Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 4006

  • Tổng 2.850.478

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Quảng Ninh trước Kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh khóa XVIII

9:59, Thứ Hai, 27-9-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Ninh trước Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Cử tri xã Xuân Ninh đề nghị: Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời sửa chữa, thay thế cống nối đường 15 thôn Phúc Mỹ đi thôn Lộc Long xã Xuân Ninh.

 

Trả lời:

 

Cống nối đường 15 thôn Phúc Mỹ đi thôn Lộc Long hiện trạng là rãnh thoát nước dọc kết hợp cống qua đường, qua thời gian sử dụng dài, các phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu phục vụ thi công xây dựng lưu thông nhiều, các tấm đan mặt cống bị bể, sập gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại. Đoạn tuyến trên thuộc phạm vi đường QL15 được Bộ GTVT giao cho Sở GTVT tỉnh Quảng Bình để quản lý, bảo trì bằng vốn Trung ương. Do đó để đảm bảo ATGT trên tuyến và tránh phát sinh hư hỏng kéo dài đề nghị Sở GTVT quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí thay thế lại cống qua đường này.

 

(Căn cứ Công văn số 807/UBND-KT ngày 05/8/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Cử tri xã Hiền Ninh đề nghị: Tỉnh quan tâm đầu tư thêm nguồn vốn tạo điều kiện xây dựng hoàn thành con đường vượt lũ thôn Đồng Tư sắp khởi công xây dựng và sớm hoàn thành để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện.

 

Trả lời:

 

Xã Hiền Ninh là xã có địa hình thấp trũng, thường xuyên bị ngập sâu vào mùa mưa lũ làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại, không đảm bảo an toàn, đời sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, nhất là thôn Đồng Tư, vì vậy việc đầu tư xây dựng Đường vượt lũ thôn Đồng Tư rất cần thiết. Dự án đã được UBND huyện Quảng Ninh phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 722/QĐ-UBND ngày 27/5/2021, với tổng mức đầu tư 4.500 triệu đồng. Dự án đã bố trí đủ vốn để thực hiện là 4.500 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 9/6/2021 của UBND tỉnh). Đề nghị UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khởi công xây dựng, sớm hoàn thành dự án để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân.

 

(Căn cứ Công văn số 2053/KHĐT-TH ngày 30/7/2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Cử tri xã Vĩnh Ninh đề nghị: Tỉnh đầu tư xây dựng kè chống sạt lở dọc hói phía bắc thôn Chợ Gộ (đoạn ngầm ngoài nhà ông Hoàng Biên Cương).

 

Trả lời:

 

Dọc hói phía Bắc thôn Chợ Gộ (đoạn ngầm ngoài nhà ông Hoàng Biên Cương) có chiều dài khoảng 200m, đã bị xói lở một số điểm, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của bà con nhân dân phía Nam Hói, tuy nhiên mức độ xói lỡ chưa nghiêm trọng, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh bố trí kinh phí và có giải pháp khắc phục sạt lở theo đề nghị của cử tri.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Cử tri xã Trường Sơn đề nghị: Tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình đang xây dựng trên địa bàn của xã hoàn thành trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn, chất lượng công trình.

 

Trả lời:

 

Các công trình được đầu tư trên địa bàn xã Trường Sơn chủ yếu được phân bổ từ nguồn vốn của Tỉnh, huyện. Thời gian qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (phòng Kinh tế - Hạ tầng, phòng Tài chính – Kế hoạch, Ban QLDA ĐTXD&PTQĐ) đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu, ký kết hợp đồng với các nhà thầu thi công theo đúng quy định. Với địa hình đồi núi phức tạp, ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua, các tuyến đường vận chuyển vật liệu bị chia cắt thời gian dài, cộng thêm diễn biến đại dịch Covid-19 nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ hoàn thành các dự án.

 

Với quyết tâm hoàn thành dự án theo kế hoạch, góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng phó hiệu quả trước thiên tai, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng lợi, phục vụ đời sống của người dân. UBND huyện sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các Chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tranh thủ điều kiện thuận lợi khẩn trương xác định và lựa chọn hạng mục ưu tiên, cần thiết, huy động thiết bị máy móc, nhân lực thực hiện đồng bộ các hạng mục công việc, hoàn thành theo tiến độ hợp đồng xây dựng trong thời gian tới. 

 

(Căn cứ Công văn số 807/UBND-KT ngày 05/8/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

5. Cử tri xã Trường Sơn đề nghị: Tỉnh quan tâm phân bổ nguồn vốn xây dựng đường tránh lũ ở xóm Xuân Sơn (thôn Liên Xuân); xây dựng tuyến đường từ bản Khe Cát về bản Hôi Rấy-Nước Đắng; quan tâm đầu tư cho xã biên giới thực hiện chương trình cứng hóa giao thông nông thôn để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi.

