Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 2144

  • Tổng 2.844.064

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Tuyên Hóa trước kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh khóa XVIII

10:14, Thứ Ba, 28-9-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Tuyên Hóa trước kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

  1. Cử tri xã Thuận Hóa kiến nghị: Tuyến đường từ thị trấn Đồng Lê đi Thuận Hóa được đầu tư xây dựng vào năm 2020; tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai vào tháng 10 năm 2020 công trình đã dừng khởi công, hiện tại đang còn khoảng 100m chưa được xây dựng nên việc đi lại qua đoạn đường này rất khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng và đơn vị thi công xem xét tiếp tục xây dựng để hoàn thành thuận tiện cho bà con đi lại, nhất là mùa mưa lũ sắp tới.

Trả lời:

Tuyến đường mà cử tri kiến nghị ở trên thuộc công trình Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường nối QL.12C đi Bến đò Thuận Tiến xã Thuận Hóa thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa. Trong quá trình triển khai thi công, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu các cơn bão từ ngày 06-25/10/2020 đã gây thiệt hại lớn; vì vậy, Sở GTVT Quảng Bình đã có Văn bản báo cáo UBND tỉnh và đề nghị bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục. Ngày 24/12/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp liên ngành vào ngày 06/01/2021; theo nội dung cuộc họp, do ảnh hưởng của mưa bão đã gây sạt lở tuyến đường, gây ách tắc giao thông, cần thiết phải chỉnh tuyến về phía taluy dương để đảm bảo ATGT. Trong điều kiện nguồn vốn bảo trì đường bộ đã phân bổ hết, Hội đồng thống nhất đề nghị UBND tỉnh bố trí từ nguồn vốn khắc phục bão lụt hoặc nguồn dự phòng; UBND huyện Tuyên Hóa chịu trách nhiệm thực hiện công tác GPMB để điều chỉnh phương án tuyến. UBND tỉnh đã cho phép Sở GTVT triển khai các thủ tục điều chỉnh BCKTKT công trình và giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn bổ sung để kịp thời xử lý ngay đoạn sạt lở, đảm bảo thông tuyến. Hiện tại, UBND huyện Tuyên Hóa đã thống nhất được với các hộ dân có liên quan về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ngày 06/7/2021, Sở GTVT đã có Văn bản số 1783/SGTVT-KHTH gửi Sở Tài chính đề nghị xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để phê duyệt điều chỉnh BCKTKT công trình, sớm xử lý, khắc phục các thiệt hại và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân nhưng đến nay công trình vẫn chưa được bố trí vốn. Kính đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét, giải quyết; sau khi công trình được bố trí vốn, Sở GTVT sẽ thực hiện các thủ tục điều chỉnh BCKTKT và triển khai thi công hoàn thành tuyến đường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con nhân dân như kiến nghị của cử tri.

 

(Căn cứ Công văn số 2132/SGTVT-KHTH ngày 02/8/2021 của Sở GTVT về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Cử tri xã Đức Hóa đề nghị:  Tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công công trình "Dự án kè chống sạt lỡ sông Gianh đoạn qua xã Đức Hóa” nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

 

Trả lời:

Đây là công trình có giải pháp thiết kế thi công phức tạp, thủ tục phê duyệt thẩm định qua nhiều khâu, nhiều bước. Qua đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, diễn biến địa hình, xói lở ở phạm vi lòng sông chân công trình thay đổi, phải điều chỉnh giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo ổn định cho công trình. Tuy nhiên, theo quy định thời gian thực hiện Dự án chỉ đến 31/12/2020, phải chờ Thủ tướng cho phép kéo dài mới thực hiện được các bước tiếp theo. Ngày 11/6/2021, Thủ tướng mới đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Dự án. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang tích cực đôn đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm triển khai thi công công trình trước mùa mưa lũ chính vụ năm 2021 góp phần giảm thiểu nguy cơ sạt lở, trượt mái kè. Dự kiến sẽ thi công cơ bản hoàn thành toàn bộ công trình đầu năm 2022.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Cử tri xã Hương Hóa có ý kiến: sông Rào Bội (từ nhà anh Đôn chị Lam) xuống cầu tràn, hiện nay đã bị xói lở vào sau hội trường UBND xã và sát với 20 hộ dân ở dọc bờ sông, ảnh hưởng đời sống của bà con. Đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo cơ quan chức năng làm kè chống xói lở để nhân dân yên tâm sinh sống.

