Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2265

  • Tổng 2.778.528

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Trạch trước Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

14:57, Thứ Năm, 12-3-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Trạch trước Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

1. Cử tri phản ánh: Hiện nay, xã Quảng Đông chưa có khu neo đậu tàu, thuyền, bến cảng cá. Đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng.

Trả lời:

Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Đông đã được tỉnh, huyện cấp phép xây dựng bến cá của Công ty Phước Thịnh, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu hậu cần nghề cá tại địa phương. Còn việc cử tri phản ánh chưa có khu neo đậu tàu thuyền, UBND huyện tiếp thu và chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh.

(Căn cứ Công văn số 1210/UBND-VP ngày 27/11/2019 của UBND huyện Quảng Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

2. Cử tri phản ánh: Hiện nay, có nhiều tàu dã cào khai thác hải sản trái phép gần bờ (cách bờ 12 hải lý) và tàu của các tỉnh khác đánh bắt trên địa bàn xã Quảng Đông. Đề nghị tỉnh chỉ đạo, kiểm soát và xử lý.

Trả lời:

Nội dung phản ánh của cử tri là đúng và phù hợp với thông tin Sở đã nắm được, tại vùng biển ven bờ trên toàn tỉnh (trong đó có xã Quảng Đông huyện Quảng Trạch) vẫn còn tình trạng tàu giã cào đôi ngoại tỉnh, chủ yếu của tỉnh Quảng Ngãi khai thác thuỷ sản trái phép; phương thức hoạt động của các đối tượng là thường khai thác vào ban đêm, tại khu vực giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh đã vi phạm quy định tại Luật Thuỷ sản 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hoạt động khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa đã phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã ký biên bản thống nhất việc phân chia ranh giới để thực hiện quản lý hoạt động thuỷ sản tại vùng biển ven bờ theo nguyên tắc ranh giới là đoạn thẳng đi qua hai điểm được xác định gồm Điểm 1 là điểm cuối cùng (điểm sát biển) trên đường phân chia địa giới hành chính giữa hai địa phương liền kề và Điểm 2 là điểm cắt giữa Tuyến bờ với đường thẳng đi qua Điểm 1 và song song với đường phân chia ranh giới khai thác thuỷ sản giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Nhưng với trách nhiệm là đơn vị quản lý chuyên ngành, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong vùng nước đã phân cấp do UBND cấp huyện quản lý, nhất là tàu giã cào ngoại tỉnh khai thác thuỷ sản. Trong năm 2019, Chi cục đã tổ chức 08 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử phạt 32 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 265 triệu đồng, trong đó có 08 tàu giã cào Quảng Ngãi khai thác thuỷ sản trái phép tại vùng biển ven bờ, xử phạt 192 triệu đồng. Tuy nhiên tình trạng trên vẫn còn, do vậy, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Thông báo số 3944/TB-VPUBND ngày 25/10/2019 để chỉ đạo UBND cấp huyện nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời và phối hợp với lực lượng Biên phòng, thanh tra chuyên ngành đấu tranh quyết liệt đối với tàu giã cào ngoại tỉnh khai thác thuỷ sản sai vùng trên địa bàn quản lý. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản phối hợp với các UBND cấp huyện, lực lượng Biên phòng để kiểm tra, xử lý vi phạm đánh bắt thuỷ sản trái phép và đề nghị UBND cấp huyện quyết liệt hơn nữa trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác thuỷ sản trên địa bàn theo phân cấp.

(Căn cứ Công văn số 2877/SNN-KHTC ngày 26/11/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

3. Cử tri xã Quảng Đông có ý kiến: Khung giá đền bù đất nông nghiệp hiện nay còn thấp. Đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh để có đền bù hợp lý, giảm chênh lệch giữa khung giá đất ở và đất nông nghiệp.