 

Trả lời:

 

Xã Trường Sơn là xã miền núi, khó khăn, vì vậy tỉnh, huyện luôn quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ nhiều nguồn (vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, ngân sách huyện). Trong thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn xã đã đầu tư hoàn thành, phát huy hiệu quả nguồn vốn như: Dự án Đường vào bản Sắt, xã Trường Sơn, (tổng mức đầu tư 6,9 tỷ đồng), dự án Đường vào bản Đìu Đo (tổng mức đầu tư giai đoạn 1: 8,3 tỷ đồng, giai đoạn 2: 6 tỷ đồng)… Sắp tới, trên địa bàn xã chuẩn bị đầu tư một số dự án lớn như: Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường vào bản Ploang, xã Trường Sơn, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng (chuẩn bị trình phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII), Dự án Đường cứu hộ cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi)... thể hiện sự quan tâm lớn của tỉnh, huyện đối với xã Trường Sơn. Hiện nay, nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh rất lớn trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư 4 công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2020 tai Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020, những dự án xã đề xuất thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện. Vì vậy, để giải quyết nhu cầu trước mắt, đề nghị UBND huyện chủ động cân đối ngân sách huyện để bố trí thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh khi cân đối được nguồn vốn và lồng ghép từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương theo đúng quy định để triển khai các dự án cần thiết, cấp bách trên địa bàn xã.

 

(Căn cứ Công văn số 2053/KHĐT-TH ngày 30/7/2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

6. Cử tri xã Trường Sơn đề nghị: Tỉnh quan tâm đầu tư kéo (1.500m) đường dây điện hạ thế từ trạm hạ thế trung tâm bản Trung Sơn vào xóm 2 (cầu treo) và xóm đập của bản (3km); (1.000m) đường dây điện hạ thế từ trạm hạ thế trung tâm thôn Long Sơn vào xóm 02 bản Thượng Sơn; (3km) đường dây điện hạ thế từ trạm hạ thế trung tâm bản Chân Trộng đến xóm Lu bu của bản để nhân dân có điều kiện sử dụng điện an toàn hơn.

 

Trả lời:

 

- Về cấp điện từ TBA Trung Sơn: Công ty đã có dự án, hiện tại đang triển khai thi công dự kiến công trình hoàn thành trước ngày 30/11/2021.

 

- Các khu vực còn lại: Do khối lượng nhu cầu cải tạo nâng cấp trên địa bàn còn nhiều, nguồn lực có hạn nên Công ty Điện lực Quảng Bình sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá và bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng trong các năm tiếp theo.

 

(Căn cứ Công văn số 3491/QBPC-TTBVPC ngày 04/8/2021 của Công ty Điện lực Quảng Bình về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

7. Cử tri xã Trường Sơn đề nghị: Tỉnh chỉ đạo các cấp quan tâm bố trí nguồn vốn di dời các hộ có nguy cơ sạt lỡ (xóm Xuân Sơn, thôn Liên Xuân, thôn Tân Sơn và bản Cây Sú) nằm trong vùng thiên tai lũ lụt để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

 

Trả lời:

 

Sau trận lũ lịch sử tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng chục điểm sạt lỡ đe đọa trực tiếp đến tính mạng, đời sống người dân địa phương. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, lập nhiều đoàn công tác đến địa bàn sạt lở để tìm giải pháp an cư cho người dân và quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tham mưu về nguồn lực tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh kiểm tra cụ thể và có văn bản đề nghị gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xem xét xử lý trong thời gian sớm nhât đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở xóm Xuân Sơn, thôn Liên Xuân, thôn Tân Sơn và bản Cây Sú ổn định cuộc sống.

 

(Căn cứ Công văn số 2623/STC-NS ngày 02/8/2021 của Sở Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

8. Cử tri xã An Ninh đề nghị: Tỉnh quan tâm đầu tư kiên cố tuyến đê bao phía Tây Hói Sỏi (địa phận các xã Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh). Đầu tư xây dựng cống tưới tiêu Nam Long qua đường 564 và nâng cấp đường 564 từ thôn Hoành Vinh đến Hói 186 nhằm phục vụ cho Nhân dân đi lại.

 

Trả lời:

 

- Tuyến đê phía Tây Hói Sỏi chạy địa phận xã Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh có chiều dài 4km, hiện đang là đê đất, có nhiều chỗ bị xói lở, ảnh hưởng đến việc đi lại và sản xuất của Nhân dân xã Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh. UBND huyện đã đưa vào danh mục đề xuất UBND tỉnh đầu tư các công trình, dự án phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2030, kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Đề nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại sản xuất thuận lợi.

