Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 2476

  • Tổng 2.781.591

Phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh diễn ra sôi nổi, chất lượng

11:43, Thứ Ba, 26-7-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

 

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII đã dành thời gian 01 buổi để thảo luận tại Hội trường về các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp. Phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn; đã có 16 lượt đại biểu tham gia phát biểu. Nội dung thảo luận tập trung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh; về các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, cũng như các báo cáo, tờ trình và các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

 

Trong không khí thảo luận nghiêm túc, sôi nổi, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng; thể hiện sự nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, tài liệu kỳ họp của các đại biểu. Các ý kiến phát biểu cơ bản bám sát gợi ý thảo luận của Chủ tọa kỳ họp, tập trung vào các vấn đề sau:

 

Về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư, phát triển: Đại biểu đề nghị tỉnh tăng cường rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định các dự án đầu tư công; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư công; nêu rõ nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp so bình quân chung của cả nước, đề nghị có giải pháp để tăng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hiện nay chưa được cải thiện, đề nghị có giải pháp nâng cao; đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê điều, hồ đập, hệ thống tiêu, thoát lũ; nâng cao chất lượng các tua tuyến, các sản phẩm du lịch và dịch vụ; quan tâm hỗ trợ huyện Minh Hoá trong công tác quy hoạch phát triển du lịch; quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch của địa phương.

 

 

Các đại biểu tham dự kỳ họp

 

Về các lĩnh vực việc làm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Cần tăng cường, chỉ đạo làm tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho Nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; có kế hoạch lâu dài trồng rừng gỗ lớn để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa góp phần chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ vay vốn, con giống, kỹ thuật khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chăm lo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt; huy động, lồng ghép các chương trình, dự án, giải quyết việc làm, giảm nghèo phù hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách phù hợp để các xã giữ vững chuẩn nông thôn mới đã đạt được; thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa....

 

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Đại biểu đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, lấn, chiếm, tranh chấp đất đai; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm đất đai tại các nông, lâm trường; các công ty nông, lâm nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục rà soát lại đất đai để bóc tách những diện tích không sản xuất, sản xuất không hiệu quả, bàn giao về cho địa phương lập phương án giao cho dân sản xuất; đề nghị có những giải pháp cụ thể để hạn chế tình trạng “găm giữ đất”; chuyển nhượng dự án; đầu cơ đất đai, gây lãng phí tài nguyên.

 

Về các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá: Đại biểu đề nghị tiếp tục vận động người dân tiêm các mũi tăng cường, nhắc lại để bảo vệ thành quả của công tác phòng, chống dịch covid-19; đề nghị kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để chủ động phòng ngừa dịch Covid-19; dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng; cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức các trạm y tế xã, thị trấn; xem xét phân bổ số lượng biên chế ở các Trạm y tế theo quy mô dân số; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ y tế thôn, bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý cho lực lượng y tế cơ sở.

 

Không ngừng rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất trường học nhằm đảm bảo mục tiêu trường đạt chuẩn quốc gia; đề nghị tiếp tục kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét không tinh giản biên chế ngành Giáo dục; có cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch vụ kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn; xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung cho các em học sinh; đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn; sớm cụ thể hóa 02 nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững.

 

Về cải cách hành chính: Cần tăng cường chỉ đạo, tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các quy trình, thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết; nghiên cứu, rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính phù hợp để thực hiện trên môi trường Internet; tập trung thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông từ tỉnh đến huyện, đến xã; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về thông qua Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình; tiếp nhận, xử lý phản ánh của cá nhân, tổ chức về hành vi hành chính và quy định hành chính.

 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng trăn trở, quan tâm các nội dung như: Công tác giải phóng mặt bằng, nguyên nhân thủ tục hành chính còn chậm, về giá cả nguyên vật liệu tăng cao, năng lực của tư vấn, nhà thầu xây lắp còn hạn chế; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và đưa ra giải pháp cải thiện chỉ số PCI năm 2022; vấn đề định giá đất...

 

 

Đồng chí Nguyễn Công Huấn phát biểu kết luận phiên thảo luận

 

Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Công Huấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu đã thể hiện sự trăn trở, tâm huyết và trách nhiệm cao đối với cử tri và sự phát triển của tỉnh; đã đề ra các giải pháp, việc làm cụ thể để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu tiếp thu những đề xuất, kiến nghị và các giải pháp mà đại biểu nêu ra và tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khắc phục những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực mà sở, ngành mình phụ trách, đồng thời tổ chức thực hiện thật tốt kế hoạch, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm 2022 đã đề ra./.

 

Phòng DNTT

Các tin khác