Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2622

  • Tổng 2.781.737

Quyết sách vì dân

9:40, Thứ Năm, 11-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Ký ức tháng 10 và Nghị quyết số 02

 

Nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Quảng Bình phải đương đầu với nhiều thách thức lớn. Cùng với quyết tâm và nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân ổn định đời sống, từng bước đặt nền móng cho mục tiêu phát triển bền vững. Những quyết sách đó không chỉ phát huy hiệu quả tích cực đối với đời sống xã hội mà còn góp phần quan trọng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên khối đoàn kết, thống nhất, đồng lòng vượt qua mọi gian khó, vững tin chinh phục những mục tiêu mới to lớn hơn.

 

 

Gần 2 năm đã trôi qua, trong ký ức của nhiều người, tháng 10/2020 vẫn để lại những dấu ấn khó phai mờ. Ấy là hai trận "đại hồng thủy” với mực nước kỷ lục đã nhấn chìm, ngập sâu gần 110.000 ngôi nhà, ảnh hưởng đến đời sống của gần một nửa dân số toàn tỉnh. Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức cuối tháng 10/2022 trong bối cảnh mưa lũ diễn biến rất phức tạp, cùng với việc khẩn trương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, ngày 22/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân (Nghị quyết số 02) với những chính sách vừa cụ thể, vừa dài hơi nhằm ổn định và tái thiết đời sống bà con sau thiên tai.

 

Những con số lịch sử

 

Nghị quyết số 02 đã tóm tắt đầy đủ những con số lịch sử trong đợt mưa lũ tháng 10/1022. Đó là 25 người chết, 197 người bị thương; 106.200 ngôi nhà bị ngập, 1.679 nhà hư hỏng; 183 thôn, bản cùng nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, 107 điểm sạt lở; 79 trạm y tế, 286 điểm trường với 1.172 phòng học, phòng chức năng bị hư hỏng, ngập sâu; hơn 360.000m đường giao thông, kênh mương thủy lợi, đê kè bị sạt lở; 41.000 tấn hạt giống, lương thực bị ướt, cuốn trôi... Tổng thiệt hại trong hai đợt mưa lũ tháng 10/2020 là 3.500 tỷ đồng với những hậu quả rất nặng nề, đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân chung tay khắc phục.

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng tránh lũ tại xã Tân Ninh (Quảng Ninh).

 

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng tránh lũ tại xã Tân Ninh (Quảng Ninh).

Trong bối cảnh đầy khó khăn thời điểm đó, tỉnh đã khẩn trương trích ngân sách 110 tỷ đồng, cứu trợ khẩn cấp mỗi hộ bị ngập lụt do mưa lũ 1 triệu đồng để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nghị quyết số 02 cũng đề ra các mục tiêu, con số cụ thể để quyết tâm thực hiện.

Đó là hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, trạm y tế, trường học bị sập, đổ, cuốn trôi, hư hỏng; phục hồi các diện tích hoa màu, đàn gia súc, gia cầm; bảo đảm đời sống cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021 và thời kỳ giáp hạt; ổn định chỗ ở cho các hộ phải di dời khẩn cấp; xây dựng các mô hình nhà dân vượt lũ, nhà văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa thôn gắn với chức năng vượt lũ; khôi phục hệ thống điện, đường, trạm, thông tin liên lạc, nước sạch; gia cố, sửa chữa hệ thống đập, hồ chứa, đê kè, quan trắc thủy văn...

Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, nhất là cùng thời điểm đó, dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp. Nhưng bằng tinh thần, ý chí quyết tâm cao cùng những giải pháp đồng bộ, vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, Nghị quyết số 02 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và chứng minh hiệu quả.

Tín hiệu vui từ... 02!

 

Chia sẻ về quá trình triển khai Nghị quyết số 02, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh cho biết: Ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 121/CTr-UBND, ngày 22/1/2021, phân công các sở, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện.

 

Qua hơn 1 năm triển khai, các mục tiêu cơ bản của nghị quyết đã từng bước được hoàn thành đúng lộ trình đề ra. Tranh thủ các nguồn vốn tái thiết, việc khắc phục khẩn cấp đối với hạ tầng phục vụ sản xuất được các địa phương triển khai kịp thời. Tỉnh đã phân bổ 432 tỷ đồng và 2,8 triệu USD để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó riêng hệ thống đê điều, kè chống sạt lở, thủy lợi, nước sạch nông thôn là 155 tỷ đồng.

