Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2036

  • Tổng 2.778.299

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử và thi hành án dân sự, hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

9:17, Thứ Năm, 8-9-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trong những năm qua giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng cao, cùng với việc thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội phải thu hồi đất nên tình hình tranh chấp và khiếu kiện liên quan đến đất đai tăng nhanh qua từng năm. Số lượng các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, các tranh chấp giao dịch về quyền sử dụng đất và các vụ án hành chính liên quan đến đất đai chiếm một tỷ lệ cao các các loại án mà Tòa án thụ lý giải quyết hằng năm.

 

Trong 5 năm (từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2021), Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Bình đã thụ lý là 1.000 vụ án tranh chấp dân sự và 151 vụ án hành chính liên quan đến đất đai. Nguyên nhân phát sinh các loại tranh chấp một phần do công tác quản lý đất đai trong những năm trước đây chưa chặt chẽ, một phần do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân chưa cao; công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là việc giải thích, đối thoại với người khiếu nại. Tòa án hai cấp đã giải quyết 820/1.000 vụ án dân sự và 133/151 vụ hành chính theo thủ tục sơ thẩm. Trong số các vụ án dân sự đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm có 168 vụ có kháng cáo và 15 vụ có kháng nghị phúc thẩm; kết quả xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm 53 vụ; hủy bản án sơ thẩm 21 vụ. Án bị kháng nghị giám đốc thẩm 37 vụ; kết quả xét xử hủy án 30 vụ. Hủy bản án theo thủ tục tái thẩm 01 vụ. Trong số các vụ án hành chính đã giải quyết có 66 vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Kết quả xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm 10 vụ; hủy bản án sơ thẩm 06 vụ. Số vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm 01 vụ; kết quả giải quyết hủy bản án phúc thẩm.

 

Quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cơ bản thực hiện đúng thẩm quyền giải quyết, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng. Mối quan hệ phối hợp giữa TAND, VKSND và Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp cơ bản bảo đảm chặt chẽ. Đa số các vụ án được giải quyết đúng thời hạn pháp luật quy định.

 

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tăng cường công tác kiểm sát giải quyết, xét xử các vụ án, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục sai sót, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật.

 

Về kết quả công tác thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp đã tiếp nhận 273 đơn yêu cầu thi hành án và 01 quyết định buộc thi hành án hành chính. Đã tổ chức thi hành xong 243 việc, đạt tỷ lệ 71,4%; tổ chức cưỡng chế thi hành án thành công 40 trường hợp. TAND tỉnh đã ban hành 01 quyết định buộc thi hành án hành chính, cơ quan THADS đã theo dõi thi hành xong.

 

VKSND hai cấp đã triển khai kiểm sát thường kỳ, kiểm sát trực tiếp 75 lượt đối với cơ quan THADS hai cấp, ban hành 25 kết luận, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm, 01 kháng nghị về việc chậm tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản; 02 yêu cầu cưỡng chế liên quan đến đất đai.

 

Qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Bình cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác giải quyết, xét xử và thi hành án các vụ án tranh chấp dân sự và hành chính liên quan đến đất đai vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là:

 

Đối với công tác xét xử: Số lượng các vụ án liên quan đến đất đai bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy và sửa nhiều so với bình quân chung các loại án. Án dân sự có 53 vụ sửa và 43 vụ hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Án hành chính có 10 vụ sửa, 07 vụ hủy theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm. Quá trình giải quyết các vụ án vẫn còn tình trạng sai, sót như: Xác định sai tư cách hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng; thu thập chứng cứ chưa đầy đủ đã đưa vụ án ra xét xử; bản án tuyên khác với hiện trạng thực tế gây khó khăn cho công tác thi hành án. Hội đồng định giá tài sản không định giá được theo mức giá thị trường mà chủ yếu áp giá theo mức giá do UBND tỉnh quy định nhưng TAND vẫn lấy kết quả này làm căn cứ để xét xử nên ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự và tiền án phí nộp vào ngân sách nhà nước. Rất nhiều trường hợp TAND ban hành quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng không được thực hiện, thực hiện không đúng hạn làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án nhưng TAND chưa cương quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm do không thực hiện đúng quy định của pháp luật. TAND chưa quan tâm theo dõi, đôn đốc công tác thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

