỳ vọng tuyến đường trở thành đường cao tốc trong tương lai (dù thực tế xây dựng 2 làn). Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường bộ cao tốc phía Đông không đi trùng với đường Hồ Chí Minh, do vậy có phương án là sẽ phải thu diện tích quy hoạch của tuyến đường nhánh Đông này. Đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì mặt cắt ngang của đường HCM nhánh Đông, vẫn là 4 làn xe để định hướng phát triển cho tương lai, khi tiếp tục đầu tư sẽ không gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. 

Mặt khác, đại biểu đề cập tới mặt trái vẫn còn một số các hộ gia đình nằm ở trong diện giải tỏa, nhiều năm nay vướng quy hoạch do chưa mở rộng đường, chưa tiến hành giải toả được nên người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc cho sửa chữa nhà cửa đã xuống cấp, chuyển quyền sử dụng đất cho con cái… Bộ Giao thông – Vận tải đã có văn bản trả lời là giữ nguyên quy hoạch. Chính vì thế, việc tổng kết Nghị quyết 66 là cơ hội để một lần nữa khẳng định lại về chủ trương giữ nguyên quy hoạch 4 làn xe như hiện nay hay thu hẹp quy hoạch thành 2 làn xe. Việc này là cần thiết để có hướng giải toả hoặc tiếp tục ổn định không gian cư trú cho nhân dân.

Thứ ba, mặc dù đánh giá tổng thể về tác động môi trường của các dự án đã thể hiện việc xây dựng đường Hồ Chí Minh tạo ra tác động tích cực về việc phòng, chống thiên tai, ứng phó cứu hộ, cứu nạn, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn một số đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh do nền đường đắp cao tạo ra những con đê khiến cho việc thoát nước ở một số đoạn rất chậm gây ngập lụt nhất là các vùng như là Quảng Bình, Quảng Trị có độ dốc từ Tây sang Đông rất lớn, khi mùa mưa về thì lũ rất lớn. 

Do vậy trong quá trình thiết kế tuyến đường bộ cao tốc sắp tới, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải có các phương án tính toán để thoát lũ kịp thời, đặc biệt là ở hai bên lưu vực các sông lớn như Sông Gianh, sông Rào Nan, sông Son ở Quảng Bình…; đồng thời, nghiên cứu các phương án để thích ứng tốt hơn  việc ứng phó với biến đối khôn lường của khí hậu hiện nay như kiên cố hoá mái taluy, cần tích hợp với quy hoạch các công trình thủy lợi, thủy điện để kết nối với đường bộ nhằm tăng hiệu quả của việc thoát lũ, chống hạn… tiêu thoát nước khi úng ngập, nhất là vào mùa bão, lũ. 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác