Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1790

  • Tổng 2.871.337

Vị trí, tính chất, chức năng của Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước

15:30, Thứ Năm, 14-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trong hệ thống bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương là bộ phận rất quan trọng vì đó là nơi chiếm tỷ trọng lớn nhất về mọi nguồn lực và là nơi trực tiếp triển khai thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Theo quy định của các bản Hiến pháp và hiện nay là Hiến pháp năm 2013 thì mô hình chính quyền địa phương luôn gắn liền với việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ. Hiện nay các đơn vị hành chính của nước ta được chia thành 04 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Cụ thể, nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Ngoài ra còn có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

 

Như vậy, ở địa phương các đơn vị hành chính được chia thành 3 cấp tỉnh, huyện, xã và chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

 

Tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, không phải bất kỳ vấn đề gì  nhân dân cũng trực tiếp thực hiện quyền lực của mình mà “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

 

Khác với Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân cả nước, còn Hội đồng nhân dân chỉ đại diện cho nhân dân ở địa phương. Hội đồng nhân dân đại diện nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân là “tổ chức có tính chất quần chúng”, bao gồm các đại biểu đại diện của mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, công nhân, nông dân, trí thức. Do đó, các quyết định của Hội đồng nhân dân luôn bảo đảm tính hài hòa vì lợi ích chung của mọi tầng lớp nhân dân. Ở nước ta, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tức là theo chế độ tập quyền XHCN trong hình thức cấu trúc là nhà nước đơn nhất. Cùng với cấu trúc hành chính lãnh thổ của nước ta, trong hoạt động của bộ máy nhà nước thì cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương “cấu trúc hành chính lãnh thổ địa phương chỉ thuần túy mang tính hành chính, không bao hàm ý nghĩa một cấu trúc lãnh thổ có chủ quyền”. Theo đó, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chứ không phải là cơ quan quyền lực nhà nước của địa phương. Các quyết định của Hội đồng nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân chỉ có thẩm quyền quyết định những vấn đề được phân quyền  theo quy định trong các văn bản luật. Việc quyết định chủ trương, biện pháp để phát triển địa phương nhưng phải làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. Ngoài việc ban hành các nghị quyết chủ đạo (đưa ra đường lối, chủ trương, chính sách chung), nghị quyết cá biệt để giải quyết các vấn đề cụ thể, Hội đồng nhân dân còn có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (hoạt động lập quy). Như vậy, Hội đồng nhân dân các cấp là mắt xích trong việc thực hiện quyền hành pháp. Là cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhưng Hội đồng nhân dân không có thẩm quyền lập pháp như Quốc hội, do đó Hội đồng nhân dân không phải là phân hệ của cơ quan lập pháp. Hội đồng nhân dân đại diện cho nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Điều này thể hiện tính chất tự quản của chính quyền địa phương mà trước hết là của Hội đồng nhân dân trong việc tự giải quyết các vấn đề đặt ra tại địa phương.

 

 

HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp để quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương

 

Thông qua việc sử dụng quyền lực nhân dân, Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định bảo đảm hai chức năng đó là quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Cụ thể, Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân ở địa phương. Hiện nay nhiều người cho rằng, ngoài hai chức năng nêu trên Hội đồng nhân dân còn thực hiện chức năng đại diện (chức năng thứ ba của Hội đồng nhân dân). Quan niệm như vậy là không đúng, đại diện không phải là một chức năng mà là vị trí, tính chất của Hội đồng nhân dân. Quyền lực của Hội đồng nhân dân không phải tự có mà do nhân dân trao quyền (thông qua bầu cử) để thực hiện. Hội đồng nhân dân đại diện nhân dân để thực hiện chức năng quyết định và giám sát việc thực hiện pháp luật.

 

 Như vậy, Hội đồng nhân dân là một thiết chế quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương, là cơ quan do nhân dân thành lập ra đại diện cho nhân dân thực hiện quyền lực của nhân dân. Thông qua hai chức năng quyết định và giám sát, Hội đồng nhân dân bảo đảm việc triển khai thực hiện Hiến pháp, pháp luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, quyết định các chủ trương, biện pháp phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển địa phương về mọi mặt vì lợi ích của nhân dân. Hội đồng nhân dân vừa có tính chất chính quyền, vừa có tính chất quần chúng tự quản địa phương./.

                                                                           

                                                                                      Phạm Thái Quý

Các tin khác