 

Trả lời:

 

Sông Rào Bội đoạn cử tri có ý kiến như trên hiện nay bị xói lở khoảng trên 700m, ảnh hưởng đến 50 hộ dân với trên 150 nhân khẩu, trụ sở làm việc của UBND xã, trưởng Tiểu học và tuyến đường trung tâm của xã. Qua đợt lũ tháng 10/2020 xói lở xảy ra nghiêm trọng, UBND xã phải tạm thời đổ đá để khắc phục, 7 hộ dân phải đi sơ tán. Trước mắt đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa có các giải pháp gia cố để tạm thời đảm bảo hạn chế tối đa mức sạt lở bờ sông. Về lâu dài kính đề nghị UNBD tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng gia cố bờ sông đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Tình hình khai thác cát sạn trên sông Gianh gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông. Đặc biệt kè chống xói lở hai bên bờ sông thuộc xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa đã bị hư hỏng nặng. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và thu hồi giấy phép các công ty khai thác cát, sạn dòng sông Gianh không thực hiện đúng quy định và dừng cấp phép đối với các đơn vị mới khai thác mỏ cát sạn; Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng kè chống xói lở tại thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa và thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa.

 

Trả lời:

 

Kè chống sạt lở hai bên bờ sông thuộc xã Văn Hóa, xã Tiến Hóa, xã Châu Hóa đã và đang xuống cấp, hư hỏng là đúng thực tế, hiện tượng này đã xảy ra từ trước từ trước khi cấp phép khai thác cát và theo thời gian việc hư hỏng ngày càng tăng. Đặc biệt là sau trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã gây sạt lở hầu hết bờ sông Gianh đoạn qua Tuyên Hóa. Tuy nhiên tại các vị trí đã cấp phép khai thác cát bờ sông tiếp tục được bồi lắng thêm sau lũ, nhiều đoạn hư hỏng không nằm trong vị trí đối diện các mỏ cát được cấp phép khai thác. Kết quả kiểm tra của các Đoàn kiểm tra liên ngành thì bờ sông tại các vị trí được cấp phép khai thác chưa bị sạt lở do khai thác cát gây ra sau khi được cấp phép. Các đơn vị được UBND tỉnh cấp phép cơ bản đều chấp hành tương đối tốt công tác bảo vệ môi trường, hoạt động khai thác cát lòng sông cơ bản đúng theo quy định của Luật Khoáng sản và Giấy phép khai thác. Dù vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót nhưng những vi phạm này chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật để thu hồi Giấy phép khai thác đã cấp.

 

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở TNMT sẽ tiến hành đánh giá chính xác thực trạng và nguy cơ gây sạt lở bờ sông, tham vấn kĩ ý kiến cộng đồng để cương quyết đề xuất cấp có thẩm quyền không đưa vào quy hoạch, không tham mưu cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông mới tại các vị trí có  nguy cơ gây sạt lỡ bờ sông; tổ chức tốt hơn nữa trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị  được cấp phép khai thác; trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật gây sạt lở hoặc tạo nguy cơ gây sạt lở bờ sông sẽ kịp thời đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép theo quy định. Hiện nay việc khai thác cát lòng sông trái phép đã được kiềm chế do các ngành chức năng đã quan tâm tăng cường kiểm tra xử lý. Tuy nhiên việc khai thác trái phép vẫn diễn ra chủ yếu từ các hộ dân sinh sống bằng nghề sông nước công việc không ổn định nên phát sinh khai thác cát trái phép và thực hiện khai thác ở các khu vực dễ gây nguy cơ sạt lở bờ sông. Đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa, UBND các xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa tăng cường công tác kiểm tra để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép; giám sát việc chấp hành pháp luật trong trong hoạt động khai thác cát của các công ty để phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác của các đơn vị đã được cấp phép.