 

- Đầu tư xây dựng tưới tiêu Nam Long qua đường 564: Cống qua đường Nguyệt Áng - Nam Long tại vị trí giáp với đường 564 có diện tích mặt cắt ướt nhỏ hơn kênh nên việc cấp nước tưới gặp khó khăn, kéo dài thời gian tưới. Vấn đề này, UBND huyện đã giao cho các phòng chuyên môn của huyện kiểm tra, khắc phục trong thời gian tới.

 

- Đường 564 từ thôn Hoành Phi đến hói 186: Đoạn đường này dễ bị xuống cấp và thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa to, gây khó khăn trong việc đi lại của Nhân dân trong vùng. Đây là tỉnh lộ do các ngành của Tỉnh quản lý, vì vậy đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Giao thông và Vận tại sớm bố trí kinh phí để nâng cao, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

 

(Căn cứ Công văn số 784/UBND-VP ngày 02/8/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

9. Cử tri Trương Văn Tự (thôn Đại Hữu, xã An Ninh) đề nghị: Tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cống tiêu nước thôn Đại Hoành (xã An Ninh) vì khi mưa to nước về thoát không kịp gây nguy hiểm cho người dân ở sát đường trục Đại Hoành ra đường trục Phúc Mỹ - Lộc Long gây ảnh hưởng cho dân cư các thôn Đại Hữu, Võ Tân, Phúc Mỹ.

 

Trả lời:

 

Cống luồn tiêu qua kênh chính Rào Đá tại vị trí Nam kênh Đại Hoành có khẩu độ nhỏ nên không thể tiêu hết lương nước phía Tây kênh chính Rào Đá khi có mưa to, gây ngập úng các hộ dân trong khu vực. Vấn đề này cử tri đã có ý kiến nhiều lần (tại các kỳ tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh), UBND huyện đã có Tờ trình đề nghị Tỉnh đầu tư; các ban, ngành của Tỉnh đã kiểm tra thực địa nhưng đến nay vẫn chưa quyết định đầu tư xây dựng. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng nhằm hạn chế  ảnh hưởng khi có mưa to gây ngập lụt cho các hộ dân phía Tây kênh chính Rào Đá dọc hai thôn Võ Tân và Đại Hữu.

 

(Căn cứ Công văn số 784/UBND-VP ngày 02/8/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

10. Cử tri thôn Thống Nhất, xã An Ninh đề nghị: Tỉnh chỉ đạo Công ty Điện lực, VNPT Quảng Bình di dời một số cột điện và chỉnh trang lại đường dây nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

 

Trả lời:

 

Đối với nội dung ý kiến này, kiến nghị của cử tri nêu chung chung, không rõ địa điểm nên Điện lực chưa thể trả lời cụ thể được. Liên quan đến ý kiến của cử tri tạ Xã An Ninh, Điện lực Quảng Ninh trực thuộc Công ty Điện lực Quảng Bình đã có văn bản trả lời số 268/ĐLQN-KHKT ngày 27/7/2021 gửi Thường trực HĐND huyện Quảng Ninh; UBND huyện Quảng Ninh về việc Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 HĐND huyện.

 

(Căn cứ Công văn số 3491/QBPC-TTBVPC ngày 04/8/2021 của Công ty Điện lực Quảng Bình về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

  11. Cử tri xã Hải Ninh phản ánh: Tuyến đường tỉnh 569 đi qua địa bàn xã Hải Ninh, theo Quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có phần đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh 569 là 14,5m tính từ tim đường. Hiện nay, một số hộ gia đình sống dọc theo tuyến đường 569 có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận QSD đất thì phải cắt phần hành lang dành cho đường bộ; một số hộ gia đình có nhu cầu làm nhà để ở, tuy nhiên vướng quy hoạch hành lang giao thông không xây dựng được, gây bức xúc cho Nhân dân. Đề nghị Tỉnh xem xét giảm phần đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh 569, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.

 

Trả lời:

 

Hướng tuyến Đường tỉnh 569 hiện tại cơ bản trùng với hướng tuyến Đường ven biển tỉnh Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010. Hiện tại UBND tỉnh đã phê duyệt Báo cáó nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1 - Đường ven biển tại Quyết định số 1680/QĐ-UBND ngày 09/6/2021; Sở GTVT đang tiến hành các thủ tục triển khai xây dựng dự án, trong đó bao gồm cả việc cắm mốc xác định ranh giới thu hồi đất để GPMB dự án và sẽ báo cáo UBND tỉnh cho phép cắm mốc lộ giới xác định phạm vi đất dành cho đường bộ (gồm mỗi bên 2 m đất bảo trì đường bộ và 13m đất hành lang an toàn đường bộ) để thuận lợi trong quá trình quản lý sau này. Đối với các đoạn tuyến trên địa bàn xã Hải Ninh không trùng với đường ven biển, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND tỉnh chuyển thành đường địa phương và giao UBND huyện Quảng Ninh, UBND xã Hải Ninh quản lý, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Hải Ninh. Việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó bao gồm cả việc xác định phạm vi đất dành cho đường bộ phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại các Nghị định: số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 và số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ.