Trả lời:

Căn cứ vào Khung giá đất do Chính phủ ban hành, định kỳ 5 năm một lần, UBND tỉnh ban hành Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đang áp dụng Bảng giá đất giai đoạn 2014 - 2019 theo Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh. Bảng giá các loại đất làm căn cứ cho việc:

- Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;
- Tính thuế sử dụng đất;
- Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;
- Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
- Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;
- Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Các trường hợp còn lại như tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất; công nhận, chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức của hộ gia đình, cá nhân; tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng thì UBND tỉnh, UBND huyện theo phân cấp quyết định giá đất cụ thể cho từng trường hợp để thực hiện.

Do vậy, việc xác định giá đền bù đất nông nghiệp được xác định theo giá đất cụ thể cho từng trường hợp và theo chính sách bồi thường, hỗ trợ của tỉnh. Hiện nay, chính sách hỗ trợ bồi thường đất nông nghiệp bằng tối đa 5 lần giá đất nông nghiệp và các hình thức hỗ trợ khác (theo quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 13/9/2018 của UBND tỉnh Ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình).

Năm 2020, UBND tỉnh sẽ ban hành Bảng giá đất cho giai đoạn 2020 - 2025, theo đó giá đất có sự điều chỉnh tăng lên tại các địa phương để phù hợp với giai đoạn tiếp theo.

(Căn cứ Công văn số 3938/STC-GCS ngày 26/11/2019 của Sở Tài chính về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

4. Cử tri xã Quảng Phú phản ánh: Dự án của Công ty TNHH Anh Trang tại xã Quảng Phú và nhiều dự án chậm thực hiện khác hiện nay chưa được xử lý dứt điểm, đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra khắc phục.

Trả lời:

Dự án Nhà máy luyện gang và sản xuất phôi thép tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch do Công ty TNHH Anh Trang làm chủ đầu tư được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 29/3/2008, điều chỉnh lần thứ nhất ngày 07/10/2013 và điều chỉnh lần thứ hai ngày 14/10/2014. Dự án có quy mô luyện gang và sản xuất phôi thép với công suất 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư là 1.468 tỷ đồng. Thời gian hoạt động nhà máy là 30 năm. Tiến độ dự án đi vào hoạt động Quý II năm 2009 và được điều chỉnh lại là đi vào hoạt động trong Quý IV năm 2015.

Dự án được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 2896/QĐ-UBND ngày 11/11/2008 với diện tích là 28,7 ha. Dự án khởi công từ tháng 5/2009, đến nay vẫn chưa hoàn thành, chậm 48 tháng so với tiến độ cam kết (theo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất). Theo báo cáo của Công ty TNHH Anh Trang, dự án đã giải ngân 316,4 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng mức đầu tư, dự án đã tạm ngừng việc xây dựng từ năm 2015.


Ngân hàng phát triển Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình là đơn vị cho vay vốn đối với dự án này. Do không thu hồi được vốn vay và lãi từ dự án này theo điều khoản tại hợp đồng tín dụng, vì vậy Ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa án.

Ngày 07/6/2018, Tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 06/2018/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Công ty TNHH Anh Trang phải trả hết nợ vay (gốc, lãi) cho NHPT Việt Nam chậm nhất đến ngày 31/8/2018. Tuy nhiên hết thời hạn trên Công ty TNHH Anh Trang không trả được nợ gốc và lãi. Đến nay, Chi cục thi hành án huyện Quảng Trạch đã thống kê kiểm điểm, áp giá tài sản và đang tổ chức bán đấu giá tài sản của dự án.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 351/VPUBND-TH ngày 20/3/2019, theo đó Ban Quản lý Khu kinh tế đã có Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án tại Quyết định số 1332/QĐ-QLĐT ngày 29/10/2019. Đối với phần đất, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cấp có thẩm quyền để thu hồi đất.

 

(Căn cứ Công văn số 1518/BC-QLĐT ngày 29/11/2019 của Ban Quản lý Khu kinh tế về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

5. Cử tri xã Quảng Kim phản ánh: Trên tuyến đường liên xã Quảng Phú - Quảng Kim - Quảng Hợp có cầu Sông Thai, hiện nay cầu rất yếu, gây mất an toàn cho người dân, đề nghị tỉnh đầu tư kinh phí để nâng cấp cầu.

