Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 700

  • Tổng 2.870.247

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính ở huyện Tuyên Hoá

16:2, Thứ Năm, 23-12-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Ngày 21/12/2021, thực hiện Kế hoạch giám sát số 39/KH-ĐGS, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình do đồng chí Nguyễn Minh Tâm – TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” tại huyện Tuyên Hoá. Tham gia đoàn giám sát có đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Nam – UVTVTU, Giám đốc Công an tỉnh, và đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp.

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Bình, huyện Tuyên Hoá có 02 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp gồm: xã Nam Hoá sáp nhập với xã Thạch Hoá (cũ) thành xã mới có tên là Thạch Hoá. Việc sắp xếp các cơ quan, tổ chức tại các xã mới sau khi sắp xếp hoàn thành trong tháng 02/2020, riêng sắp xếp Trạm Y tế hoàn thành trong tháng 7/2020. Từ 23 xã, thị trấn còn 18 xã, thị trấn, giảm 5 xã. Cùng với giảm về bộ máy hành chính nhà nước, huyện cũng giảm 01 trạm y tế xã, số lượng trường học giữ nguyên. Gắn với sắp xếp đơn vị hành chính ở 5 xã này cũng sáp nhập, giảm 127 xóm.

 

 

Bà Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đặt vấn đề tại buổi làm việc

 

Theo báo cáo từ UBND huyện Tuyên Hoá, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, năm 2020 tiết kiệm được hơn 900 triệu đồng chi ngân sách, bao gồm chi tiền lương, phụ cấp, chi hoạt động cho bộ máy 01 xã giảm.

 

 

Toàn cảnh buổi giám sát

 

Ngoài khẳng định những tác động tích cực, như giảm đầu mối tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách, tăng nguồn lực phát triển kinh tế cho các đơn vị sáp nhập…; huyện Tuyên Hoá cũng nêu những khó khăn trong quá trình sáp nhập, Cụ thể, sau sáp nhập, 01 xã sáp nhập có tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 08 người. Sau sắp xếp có nhiều thôn, địa hình rộng đồi núi, sông suối phức tạp, khó khăn trong quá trình sinh hoạt và sản xuất của người dân. Kinh phí địa phương hạn hẹp để thay đổi các loại giấy tờ cho nhân dân sau khi sáp nhập.

Đến thời điểm này đã có 39 người đã được giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi, chờ hưu, thôi việc, nghỉ chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ_CP và điều chuyển 05 cán bộ, công chức sang xã khác.


Huyện Tuyên Hoá còn 5 xã chưa đảm bảo đủ 2 tiêu chí 

Sau sắp xếp, huyện Tuyên Hoá còn 2 xã Ngư Hoá, xã Lâm Hoá chưa đạt từ 50% trở lên quy mô về dân số; 3 xã: Châu Hoá, Văn Hoá, Lê Hoá chưa đạt từ 50% trở lên về diện tích tự nhiên. Nếu thực hiện sắp xếp đủ 2 tiêu chí theo quy định thì Tuyên Hoá tiếp tục phải thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính với 5 xã.

 

 

Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa - đơn vị mới sáp nhập báo cáo tình hình địa bàn và nêu kiến nghị, đề xuất

 

Từ thực tiễn đặt ra, huyện Tuyên Hoá đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với những đơn vị đã sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 nhưng chưa đảm bảo về tiêu chuẩn thì không xem xét sáp nhập giai đoạn 2022 – 2030 bởi lý do địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, có sự chia cắt lớn về địa hình, dân cư sinh sống không tập trung).

Bên cạnh đó, Huyện cũng phân tích số cán bộ, công chức dôi dư đa số đều có tuổi đời trẻ, bằng cấp chuyên môn đạt chuẩn theo đúng quy định, năng lực công tác tốt, do đó rất khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí trong khi tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương án phù hợp để bố trí sắp xếp đối với công chức dôi dư. Từ đó, địa phương đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp; đồng thời có cơ chế riêng xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện. 

 

 

Ông Mai Xuân Toàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Thành viên Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc

 

Kết luận tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của huyện Tuyên Hoá và các xã thực hiện sáp nhập trong việc giải quyết các công việc, nội dung, nhất là giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp; xử lý, đưa vào sử dụng cơ sở vật chất dư thừa.

 

 

Ông Nguyễn Tiến Nam - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, ĐBQH tỉnh phát biểu

 

Nhấn mạnh mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính là tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện tiếp tục quan tâm bố trí lại cán bộ, công chức phù hợp với chuyên môn, vị trí, việc làm; gắn với đó là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nâng cao chất lượng.


Gắn với đó, huyện cần sớm ban hành đề án sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, trên cơ sở đó rà soát tổng thể cán bộ, công chức để có phương án xử lý tốt hơn.


Huyện cũng cần bám sát các quy định, hướng dẫn của tỉnh để xử lý cơ sở vật chất sau sáp nhập, tránh lãng phí; quan tâm đảm bảo các quyền lợi cho người dân ở các đơn vị sáp nhập…

Phòng Công tác Quốc hội
 

Các tin khác