 

(Căn cứ Công văn số 2132/SGTVT-KHTH ngày 02/8/2021 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

12. Cử tri xã Tân Ninh phản ánh: Hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn được Công ty cổ phần Cấp nước Quảng Bình lắp tuyến chính, sau tuyến chính đến các hộ dân phải tự đóng góp để lắp đặt, tuy nhiên giá nước vẫn tính như những khu vực công ty đầu tư 100% hệ thống đến tại nhà dân là không hợp lý. Đề nghị Tỉnh xem xét, giải quyết và trả lời cho cử tri được rõ.

 

Trả lời:

 

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xử lý tài sản hệ thống cấp nước Rào Đá, tháng 10/2020 Công ty đã nhận chuyển nhượng HTCN Rào Đá với giá trị 20,66 tỷ đồng từ Ban QLDA&PTQĐ của huyện Quảng Ninh để tiếp quản vận hành cung cấp dịch vụ nước sạch cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

 

HTCN Rào Đá được hình thành từ công trình nhà máy nước 4.000 m3/ng.đ và mạng đường ống chính do Ban QLDA&PTQĐ làm đại diện chủ đầu tư (sau đó trực tiếp quản lý vận hành) kết nối các công trình cấp nước nông thôn đã có do các xã quản lý (Vạn Ninh, An Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh,…), các công trình cấp nước nông thôn tại thời điểm Công ty tiếp quản xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước cho nhân dân (chính quyền và nhân dân đã phản ánh nhiều vấn đề này), tỷ lệ thất thoát quá cao (70%) gây khó khăn cho việc quản lý vận hành của đơn vị cấp nước.

 

Vì vậy, Công ty đã phối hợp với lãnh đạo các xã (trong đó có xã Tân Ninh) tổ chức Hội nghị (gồm Công ty; Đảng ủy, mặt trận, UBND xã; Ban cán sự các thôn,…) bàn phương án cải tạo, thay thế tuyến ống hiện có ở các thôn nhằm cải thiện và duy trì ổn định chất lượng dịch vụ cấp nước trên địa bàn; theo đó, Hội nghị đã thống nhất cao thực hiện việc cải tạo theo hình thức xã hội hóa: Phân định nội dung Công ty thực hiện, nội dung người dân thực hiện ngày công và chi trả chi phí lắp đặt làm cơ sở triển khai thi công.

 

Đến thời điểm hiện tại Công ty phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân xã Tân Ninh thay mới hoàn toàn cho khoảng 650/1350 hộ dân trong xã (100% hộ dân thôn Hòa Bình và khoảng 70% hộ dân thôn Quảng Xá); sau khi cải tạo, thay thế chất lượng cấp nước được cải thiện tốt, nhân dân rất đồng tình và mong muốn đẩy nhanh tiến độ cho các khu vực còn lại.

 

Việc áp dụng giá nước đối với các hộ dân được Công ty thực hiện theo quyết định của các cấp có thẩm quyền về quy định giá nước; Công ty không có thẩm quyền để điều chỉnh giá nước cho từng hộ dân theo mức độ chi phí lắp đặt mà các hộ dân phải chi trả như cử tri phản ánh.

 

(Căn cứ Công văn số 213/CV-NQB ngày 30/7/2021 của Công ty Cổ phần Cấp nước Quảng Bình về việc trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

13. Cử tri xã Hiền Ninh, Vĩnh Ninh phản ánh: Hiện nay nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn đã bị ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng. Đề nghị Tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ công trình nước sạch trên địa bàn để Nhân dân sớm được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Trả lời:

 

- Về nước sạch xã Vĩnh Ninh: Ngày 02/7/2021, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, UBND xã Vĩnh Ninh và các ngành liên quan đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình và đã thống nhất phương án đầu tư công trình đấu nối nước sạch sinh hoạt từ xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới đến thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh do Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình đầu tư nguồn vốn khoảng 02 tỷ đồng; UBND xã Vĩnh Ninh làm chủ đầu tư hệ thống dẫn nước từ thôn Lệ Kỳ đi trung tâm xã Vĩnh Ninh và các khu vực lân cận với kinh phí khoảng 04 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và ngân sách xã (dự kiến cấp huyện 50%, cấp xã 50%). Hiện nay Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình và UBND xã Vĩnh Ninh đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư để sớm cấp nước cho Nhân dân xã Vĩnh Ninh.