 

Đối với công tác thi hành án: Một số vụ việc có điều kiện thi hành đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng cơ quan THADS chưa có kế hoạch tổ chức thi hành dứt điểm; đã ra quyết định cưỡng chế nhưng chậm tổ chức cưỡng chế; thực hiện xác minh điều kiện thi hành án chưa chặt chẽ; còn tâm lý e ngại áp dụng biện pháp cưỡng chế, tổ chức cưỡng chế kê biên dẫn đến việc thi hành án kéo dài; công tác vận động, thuyết phục thi hành án hiệu quả chưa cao.

 

Đối với công tác kiểm sát: Chất lượng kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án, kháng nghị phúc thẩm của VKSND hai cấp vẫn còn có phần hạn chế. Đối với án dân sự, có 74 bản án sơ thẩm bị hủy, sửa khi xét xử phúc thẩm, trong khi VKSND chỉ ban hành 15 kháng nghị phúc thẩm. Đối với án hành chính có 16 bản án sơ thẩm bị hủy, sửa khi xét xử phúc thẩm, trong khi VKSND chỉ ban hành 04 kháng nghị phúc thẩm. VKSND cấp huyện chưa quan tâm công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong công tác quản lý đất đai; chưa quan tâm kiến nghị đối với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp chứng cứ theo quy định pháp luật.

 

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế: Trước hết đó là, do pháp luật về quản lý đất đai thường xuyên thay đổi gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý đất dai cũng như công tác xét xử của Tòa án. Quy định về định giá tài sản trong Bộ luật Tố tụng dân sự chưa đầy đủ, văn bản hướng dẫn không còn không phù hợp với tình hình thực tế nhưng chưa có văn bản thay thế; pháp luật chưa có quy định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nên thực hiện chưa thống nhất. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hành chính, Viện kiểm sát nhân dân chỉ được tiếp cận hồ sơ, nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, điều này có phần ảnh hưởng đến chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án.

 

Mức độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; đa số các đương sự chưa thực hiện được nghĩa vụ chứng minh, thu thập và giao nộp chứng cứ mà phải yêu cầu Tòa án thu thập làm cho Tòa án quá tải về công việc. Các bị đơn chưa ý thức được quyền tham gia giải quyết và cung cấp chứng cứ để phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà lại tìm mọi cách để trốn tránh, cản trở, chống đối việc giải quyết của Tòa án. Người bị kiện trong vụ án hành chính thường cử cấp phó, lãnh đạo cấp phòng đại diện tham gia tố tụng hoặc vắng mặt nên khó tổ chức đối thoại và làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài.

 

Mối quan hệ phối hợp của các cơ quan hành chính trong quá trình giải quyết và thi hành án có lúc, có nơi chưa tích cực; các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện chưa nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các đương sự và theo yêu cầu của Tòa án làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án. Các thành viên tham gia Hội đồng định giá tài sản chưa đủ khả năng và tự tin để xác định giá quyền sử dụng đất theo giá thị trường mà chỉ áp giá theo mức giá do UBND tỉnh quy định. Công an một số địa phương chưa tích cực trong công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

 

Chất lượng đội ngũ các chức danh tư pháp chưa đồng đều, một số người còn có phần hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực công tác; một bộ phận chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ; chưa chịu khó cập nhật nghiên cứu pháp luật, tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm công tác.

 

Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính liên quan đến đất đai cần thực hiện các giải pháp sau:

 

Thứ nhất, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể đó là, Tòa án nhân dân tối cao cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch cho phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015; đồng thời bổ sung quy định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ để tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm sự thống nhất trong triển khai thực hiện tại các địa phương.