Trả lời:

Tuyến đường 558B từ xã Quảng Phú đến xã Quảng Hợp (Tuyến đường Quảng Phú - Quảng Kim - Quảng Hợp) được nâng cấp thành đường Tỉnh lộ (Đường tỉnh 558B) do Sở Giao thông vận tải Quảng Bình quản lý theo phân cấp tại Quyết định số 645/QĐ-UBND ngày 16/3/2015 của UBND tỉnh Quảng Bình với tổng chiều dài 21 km. Đây là tuyến đường quan trọng nối liền các xã vùng Roòn huyện Quảng Trạch với các xã vùng Đông Bắc huyện Tuyên Hóa. Năm 2014, tuyến đường được xây dựng nâng cấp bằng nguồn vốn thuộc Dự án GTNT3, dự án đã được cứng hoá, láng nhựa hơn 12,9 km, nâng cấp bằng cấp phối 03 km. Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt cho phép sửa chữa cầu Sông Thai nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua cầu. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt cho phép triển khai nâng cấp mặt đường đoạn tuyến còn lại thuộc địa bàn xã Quảng Hợp tại Quyết định số 3732/QĐ-UBND ngày 30/10/2018, dự kiến đoạn tuyến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I năm 2020. Hàng năm, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty Cổ phần Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp II Quảng Bình thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ các hạng mục giao thông trên tuyến. Do thời gian sử dụng công trình qua nhiều năm, quy mô, kết cấu của một số hạng mục công trình giao thông trên tuyến không đáp ứng được mật độ ngày càng gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông, đã làm hư hỏng, xuống cấp một số hạng mục giao thông trên tuyến, đặc biệt tình trạng xuống cấp đoạn đường từ xã Quảng Phú đi Quảng Kim, một số hạng mục cầu Sông Thai, vấn đề này cử tri các xã Quảng Phú, Quảng Kim, Quảng Hợp đã có nhiều ý kiến, kiến nghị tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri HĐND các cấp.

Để đảm bảo ATGT cho người và các phương tiện lưu thông trên tuyến, UBND huyện đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải kiểm tra, khắc phục về tình trạng xuống cấp của cầu Sông Thai, cũng như nền, mặt đường một số đoạn trên tuyến tại Công văn số 632/UBND-KT&HT ngày 03/7/2019. Sau khi kiểm tra và xem xét các nội dung, Sở Giao thông vận tải Quảng Bình đã có Công văn số 1813/SGTVT-KCHT ngày 15/7/2019 phúc đáp và đánh giá hiện trạng cầu Sông Thai vẫn khai thác, sử dụng bình thường; đối với các hư hỏng mặt đường Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ triển khai khắc phục xong nhằm đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt, phục vụ nhân dân đi lại êm thuận.

Để đầu tư xây dựng cầu mới, xử lý triệt để toàn bộ hư hỏng, lún, lõm mặt đường cần khoảng kinh phí rất lớn, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện khó khăn nên chưa thể bố trí vốn đầu tư. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đề xuất UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải ưu tiên từ các dự án, nguồn hỗ trợ từ cấp trên để đầu tư xây dựng nâng cấp cầu, cũng như các đoạn tuyến bị xuống cấp, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

(Căn cứ Công văn số 1210/UBND-VP ngày 27/11/2019 của UBND huyện Quảng Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

6. Cử tri Tưởng Văn Hữu, xã Quảng Tùng có ý kiến: Mẹ tôi, Tưởng Thị Diệu trước đây vì có thành tích trong kháng chiến đã được UBND tỉnh tặng bằng khen (đối với tập thể), thực hiện Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…”, gia đình có làm chế độ cho mẹ nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết.

Trả lời:

Tại Điều 1, Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Đối tượng áp dụng và phạm vi Điều chỉnh, cụ thể như sau:“Quyết định này quy định mức trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (gọi chung là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ) hoặc Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bằng khen của cấp bộ), Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Bằng khen của cấp tỉnh)”.

