Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 1134

  • Tổng 2.780.250

Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022

15:45, Thứ Năm, 4-11-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng ngày 04/11/2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình giám sát kết nối từ điểm cầu Nhà Quốc hội tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại điểm cầu Quảng Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham dự Hội nghị với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Minh Tâm – TUV, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, các đại biểu Quôc hội công tác tại địa phương và đại diện lãnh đạo HĐND, UBND và các sở, ban, ngành trong tỉnh.

 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chủ trương phải chuẩn bị kỹ lưỡng, theo phương châm từ sớm, từ xa, huy động tổng thể trí tuệ của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát cũng như cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát. Mục tiêu là giám sát phải đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước. 

 

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình

 


Năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn. 


Năm 2022, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện 4 chuyên đề giám sát, trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội là: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề: "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021"; "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021".


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập các Đoàn giám sát với các thành viên là đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu mời tham gia là đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát, bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp trong quá trình tổ chức giám sát.


Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, các Đoàn giám sát đã tích cực nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Đoàn giám sát. Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số điểm khác so với thông lệ trước đây, đó là: Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát ban hành không kèm theo kế hoạch mà đưa một số nội dung chính như: phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo... vào Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; đồng thời, xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát trước khi Trưởng Đoàn giám sát ký ban hành; Lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các Bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức  giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát; Các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 04 chuyên đề; đồng thời, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.


Bên cạnh các hoạt động giám sát nêu trên, để hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.


Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các chuyên đề mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để giám sát lần này “rất trúng và rất đúng”. Những vấn đề được lựa chọn đều dựa trên quan điểm đặt người dân và doanh nghiệp là trung tâm, có chuyên đề khó như chuyên đề giám sát Luật Quy hoạch... Đặt sự tin tưởng sẽ có sự chuyển biến rõ rệt trong từng đối tượng và phạm vi giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu thành viên các Đoàn Giám sát nêu cao vai trò trách nhiệm trong thực hiện giám sát, tham gia đầy đủ, nghiêm túc, giám sát qua nhiều kênh, “nghe tai” đồng thời đề cao vai trò của báo chí, truyền thông và nhân dân trong việc giám sát lại những người đi giám sát…


Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021 và triển khai Chương trình giám sát năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đang gấp rút xây dựng các kế hoạch để tiến hành các nội dung giám sát nói trên tại địa bàn tỉnh Quảng Bình.
 

 

Phòng Công tác Quốc hội

Các tin khác