 

- Về nước sạch xã Hiền Ninh: Công trình cấp nước sinh hoạt xã Hiền Ninh và xã Hàm Ninh đã được UBND huyện Quảng Ninh trình HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thư 2, HĐND huyện khóa XX. Sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND huyện sẽ thực hiện các bước tiếp theo để triển khai thi công, hoàn thành dự án trong năm 2022, cấp nước sạch cho người dân hai xã Hiền Ninh, Hàm Ninh.

 

(Căn cứ Công văn số 784/UBND-VP ngày 02/8/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

14. Cử tri xã Hàm Ninh phản ánh: Hiện nay công trình nước sạch giai đoạn 2 từ thôn Quyết Tiến đi thôn Trường Niên đã hoàn thành. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo Trung tâm nước sạch, vệ sinh và môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình (chủ đầu tư) sớm bàn giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước Quảng Bình tiếp nhận, vận hành để sớm đưa vào sử dụng phục vụ đời sống dân sinh.

 

Trả lời:

 

Công trình nước sạch giai đoạn 2 từ thôn Quyết Tiến đi thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh hiện nay đang được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiến hành thử áp lực đường ống theo đề nghị của Công ty Cổ phần Cấp nước Quảng Bình để làm cơ sở bàn giao công trình. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sớm hoàn tất các quy trình, thủ tục để bàn giao công trình cho Công ty Cổ phần Cấp nước Quảng Bình quản lý, vận hành trong thời gian sớm nhất.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

15. Cử tri trên địa bàn huyện Quảng Ninh phản ánh: Hiện nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra vào mùa nắng hạn ở các xã Hiền Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, tại các xã này hiện nay chưa có công trình nước sinh hoạt tập trung hoặc đã bị xuống cấp. Vấn đề này, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng việc đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung kinh phí quá lớn, vượt khả năng ngân sách của huyện và các xã. Đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho nhân dân.

 

Trả lời:

 

Giai đoạn 2011-2015, các dự án nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ Chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sau khi đầu tư xây dựng, một số công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hiệu quả đầu tư, có công trình bỏ hoang, hoen rỉ, không sử dụng được. Nội dung này đã được đại biểu HĐND tỉnh và cử tri chất vấn tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII và đã có Thông báo kết luận của chủ tọa phiên họp chất vấn, theo đó đề xuất hướng xử lý đối với các địa bàn cần đầu tư là lập thứ tự ưu tiên đầu tư theo các tiêu chí về sự cấp bách, khả năng huy động nguồn lực nhân dân và khả năng xã hội hoá. Về lâu dài, phải lập quy hoạch chi tiết về cấp nước sạch nông thôn để làm cơ sở kêu gọi xã hội hóa. Theo quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh, việc đầu tư những dự án trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện. Vì vậy, để giải quyết nhu cầu trước mắt cho nhân dân, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh chủ động cân đối ngân sách cấp huyện (có thể kết hợp sự đóng góp của nhân dân) để thực hiện các công trình thực sự cần thiết, cấp bách; về lâu dài, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh rà soát kỹ nhu cầu 5 đầu tư các công trình nước sạch và xem xét huy động nguồn lực của nhân dân và khả năng xã hội hóa trên địa bàn để thực hiện; chỉ xem xét, hỗ trợ đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách huyện, đề nghị huyện Quảng Ninh có văn bản đề xuất để Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ khi cân đối được nguồn.

 

(Căn cứ Công văn số 2053/KHĐT-TH ngày 30/7/2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

16. Cử tri xã Trường Xuân phản ánh: Thời gian qua hoạt động của công ty khai thác đá trên địa bàn bắn mìn và xay đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là các bản Khe Ngang, Khe Dây, Rào Trù. Đề nghị Tỉnh xem xét chỉ đạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

 

Trả lời:

 

Nội dung cử tri phản ánh, gần đây Báo Dân việt ra số ngày 01/6/2021 và Báo người lao động ra ngày 15/6/2021 phản ánh về hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống và tài sản của nhân dân trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Quảng Ninh tổ chức kiểm tra cho thấy: Các mỏ đá hiện tại chưa khai thác vượt quá công suất cho phép, hiện nay do nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đá tăng đột biến (cung cấp cho dự án điện gió, dự án đường cao tốc, xây dựng dân dụng…), nên các doanh nghiệp đã khai thác tối đa công suất cho phép cũng như xuất bán hết khối lượng đá đã khai thác còn tồn trước đây, dẫn đến lưu lượng vận chuyển sản phẩm khai thác tăng cao so với bình thường làm cho tuyến đường liên xã Trường Xuân - Xuân Ninh và Trường Xuân - An Ninh đã xuống cấp càng xuống cấp nghiêm trọng; các đơn vị khai thác đá đã phân chia nhau tăng cường tưới ẩm mặt đường nhưng do đường xuống cấp, thời tiết hanh nóng và lưu lượng vận chuyển tăng nên việc gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân trong khu vực như cử tri phản ánh là đúng.