 

 Về nội dung đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục, sửa chữa kè chống sạt lở tại thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa và thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa thuộc lĩnh vực quản lý của Sở NN và PTNT kiểm tra, đánh giá thực tế tình trạng hư hỏng, xuống cấp để kịp thời có phương án báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

 

(Căn cứ Công văn số 112/BC-STNMT ngày 02/8/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

5. Cử tri xã Châu Hóa kiến nghị: Công ty Linh Thành Group có dự án xây dựng nhà máy bột đá chất lượng cao tại thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa. Nhà máy bắt đầu triển khai giải phóng và san lấp mặt bằng từ năm 2009. Đến nay đã hơn 10 năm, dự án chưa triển khai thực hiện nhưng đã gây sạt lở, vùi lấp đất sản xuất, hệ thống thủy lợi và gây ô nhiễm môi trường sống của bà con nhân dân. Đề nghị Tỉnh thu hồi dự án và bàn giao đất cho người dân sản xuất.

 

Trả lời:

 

Qua các lần được UBND tỉnh gia hạn sử dụng đất, đến ngày 01/7/2016 Công ty Linh Thành vẫn chưa hoàn thành dự án để đưa vào sử dụng. UBND tỉnh đã tiếp tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư cho Công ty đến hết ngày 30/6/2018; Đồng thời có Công văn thông báo đến hạn vẫn chưa hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, UBND tỉnh sẽ thu hồi đất theo đúng quy định. Đến nay Công ty mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng khu đất thực hiện dự án với khối lượng khoảng 90% khối lượng của hạng mục; thi công tuyến đường vào dự án với khối lượng khoảng 70% khối lượng của hạng mục; các hạng mục chính của dự án chưa thực hiện. Sở TN và MT phối hợp với Sở KH và Đầu tư, Cục Thuế, UBND xã Châu Hóa kiểm tra, đã đôn đốc nhiều lần để yêu cầu Công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã có giải trình với UBND tỉnh và các sở ban ngành vì đại dịch Covid-19 chưa kết thúc nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện đúng tiến độ (toàn bộ thiết bị của dự án được nhập từ Ý; tuy nhiên do đại dịch nên chưa thể nhập thiết bị. Nhà thầu chính của dự án là Hàn Quốc Posco nhưng với tình hình hiện nay chưa thể giải quyết việc đi lại cho các doanh nghiệp giữa 2 nước). Công ty cam kết trong năm 2021 khi Việt Nam tháo bỏ lệnh phong tỏa không hạn chế người nước ngoài nhập cảnh phải cách ly thì nhà máy bắt đầu xây dựng và sẽ hoàn thành  nhà xưởng, hạ tầng nhà máy. Do phát sinh nguyên nhân bất khả kháng nên chưa đủ căn cứ để thu hồi đất của Công ty theo như kiến nghị của cử tri. Sở TN và MT sẽ tiếp tục theo dõi và kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý thu hồi đất nếu công ty tiếp tục chậm triển khai đầu tư, chậm tiến độ và thực sự không có năng lực tài chính để đầu tư theo đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Mặt khác, diện tịch đất đã cho công ty thuê nếu Nhà nước thu hồi đất thì diện tích đất được thu hồi không thực hiện giao cho dân sản xuất được. Bởi vì theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý công sản thì diện tích đất này nhà nước đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ đân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án. Nay dự án không hoạt động nhà nước quản lý quỹ đất để làm mặt bằng tổ chức đấu giá theo các mục đích sử dụng khác phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt. Do đó, nội dung cử tri kiến nghị giao diện tích đất thu hồi của công ty (khi UBND tỉnh có Quyết định thu hồi đất) cho dân sản xuất là không có cơ sở.