Theo đó, hiện chỉ giải quyết cho cá nhân có thành tích trong kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp Bộ hoặc Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Chưa có quy định giải quyết chế độ trợ cấp Bằng khen kháng chiến đối với tập thể như ý kiến cử tri đề nghị.

(Căn cứ Công văn số 1784/SLĐTBXH-NCC ngày 27/11/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

7. Cử tri Lê Khắc Thấm, Phạm Hồng Thanh, xã Quảng Phú: Đề nghị tỉnh rà soát lại các đối tượng được hưởng chế độ thương binh, chất độc hóa học có dấu hiệu giả hồ sơ trên địa bàn xã Quảng Phú và huyện Quảng Trạch.

Trả lời:

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các địa phương về thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; ngoài ra còn phối hợp với liên ngành, các địa phương và thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất theo sự vụ, sự việc có liên quan. Qua đó, đã phát hiện và quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi đối với các đối tượng man khai, làm giả hồ sơ người có công để hưởng không đúng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra, rà soát chính sách người có công theo thẩm quyền.

Ngày 26/02/2013, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 829/QĐ-SLĐTBXH về việc thanh tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. Kết quả quá trình thanh tra tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đã phát hiện có 12 trường hợp khai man hồ sơ để hưởng chế độ thương binh và 22 trường hợp khai man hồ sơ để hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và đã xử lý đình chỉ theo quy định của pháp luật.

Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch và đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một số xã, phường, thị trấn về thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công thuộc huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch; thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch và thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp do người dân phát hiện tố cáo. Hiện đang trong quá trình xử lý các đối tượng man khai, làm giả hồ sơ người có công để hưởng không đúng chế độ ưu đãi của Nhà nước qua kết quả thanh tra theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các địa phương tăng cường tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, địa bàn xã Quảng Phú nói riêng. Đồng thời đề nghị cử tri xã Quảng Phú phản ánh cụ thể các đối tượng hưởng chế độ thương binh, chất độc hóa học có dấu hiệu giả hồ sơ trên địa bàn xã Quảng Phú và huyện Quảng Trạch về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch để xem xét, giải quyết.

(Căn cứ Công văn số 1784/SLĐTBXH-NCC ngày 27/11/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

8. Cử tri xã Quảng Đông: Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ, tăng mức trợ cấp cho người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa để đảm bảo đời sống tối thiểu cho đối tượng này.

Trả lời:

Hiện nay, việc giải quyết chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi được thực hiện theo Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 năm 2009 và Nghị định số 136/2011/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo neo đơn, không nơi nương tựa được tính theo mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP nhân với hệ số quy định tại Điều 6 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo neo đơn, không nơi nương tựa hiện nay vẫn còn thấp, chưa đảm bảo đời sống tối thiểu đối với người cao tuổi và ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ, tăng mức trợ cấp cho người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa của cử tri là chính đáng. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế của tỉnh ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách địa phương thu không đủ bù chi. Vì vậy, hiện nay tỉnh chưa có khả năng đảm bảo được kinh phí để điều chỉnh tăng thêm so với mức trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, tổng hợp đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế chính sách trợ giúp xã hội nhằm từng bước nâng cao mức sống đối với đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng và đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

(Căn cứ Công văn số 1784/SLĐTBXH-NCC ngày 27/11/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

9. Cử tri xã Quảng Kim có ý kiến: Chế độ đãi ngộ cho người có công theo huân, huy chương hiện nay chưa phù hợp (huân, huy chương hạng nhất có chế độ như huân, huy chương hạng ba). Đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ.

Trả lời:

Hiện nay, theo Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/07/2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng thì người hoạt động kháng chiến được tính trợ cấp một lần: Mức 120.000 đồng/1 thâm niên (trợ cấp tính theo thâm niên kháng chiến).