 

Trước những vi phạm của các Công ty, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, Sở Tài nguyên và môi trường đã yêu cầu các Công ty thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu gây ô nhiểm môi trường trong quá trình khai thác và vận chuyển sản phẩm; đồng thời, đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo lâu dài về bảo vệ môi trường trong khu vực. UBND tỉnh đã có Công văn số 1191/UBND-KT ngày 07/7/2021 chỉ đạo các ngành thực hiện các nhiệm vụ:

 

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

 

- Sở Công Thương kiểm tra, rà soát lại phương án nổ mìn đã cấp phép cho các đơn vị khai thác mỏ đá trên địa bàn xã Trường Xuân nhằm đảm bảo việc nổ mìn không ảnh hưởng tới tài sản, đời sống của người dân.

 

- Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải: tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về vượt tải trọng, vượt tốc độ, làm rơi vãi đất, đá, phát tán bụi trong quá trình lưu thông của các phương tiện trên các tuyến đường liên xã trên địa bàn xã Trường Xuân; tổ chức đánh giá chất lượng các tuyến đường liên xã, cắm biển báo giao thông nhằm hạn chế tải trọng và tốc độ để đảm bảo an toàn giao thông.

 

- UBND huyện Quảng Ninh: Tập trung đôn đốc nhà thầu, các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm hoàn thành tuyến đường tránh sau khu du lịch núi Thần Đinh, xã Trường Xuân, đảm bảo quá trình vận chuyển sản phẩm khai thác mỏ và các hoạt động vận chuyển khác trong khu vực không làm ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của người dân; Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển đá trên địa bàn xã Trường Xuân, kịp thời phát hiện các vi phạm (nếu có) để xử lý theo thẩm quyền.

 

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn, nếu các đơn vị tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

(Căn cứ Báo cáo số 112/BC-STNMT ngày 02/8/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

17. Cử tri thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh có ý kiến:

 

a. 15 hộ dân thôn Áng Sơn dọc trục đường đi vào 02 nhà máy sản xuất xi măng bị ô nhiễm nặng nhiều năm nay. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành sớm đền bù, di dời 15 hộ dân này ra khỏi vùng bị ô nhiễm nặng hoặc di dời 02 nhà máy sản xuất xi măng ra khỏi địa bàn dân cư.

 

b. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành làm việc với 02 nhà máy sản xuất xi măng tại thôn Áng Sơn thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực thôn Xuân Sơn, xã Vạn Ninh.

 

Trả lời:

 

- Về nội dung đền bù, di dời 15 hộ dân ra khỏi vùng ô nhiễm nặng hoặc di dời 2 nhà máy ra khỏi khu vực: Trước đây một số hộ dân thôn Áng Sơn đề nghị được bồi thường và di dời ra khỏi khu vực có 02 nhà máy xi măng đang hoạt động. Để giải quyết vấn đề, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Quảng Ninh xây dựng khu tái định cư nhằm di dời các hộ dân, song do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên khu tái định cư đã được triển khai xây dựng nhưng đến nay chưa hoàn thành. 15 hộ hiện nay nằm tiếp giáp với Nhà máy xi măng Áng Sơn của Công ty Cổ phần COSEVCO 6, do Công ty đang khó khăn về tài chính nên không có khả năng để bồi thường cho các hộ dân di dời ra khỏi khu vực. Để tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề cử tri nêu, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan bố trí nguồn vốn đồng thời chỉ đạo UBND huyện Quảng Ninh khẩn trương hoàn thành khu tái định cư để sớm di dời 15 hộ dân còn lại ra khỏi khu vực của 02 nhà máy xi măng trên địa bàn.

 

- Về vấn đề buộc 02 nhà máy phải chấp hành đúng pháp luật hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu vực:

 

Qua kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại 02 nhà máy; chỉ đạo 02 nhà máy tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thực hiện thường xuyên các giải pháp để hạn chế bụi phát tán vào khu dân cư, bê tông hoá toàn bộ khu vực đường vận chuyển trong và ngoài nhà máy đi qua khu dân cư...; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với 02 nhà máy về công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc và có văn bản yêu cầu 02 nhà máy thực hiện đúng pháp luật về công tác bảo vệ môi trường đồng thời hướng dẫn thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Đến nay Nhà máy xi măng Vicem Hải Vân đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đang vận hành thử để truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi.

 

Quan trắc các yếu tố môi trường tại các hộ dân thôn Áng Sơn dọc hai bên tuyến đường vào nhà máy xi măng cho thấy: đối với hàm lượng bụi; khí độc (CO, SO2, NO2); tiếng ồn; nước dưới đất đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép. Riêng đối với tiếng ồn tại một số vị trí quan trắc có thời điểm quan trắc độ ồn vượt quy chuẩn cho phép (do tiếng ồn của phương tiện vận tải đi qua khu vực cộng hưởng) nhưng mức độ không lớn.