 

(Căn cứ Công văn số 112/BC-STNMT ngày 02/8/2021của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

6. Cử tri xã Châu Hóa có ý kiến: vụ Đông Xuân năm 2020-2021 công ty Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng giống ngô cho bà con nhân dân không đảm bảo chất lượng. Khi ngô sinh trưởng có rất nhiều bắp nhưng không có hạt, phải cắt bỏ cây cho bò ăn. Đề nghị Tỉnh xem xét đề nghị Công ty có chính sách hỗ trợ cho người dân đã mua ngô giống của Công ty.

 

Trả lời:

 

Vụ Đông Xuân 2020-2021, Công ty đã cung cấp cho xã Châu Hóa 1 số lượng và chủng loại giống có hợp đồng, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng, hóa đơn bán hàng, biên bản giao hàng kèm theo; trong đó không có giống ngô như bà con nhân dân xã đã nêu. Như vậy, ý kiến nói giống ngô do Công ty cung cấp là vô căn cứ và không có sơ sở.

 

Trên thực tế, tại xã Châu Hóa và một số xã trên địa bàn huyện Tuyên Hóa cán bộ xã có liên hệ mua một số giống cây trồng bên ngoài không qua Công ty về bán cho bà con nông dân sản xuất, kết quả chất lượng không đảm bảo để lại hậu quả nghiêm trọng trong sản xuất. Công ty đề nghị HĐND, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý liên quan xác minh lại thông tin, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác cung ứng giống cho nông dân không đảm bảo chất lượng nhằm trả lời xác đáng cho bà con cử tri.

 

(Căn cứ Công văn số 45/QĐ-QSC ngày 02/8/2021 của Công ty TNHHMTV giống cây trồng Quảng Bình về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

7. Cử tri huyện Tuyên Hóa nói riêng và cử tri các huyện trên địa bàn tỉnh nói chung đề nghị: Tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT quan tâm hỗ trợ cho các hộ gia đình có bò bị chết do viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, nhằm giúp nhân dân sớm tái đàn bò lai, phục hồi sản xuất.

 

Trả lời:

 

Để hỗ trợ các gia đình có bò bị chết do viêm da nổi cục, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và Thú y rà soát số lượng  gia súc phải tiêu hủy bắt buộc. Sở đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ cho người nuôi gia súc buộc phải tiêu hủy do bệnh VDNC trong đó có huyện Tuyên Hóa theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để phục hồi sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên đến nay Bộ NN và PTNT, bộ Tài chính chưa xây dựng, trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh VDNC nên UBND tỉnh chưa có căn cứ để thực hiện. Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh, sở Tài chính xem xét để sớm hỗ trợ cho người chăn nuôi.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

8. Cử tri xã Sơn Hóa đề nghị: Tỉnh quan tâm, đề xuất cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét gia hạn thẻ bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác đối với xã đặc biệt khó khăn đến hết năm 2021.

 

Trả lời:

 

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực I,II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì Quảng Bình chỉ có 11 xã được công nhận, giảm 29 xã so với giai đoạn 2016-2020 trong đó có xã Sơn Hóa không nằm trong danh sách. Và theo quy định thì trong giai đoạn 2021-2026 người dân sinh sống trong khu vực không có tên trong danh sách trên sẽ không tiếp tục được ngân sách nhà nước đóng 100% kinh phí tham gia BHYT theo diện người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nữa. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân tại 29 xã không tiếp tục được công nhận thuộc khu vực III, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành hữu quan, thống nhất đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí ngân sách nhà nước để tiếp tục hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người dân của 29 xã đến hết năm 2021. BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn 2236/BHXH-CST ngày 27/7/2021 về việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chính sách để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã không được tiếp tục công nhận là khu vực II, III trong gia đoạn 2021-2026. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục công tác cấp, gia hạn thẻ BHYT theo đúng quy định.