Như vậy, trợ cấp một lần cho người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương tại quy định nêu trên với mức 120.000 đồng/năm theo số năm hoạt động của người tham gia kháng chiến. Không tính như nhau giữa Huân chương, Huy chương các hạng như cử tri phản ánh.

(Căn cứ Công văn số 1784/SLĐTBXH-NCC ngày 27/11/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

10. Cử tri Ngô Minh Trọng, xã Quảng Thanh, Lê Khắc Thấm xã Quảng Phú: Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, kéo dài thời gian hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, vì hiện nay, nhiều người có công nhà đã xuống cấp nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ.

Trả lời:

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng được thực hiện theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 27/6/2019, việc thực hiện Chương trình sẽ phải kết thúc trong năm 2019. Vì vậy, tỉnh Quảng Bình cũng như các địa phương khác trong cả nước phải thực hiện việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho số đối tượng người có công đã được phê duyệt trong đề án hoàn thành trong năm 2019.

Đối với các địa phương còn nhiều đối tượng người có công có nhà ở xuống cấp thì nếu đối tượng thuộc Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt thì các địa phương sẽ thực hiện việc hỗ trợ hoàn thành trong năm 2019. Trường hợp đối tượng chưa có tên trong Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt thì thực hiện theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ và Công văn số 1614/UBND ngày 01/9/2017 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP, trong đó yêu cầu: đối với các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng nằm ngoài Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt thì UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, cân đối ngân sách cấp huyện và các nguồn khác để hỗ trợ. Chính phủ không có chủ trương cho bổ sung đối tượng nằm ngoài Đề án được phê duyệt.

(Căn cứ Công văn số 4356/SXD-QLN ngày 27/11/2019 của Sở Xây dựng về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

11. Cử tri Ngô Minh Trọng, xã Quảng Thanh có ý kiến: Thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển có hiệu lực trong 02 năm, kết thúc vào ngày 31/12/2019, trường hợp các hộ dân đã mua thẻ Bảo hiểm tự nguyện trước đó, đề nghị tỉnh cho kéo dài thời gian hưởng Bảo hiểm y tế qua ngày 31/12/2019 để đảm bảo đủ 02 năm được hưởng.

Trả lời:

Căn cứ khoản 1, Điều 1, Quyết định số 2124/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 về việc Phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” quy định: Thời gian hưởng BHYT tối đa 24 tháng tính từ ngày mua BHYT, nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2019 ”.

Đối chiếu với quy định nêu trên, thời gian hỗ trợ BHYT cho người bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tối đa 24 tháng tính từ ngày hỗ trợ mua BHYT, và thời gian hỗ trợ tối đa không quá ngày 31 tháng 12 năm 2019.

(Căn cứ Công văn số 1746/BHXH-CST ngày 26/11/2019 của Bảo hiểm xã hôi tỉnh về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

12. Cử tri Ngô Minh Trọng, xã Quảng Thanh có ý kiến: Năm 2019, thực hiện chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, con em một số xã vùng biển trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã đăng ký và tham gia các lớp đào tạo. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng cuối năm 2019 học viên sẽ không được hỗ trợ thanh toán các chế độ liên quan, đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra làm rõ.

Trả lời:

Căn cứ Điểm a, Khoản 2, Mục III, Phần D, Điều 1 tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế quy định gian hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp đối với đối tượng: Người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, tối đa 02 năm học (2016 - 2017; 2017 - 2018).

Theo nội dung hướng dẫn tại Công văn số 3807/STC-NS ngày 15/11/2019 của Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình trả lời Công văn số 1578/SLĐTBXH-GDNN của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Điểm 3 Điều 1 Quyết định số 2124/QĐ-TTg ngày 28/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ: Tối đa 24 tháng nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Đối chiếu với ý kiến của cử tri Nguyễn Minh Trọng thì các lao động tham gia đào tạo nghề ngắn hạn do ảnh hưởng sự cố môi trường biển đã hoàn thành khóa học trong năm 2019, được hỗ trợ các chế độ liên quan, nhưng không quá ngày 31/12/2019.