 

Tuy nhiên, việc phát sinh bụi cuốn theo phương tiện vận chuyển tại khu vực chưa được khống chế triệt để. Nguyên nhân do lưu lượng giao thông trên tuyến đường quá lớn (nhiều đơn vị trong khu vực vận chuyển nguyên liệu qua khu vực), thời tiết nắng nóng và khô hanh nên mặc dù nhà máy đã cố gắng thường xuyên tưới nước làm ẩm để hạn chế bụi cuốn nhưng vẫn không khống chế triệt để được một cách thường xuyên.

 

 Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh và UBND xã Vạn Ninh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của 02 nhà máy, kịp thời phát hiện các vi phạm (nếu có) trong công tác bảo vệ môi trường của hai nhà máy để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyển xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Định kỳ công khai dữ liệu quan trắc tự động tại Nhà máy xi măng Vạn Ninh cho địa phương và người dân khu vực được biết (1 tháng/lần).

 

(Căn cứ Báo cáo số 112/BC-STNMT ngày 02/8/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

Cử tri TT Quán Hàu phán ánh: Khu đất Công ty tàu thủy Quảng Bình và 03 khu nhà ở tập thể đã bỏ hoang 10 năm nay làm mất cảnh quan, lãng phí tài nguyên, đề nghị Tỉnh thu hồi để đầu tư khu du lịch và nhà ở thương mại.

 

Trả lời:

 

Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy do Bộ Giao thông vận tải thành lập, đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty thuộc tài sản công do Nhà nước quản lý. Căn cứ Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-BGTVT ngày 21/02/2020 thành lập Đoàn kiểm tra hiện trạng nhà, đất theo Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ đối với các cơ sở nhà đất của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình. Theo đó, ngày 14/01/2021 Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà, đất của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình.

 

Do đó, nội dung cử tri đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu để UBND tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật sau khi có quyết định điều chuyển tài sản công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

(Căn cứ Báo cáo số 112/BC-STNMT ngày 02/8/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

19. Cử tri xã Vĩnh Ninh đề nghị: Tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến đường quốc lộ 9B (đoạn từ Chợ Vĩnh Tuy đến Đường Hồ Chí Minh).

 

Trả  lời:

 

Tuyến đường QL9B được Bộ GTVT giao cho Sở GTVT tỉnh Quảng Bình quản lý, bảo trì bằng vốn Trung ương. Quy mô đường cấp IV (ĐB), mặt đường rộng 5,5m. Vừa qua tuyến đường được nâng cấp mặt đường bằng bê tông nhựa tạo điều kiện cho các phương tiện đi lại êm thuận. Tuy nhiên đây là tuyến đường Quốc lộ, các phương tiện lưu thông nhiều (trong đó có nhiều phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng cỡ lớn) nhất là về buổi đêm. Địa hình hai bên tuyến hầu hết là các hộ dân sinh sống sát với đường, tiềm ẩn nguy cơ TNGT là rất cao nên kiến nghị của cử tri xã Vĩnh Ninh về đầu tư tuyến điện chiếu sáng giao thông vào ban đêm là thiết thực và chính đáng. Do nguồn vốn của huyện hạn chế,  UBND huyện đề nghị Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT tỉnh quan tâm đầu tư để đảm bảo an toàn giao thông.

 

(Căn cứ Công văn số 807/UBND-KT ngày 05/8/2021 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

20. Cử tri trên địa bàn huyện Quảng Ninh đề nghị: Tỉnh quan tâm sớm tu sửa lại hệ thống điện năng lượng pin mặt trời phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các bản: Hôi Rấy, Nước Đắng, Dốc Mây, Ploang, Rìn và bản Sắt vì hiện nay hệ thống này đã bị hư hỏng, không sử dụng được.

 

Trả lời:

 

 Về việc tu sửa các hệ thống điện mặt trời thuộc Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản thuộc những xã điện lưới Quốc gia không đến được (Dự án QBSC):

 

Dự án QBSC được triển khai tại 399 điểm cấp điện thuộc 08 xã trên địa bàn 04 huyện gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa với tổng công suất 749,5 kW, với mục tiêu cung cấp điện năng ổn định và tin cậy, dịch vụ công cộng chất lượng, đảm bảo cơ hội được giáo dục và mang lại triển vọng thu nhập cao hơn cho người dân ở khu vực không có điện lưới, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành từ quý 2 năm 2018 và hoàn thành công tác bảo hành trong quý 3 năm 2019. Dự án bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực với người dân, các đơn vị sử dụng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh biên giới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân tại các địa phương trên. Tuy nhiên, quá trình sử dụng đã phát sinh một số hư hỏng thiết bị, giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống. 