 

Sau thiên tai, toàn dân đã tích cực ra quân làm thủy lợi, khắc phục hư hỏng, nâng cấp các công trình thiết yếu để bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Trung ương và của tỉnh về giống cây trồng, vật nuôi, 100% diện tích lúa, hoa màu được phục hồi. Đặc biệt, năm 2021, sản lượng lương thực sau đợt mưa lũ đạt cao nhất từ trước đến nay, là năm “được mùa được giá”.

 

Mục tiêu nghị quyết đặt ra là phục hồi tổng đàn gia súc, gia cầm tương đương thời điểm trước tháng 10/2022, nhưng trên thực tế, đàn lợn tăng 2,1%, gia cầm tăng 7,5%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2,3% so với cùng kỳ, bảo đảm nhu cầu cung cấp thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Quan trọng hơn, từ sự tiếp sức của Nghị quyết số 02, niềm vui đã đến với người nông dân sau những khó khăn, thiệt hại quá lớn do thiên tai gây ra.

 

Kè biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) được đầu tư xây dựng góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch.

 

Kè biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) được đầu tư xây dựng góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch.

Các công trình giao thông, trường học, nước sạch, hồ đập, đê, kè, kênh mương cơ bản được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 103 ngôi nhà kiên cố cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai với tổng trị giá 14,4 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 4 khu tái định cư tại bản Sắt (xã Trường Sơn, Quảng Ninh), bản Cha Lo (Dân Hóa, Minh Hóa), thôn Đạm Thủy, xã Thạch Hóa và thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) với 108 ngôi nhà cho các hộ dân vùng sạt lở; 87 ngôi nhà từ nguồn hỗ trợ của dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam", 3 nhà cộng đồng kiêm chức năng tránh lũ cũng được bàn giao, giúp bà con “an cư lạc nghiệp”, không còn thấp thỏm âu lo trước thiên tai. Hệ thống nước sạch ở nông thôn được khắc phục, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tăng lên 97%, nước hợp vệ sinh trên 50%, bảo đảm sức khỏe của người dân sau lũ.

Nghị quyết số 02, với tầm nhìn chiến lược cũng đặt ra nhiệm vụ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, từng bước nâng cao khả năng phòng hộ của rừng, nhất là rừng đầu nguồn để phòng, chống thiên tai. Đến nay, đã có 4.287ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, 274.692ha rừng được khoanh nuôi, bảo vệ. Hoạt động tái sinh rừng tự nhiên được chú trọng và triển khai hiệu quả với nhiều kỳ vọng mới.

 

Tiền đề quan trọng

 

Cùng với những mục tiêu cấp bách đã cơ bản hoàn thành đúng lộ trình và chất lượng, Nghị quyết số 02 tiếp tục tạo cơ sở vững chắc trong việc triển khai những giải pháp phòng, chống thiên tai giai đoạn 2020-2025. Sở Nông nghiệp-PTNT đã đề xuất UBND tỉnh về việc xây dựng 7 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng tránh lũ với tổng kinh phí 24,5 tỷ đồng.

 

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng tránh lũ là công trình đã minh chứng được hiệu quả về công năng sử dụng và cần nhân rộng, đặc biệt là ở những địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ngoài ra, sở cũng đề xuất tỉnh trang cấp, hỗ trợ các loại vật tư, thiết bị, túi dự phòng khẩn cấp phòng, chống bão lụt gần 14 tỷ đồng để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ trong năm 2022.

 

Nghị quyết số 02 tiếp tục là căn cứ, cơ sở để các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai những giải pháp về tài chính nhằm hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai; đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp và phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phương châm “4 tại chỗ” hiệu quả; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi diễn biến thiên tai để chủ động ứng phó; bố trí các nguồn ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hóa để phòng, chống, khắc phục các hậu quả thiên tai, nhất là bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán...

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: "Là vùng đất thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, việc ban hành, triển khai Nghị quyết số 02 không chỉ góp phần khắc phục những hậu quả trước mắt, mà về lâu dài, các mục tiêu của nghị quyết hoàn thành sẽ tạo nền tảng vững chắc trong việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Quảng Bình quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết số 02 bởi đây vừa là quyết sách quan trọng bảo đảm an toàn tính mạng và lợi ích cho nhân dân, vừa góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050!".

 

(Theo Báo Quảng Bình)

 

Các tin khác