Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 1873

  • Tổng 2.848.342

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Lệ Thủy trước Kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh khóa XVIII

9:55, Thứ Hai, 27-9-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Lệ Thủy trước Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

 1. Cử tri xã Cam Thủy đề nghị: Tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét bổ sung hoàn chỉnh các điểm đấu nối giữa đường liên thôn với đường tránh BOT đoạn đi qua xã Cam Thủy để thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

 

  Trả lời:

 

 Việc đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; theo đó tất cả các công trình đơn lẻ dọc theo hai bên Quốc lộ phải được đấu nối vào đường gom để về đi chung với các điểm được quy hoạch đấu nối vào Quốc lộ. Theo Quyết định số 4105/QĐ-UBND ngày 22/11/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ, trên tuyến tránh BOT Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Cam Thủy có 02 điểm quy hoạch đầu nối được duyệt là tại Km695+409 và tại Km696+839; đề nghị UBND huyện Lệ Thủy thực hiện việc đầu tư xây dựng các điểm đấu nối theo quy hoạch được duyệt nêu trên, đồng thời xây dựng đường gom dọc theo tuyến tránh từ accs đường liên thôn đến các điểm đấu nối theo quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại cũng như đầu tư xây dựng các công trình liên quan, phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh như phản ánh của cử tri và nhân dân địa phương.

 

(Căn cứ Công văn số 2132/SGTVT-KHTH ngày 02/8/2021 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 2. Cử tri xã Dương Thủy đề nghị: Tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ cho nhân dân thôn Bình Minh, xã Dương Thủy vì đây là vùng thường xuyên bị ngập nặng của huyện Lệ Thủy, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà sinh hoạt cộng đồng của huyện có hạn, điều kiện kinh phí của thôn không đảm bảo.

 

  Trả lời:

 

Việc xây dựng Nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố kết hợp nhà tránh lũ là việc làm rất thiết thực, phù hợp với các địa phương ở vùng thấp, trũng, vào mùa mưa dễ bị ngập, lụt, cần được nghiên cứu và sớm đưa vào triển khai. Tuy nhiên việc xây Nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố kết hợp nhà tránh lũ cần phải tuân thủ các tiêu chí về diện tích, công năng các hạng mục theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hướng dẫn của Sở Văn hóa vàThể thao đã ban hành.

 

 Về kinh phí xây dựng, nâng cấp Nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố kết hợp nhà tránh lũ chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa do nhân dân tại địa phương đóng góp. Bên cạnh đó giai đoạn từ năm 2006-2010 nguồn ngân sách các cấp (tỉnh, huyện, xã ) có hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng theo Đề án “Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và phát triển đời sống văn hóa cơ sở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010” ban hành kèm theo Quyết định số 23/2005/QĐ-UBND; mặt khác từ năm 2015 trở về trước nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa cũng có hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng và mua sắm tranh thiết bị hoạt động văn hóa cho một số Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn, bản.

 

(Căn cứ Công văn số 880/SVHTT-NVVH ngày 03/8/2021 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 3. Cử tri trên địa bàn huyện Lệ Thủy đề nghị: Tỉnh kịp thời quan tâm tiêm Vaccin phòng dịch bệnh Covid-19 cho mọi người dân, đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh quyết liệt hơn nữa vì hiện nay tình hình dịch bệnh tiếp tục diển biến phức tạp nhưng một số nơi vẫn còn biểu hiện chủ quan.

 

  Trả lời:  

 

Đối với vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19: Để tạo miễn dịch cộng đồng nhất thiết phải thực hiện sớm và đủ liều vắc xin. Hiện nay, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Bộ Y tế phân bổ. Dự tính đến giữa 2 tháng 8/2021, Quảng Bình sẽ tiêm được khoảng 50.000 liều (mũi 1) chiếm khoảng 8% dân số từ 18 tuổi trở lên (616.856 người). Lượng vắc xin cung cấp đạt 50% so với dự kiến phân bổ của Bộ Y tế theo Công văn số 5946/BYT-DP ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế gửi Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy về việc phân bổ vắc xin phòng Covid19. Nếu đảm bảo đúng kế hoạch phân bổ, đến hết năm 2021 sẽ có khoảng 1,1 triệu liều vắc xin được cấp cho người dân Quảng Bình để tiêm cho 92% dân số từ 18 tuổi trở lên (đủ 2 mũi). Như vậy thì đến đầu năm 2022 chúng ta sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên thực tế còn phụ thuộc vào khả năng cung ứng vắc xin từ Bộ Y tế. Từ đó, có thể nhận định rằng, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp từ nay đến nửa đầu năm 2022, cho đến khi hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng thì dịch bệnh còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

 

(Căn cứ Công văn số 2134/SYT-KHTC ngày 30/7/2021 của Sở Y tế về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

HN

Các tin khác