 

(Căn cứ Công văn 1335/BHXH-VP ngày 30/7/2021 của Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

9. Cử tri xã Thuận Hóa có ý kiến: tuyến đường ống nước sinh hoạt đi thôn Xuân Canh thuộc Công ty cổ phần cấp thoát nước Quảng Bình quản lý, tuy nhiên khi thất thoát đường ống dẫn, Công ty yêu cầu người dân sử dụng nước phải đền bù. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo Công ty xem xét thay thế ống dẫn mới để người dân được sử dụng, không phải đền bù.

 

Trả lời:

 

Hệ thống cấp nước thôn Xuân Canh được xã đầu tư năm 2005 giao cho thôn quản lý và mua nước của Công ty qua đồng hồ tổng tại nhà máy nước; đợt mưa lũ tháng 10/2020 làm sạt lở đường giao thông dẫn đến hư hỏng khoảng 30m tuyến ống cấp nước đầu nguồn cho thôn; sau lũ xã đã cho khắc phục tuyến ống. Tuy nhiên vừa qua đơn vị thi công cống vượt đường đã xin ý kiến xã để tháo tuyến ống cấp nước phục vụ thi công. Do vậy đã làm gián đoạn việc cấp nước cho thôn. Hiện nay công trình cống vượt đường cơ bản hoàn thành, công ty và xã đang phối hợp khôi phục lại tuyến ống mở nước cấp cho nhân dân trong thôn. Nội dung “Công ty yêu cầu người dân sử dụng nước trong thôn phải đền bù” như cử tri phản ánh là không đúng thực tế.

 

(Căn cứ Công văn số 213/CV-NQB ngày 30/7/2021 của Công ty cổ phần cấp thoát nước Quảng Bình về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

10. Cử tri xã Phong Hóa kiến nghị: Công trình nước sạch xã Phong Hóa đã có từ lâu, nay chuyển giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Trung tâm yêu cầu các hộ dân phải mua đồng hồ đo nước mới để thay thế đồng hồ đang sử dụng gây phiền hà và tốn kém cho người dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi cho người dân.

 

Trả lời:

 

Xã Phong Hóa có 2 công trình cấp nước tập trung và do UBND xã quản lý, sử dụng. sau 14 năm sử dụng các công trình đã bị xuống cấp trầm trọng, trong khi đó địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý của địa phương và không có nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nên các công trình chỉ hoạt động cầm chừng, chất lượng nước và lưu lượng nước không đảm bảo, thời gian cung cấp nước bị gián đoạn thường xuyên. Trên cơ sở đề nghị của UBND xã, UBND huyện Tuyên Hóa và Sở NN và PTNT, UBND tỉnh đã cso chủ trương điều chuyển công trình sang cho Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn quản lý. Trung tâm đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục công trình và hiện nay các công trình đã hoạt động ổn định, bền vững, chất lượng và áp lực nước được đảm bảo, cung cấp nước sinh hoạt liên tục cho người dân sử dụng. Đối với đồng hồ đo nước của acsc hộ dân, theo quy định tối đa 05 năm phải được kiểm định 1 lần. Tuy nhiên các đồng hồ đo nước của 2 công trình nước sạch của xã đã sử dụng gần 14 năm nhưng chưa được kiểm định. Do sử dụng lâu năm nên hầu hết đã cũ, hỏng, mờ số, kim đồng hồ không quay hoặc quay không chính xác gây khó khăn cho việc quản lý. Do đặc thù của hoạt động cấp nước nông thôn là mang tính phục vụ, nhà nước đầu tư phần công trình xử lý và tuyến ống cấp nước về đến tận hộ gia đình, người dân đóng góp một phần kinh phí để đấu nối sử dụng trong đó có dồng hồ. Vì vậy việc huy động vốn dân góp để thay thế đồng hồ nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, phù hợp với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm trong lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn.

 

(Căn cứ Công văn số 1843/SNN-KHTC ngày 02/8/2021 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII).

KQ

 

Các tin khác