 

Để kịp thời sửa chữa các hệ thống điện mặt trời thuộc Dự án QBSC UBND tỉnh đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập để kiểm định công trình, xác định nguyên nhân các hư hỏng của hệ thống; khảo sát lập phương án, dự toán sửa chữa. Thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán gói thầu tư vấn “Khảo sát thí nghiệm, đánh giá hiện trạng các điểm hư hỏng, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật mua sắm, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng thuộc dự án QBSC” và có văn bản gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, đến nay Tỉnh chưa bố trí nguồn vốn nên chưa triển khai được. Sở Công Thương sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiến hành khẩn trương các thủ tục để triển khai nhanh dự án khi được bố trí vốn.

 

Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa chỉ đạo UBND các xã theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các thôn/bản, các Tổ quản lý vận hành, các đối tượng hưởng lợi thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống theo Phương án đã được ban hành tại Quyết định số 2560/QĐ-UBND ngày 17/7/2017 của UBND tỉnh.

 

(Căn cứ Công văn số 1089/SCT-KTNL ngày 29/7/2021 của Sở Công thương về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

21. Cử tri trên địa bàn huyện Quảng Ninh đề nghị: Tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ công tác bảo vệ rừng cho các chủ rừng cộng đồng thôn, bản theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2020 vì hiện nay, nguồn vốn Dự án Phong Nha - Kẻ Bàng đã hết chi trả từ năm 2020.

 

Trả lời:

 

Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2020. Tuy nhiên hiện nay cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 đã kết thúc giai đoạn.

 

Thời gian tới, sau khi Chính phủ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (trong đó báo gồm kinh phí bảo vệ rừng) Sở Tài chính sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo quy định.

 

(Căn cứ Công văn số 2623/STC-NS ngày 02/8/2021 của Sở Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

22. Cử tri xã Duy Ninh đề nghị: Tỉnh quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan cho người dân được chọn chứng thực hợp đồng vay vốn tại UBND xã hoặc các phòng Công chứng tư nhân vì hiện nay người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp đều bắt buộc về các Văn phòng Công chứng để thực hiện chứng thực hợp đồng gây khó khăn, phiền hà và tăng thêm chi phí cho người dân.

 

Trả lời:

 

Theo quy định tại điểm a, khoản 3 điều 167 của Luật Đất đai năm 2013, khoản 1điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 thì các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở (trong đó có quyền thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn) được lựa chọn hình thức công chức tại tổ hành nghề công chức hoặc chứng thực tại UBND cấp xã nơi có bất động sản hoặc nhà ở. Đồng thời, tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch cũng quy định, UBND cấp xã có thẩm quyền thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

 

Đồng thời để thống nhất áp dụng các quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1057/UBND-NC ngày 03/7/2018 về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở. Theo các văn bản nên trên thì cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở (trong đó có quyền thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn) có quyền lựa chọn hình thức công chức tại tổ hành nghề công chức hoặc chứng thực tại UBND cấp xã nơi có bất động sản hoặc nhà ở; không có quy định nào bắt buộc là phải thực hiện công chứng tại Tổ hành nghề công chứng.

 

Việc lựa chọn công chứng hay chứng thực hợp đồng giao dịch là quyền thỏa thuận giữa Ngân hàng (bên cho vay) và cá nhân, tổ chức (bên vay vốn). Với quy định này, khi thực hiện giao dịch vay vốn tại Ngân hàng, cá nhân, tổ chức (bên vay vốn) có quyền thỏa thuận với Ngân hàng để lựa chọn chứng thực tại UBND cấp xã hoặc công chứng tại các Tổ chức hành nghề công chứng.

 

(Căn cứ công văn số 1857/STP-BTTP&BTTP ngày 04/8/2021 của Sở Tư pháp về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

23. Cử tri xã Vạn Ninh đề nghị: Tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan giải quyết vấn đề cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ từ Lệ Ninh chuyển đến sinh sống tại thôn Xuân Sơn, xã Vạn Ninh.

 

Trả lời:

 

Sau khi rà soát danh sách tiếp nhận hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân đề nghị thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận tại liên quan đến các hộ từ Lệ Ninh chuyển đến sinh sống tại thôn Xuân Sơn, xã Vạn Ninh cho thấy: Đến nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Quảng Ninh hiện chưa tiếp nhận hồ sơ nào liên quan theo nội dung phản ánh trên của cử tri.

 

Việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này người dân vẫn thực hiện thủ tục bình thường, không bị ảnh hưởng do có thay đổi địa giới hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến cử tri để chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thuận lợi cho người dân.

 

(Căn cứ Báo cáo số 112/BC-STNMT ngày 02/8/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

TTT

Các tin khác