 

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 91 Luật Tố tụng hành chính về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính thay thế Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/3/2014. Trong đó, cần bổ sung quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn; đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ định giá tài sản của các thành viên Hội đồng định giá tài sản; phương pháp, trình tự, thủ tục khảo sát, thu thập thông tin để xác định giá theo giá thị trường của tài sản cần định giá.

 

Thứ hai, UBND tỉnh cần tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính về quyền và nghĩa vụ của người bị kiện khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tích cực thực hiện phối hợp chặt chẽ với TAND, Cơ quan Thi hành án dân sự theo đúng các quy định pháp luật.

 

Sở Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo, chấn chỉnh đối với Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở cấp huyện nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự và Tòa án; phối hợp tham gia các hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án. Xử lý theo quy định pháp luật đối với những người có trách nhiệm không thực hiện, chậm thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu của Tòa án.

 

Sở Tài chính cần phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ về định giá tài sản theo giá thị trường cho những người làm công tác định giá tài sản ở cấp tỉnh và cấp huyện. Chỉ đạo các công chức thuộc trách nhiệm quản lý khi tham gia các hội đồng định giá tài sản do Tòa án thành lập phải thực hiện định giá theo giá thị trường đúng quy định pháp luật.

 

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng và Công an cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án và xử lý hành vi cản trở, chống đối, chống người thi hành công vụ.

 

Thứ ba, UBND cấp huyện cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính về quyền và nghĩa vụ của người bị kiện; thực hiện đúng quy định về việc ủy quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự và Tòa án. Xử lý theo quy định pháp luật đối với những người không thực hiện, chậm thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ. Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch và các phòng chuyên môn thực hiện đúng các quy định pháp luật khi được Tòa án yêu cầu tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ; thực hiện việc định giá quyền sử dụng đất theo giá thị trường.

 

Thứ tư, TAND hai cấp cần quan tâm nâng cao chất lượng tranh tụng; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ đương sự tự thực hiện nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Thực hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ. Cương quyết ra quyết định định giá lại tài sản khi có căn cứ rõ ràng cho thấy kết quả định giá tài sản không phù hợp với giá thị trường. Đôn đốc các cơ quan đang quản lý tài liệu, chứng cứ thực hiện cung cấp hoặc trả lời lý do không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để tiếp tục giải quyết các vụ án đang tạm đình chỉ. Quan tâm theo dõi, đôn đốc công tác thi hành án hành chính theo quy định pháp luật. Quan tâm công tác kiến nghị phòng ngừa đối với sai sót, vi phạm đối với các cơ quan quản lý đất đai.

 

VKSND hai cấp cần theo dõi chỉ đạo các Kiểm sát viên tăng cường công tác nghiên cứu hồ sơ các vụ án, nâng cao chất lượng kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án, kịp thời phát hiện sai sót để kiến nghị TAND khắc phục, cương quyết kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo đúng quy định pháp luật. Tăng cường kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ; trách nhiệm phối hợp trong công tác của TAND và cơ quan Thi hành án dân sự. Quan tâm kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định pháp luật.

 

Cơ quan Thi hành án dân sự chỉ đạo các Chấp hành viên nâng cao trách nhiệm trong công tác; tăng cường công tác vận động, thuyết phục thi hành án. Tổ chức thi hành án kịp thời các vụ việc có điều kiện khi đã hết thời hạn tự nguyện mà người thi hành án không thi hành. Tổ chức thi hành dứt điểm đối với những vụ việc tồn đọng kéo dài. Báo cáo kịp thời với Ban chỉ đạo THADS cùng cấp chỉ đạo công tác phối hợp đối với những vụ việc khó khăn, vướng mắc, những vụ việc cưỡng chế phức tạp, kéo dài.

 

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử và thi hành án các vụ án dân sự, hành chính liên quan đến đất đai, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới./.

 

                                                                             Phạm Thái Quý

Các tin khác