(Căn cứ Công văn số 1210/UBND-VP ngày 27/11/2019 của UBND huyện Quảng Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)


13. Cử tri xã Quảng Thanh tiếp tục phản ánh: Cống dẫn nước qua quốc lộ 12A phục vụ tưới tiêu cho diện tích 35 ha đất lúa của cánh đồng Sau thuộc chòm 2, thôn Thanh Sơn, hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, lưu lượng nước qua cống không đáp ứng phục vụ tưới tiêu, đề nghị Sở Giao thông - Vận tải, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi kiểm tra khắc phục, sửa chữa.

Trả lời:

Tại vị trí Km6+500 trên Quốc lộ 12A được thiết kế và xây dựng cống hộp (0,75x0,75)m bằng BTCT với chiều dài 14m, cống được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2005, đến nay vẫn đang trong tình trạng thoát nước tốt. Riêng đối với hệ thống mương thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu cho cho khu vực nội đồng nói trên được địa phương đầu tư xây dựng từ năm 2007 với kích thước mương (0,4x0,5)m và đấu nối vào cống hộp tại Km6+500 để dẫn nước từ Tiên Lang qua Quốc lộ 12A về thôn Thanh Sơn; cao độ đáy mương được xây dựng cao hơn so với cao độ đáy cống 0,2m (về cả hai phía thượng và hạ lưu); trong quá trình khai thác, hệ thống mương thuỷ lợi không được nạo vét làm cho bùn, rác lắng đọng dẫn đến hạn chế dòng chảy. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ tiến hành nạo vét lòng cống, hốt bùn đất lắng đọng trong lòng cống; đối với tuyến kênh mương, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị, bộ phận quản lý kênh mương nội đồng thường xuyên tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy để đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho bà con sản xuất vụ mùa.

(Căn cứ Công văn số 3239/SGTVT-KHTH ngày 26/11/2019 của Sở Giao thông Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

14. Cử tri xã Cảnh Dương, Quảng Phú tiếp tục đề nghị tỉnh, cơ quan chức năng liên quan (Sở Nông nghiệp và PTNT) quan tâm đầu tư, nạo vét âu thuyền tại xã Quảng Phú để đảm bảo việc neo đậu, tránh trú bão cho các tàu, thuyền trong mùa mưa bão.

Trả lời:

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Roòn tại xã Quảng Phú được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 11/2017 với quy mô đảm bảo neo đậu tránh trú bão cho 282 tàu thuyền có công suất 200CV, trong đó: Loại tàu có công suất từ 150÷200CV: 20 chiếc (cao độ nạo vét -3,2m); loại tàu có công suất từ 90÷150CV: 74 chiếc (cao độ nạo vét -2,9m); lLoại tàu có công suất <90CV: 188 chiếc (cao độ nạo vét -2,4m). Theo đó, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Roòn đáp ứng cho tàu, thuyền có công suất từ ≤200CV, tương ứng với loại tàu có chiều dài ≤24m, mớn nước chạy tàu ≤2,0m ra, vào tránh trú bão. Tuy nhiên, do luồng vào tại khu vực cửa sông Roòn trong những năm qua bị bồi lấp nghiêm trọng nên việc đi lại của tàu, thuyền qua khu vực này để vào khu neo đậu rất khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Thực hiện Quyết định số 476/QĐ-TTg ngày 01/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” tại 04 tỉnh miền Trung sử dụng khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh; theo đề xuất của UBND huyện Quảng Trạch, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3569/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư các dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trong đó đã bố trí kinh phí để thực hiện dự án Nạo vét khu vực cửa sông Roòn, thời gian hoàn thành trong năm 2020. Như vậy, việc tàu thuyền ra, vào tránh trú bão tại Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Roòn, xã Quảng Phú sẽ thuận lợi hơn khi dự án Nạo vét khu vực cửa sông Roòn hoàn thành.

(Căn cứ Công văn số 2877/SNN-KHTC ngày 26/11/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)

CB (Văn phòng HĐND tỉnh)
 

Các tin khác