Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2235

  • Tổng 2.781.350

Chuyên đề “Chính quyền địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” tại lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026

14:20, Thứ Sáu, 26-11-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Theo chương trình lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều ngày 25/11/2021, GS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đã giới thiệu chuyên đề “Chính quyền địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.

 

 

Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, GS.TS. Lê Minh Thông trong chuyên đề 2 - “Chính quyền địa phương và đại biểu HĐND cấp tỉnh”

 

GS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội chia sẽ tại lớp bồi dưỡng trực tuyến

 

Tại chuyên đề này, GS.TS Lê Minh Thông đã khái quát về chính quyền địa phương và vị trí của người đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, chia sẻ nội dung chuyên đề  đồng chí nhấn mạnh: Chính quyền địa phương là trung tâm tổ chức thực hiện pháp luật và các quyết định quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước trên địa bàn quản lý của mình, chính quyền địa phương đưa quyền lực nhà nước vào hoạt động hàng ngày của địa phương, quản lý toàn diện (hoặc gần như toàn diện, trừ những mặt không được phân quyền, phân cấp, ủy quyền) các quá trình xã hội diễn ra trên địa bàn. Quyền lực nhà nước mà chính quyền địa phương có được là do Hiến pháp, pháp luật quy định. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm các phương tiện, nguồn lực, trong đó có ngân sách để chính quyền địa phương thực hiện chức năng này.

 

 

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình tham gia lớp bồi dưỡng trực tuyến

 

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương được tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; đồng thời, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”.

 

Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền địa phương cần nắm rõ các quy định của pháp luật và tổ chức thi hành các quy định đó vào thực tiễn. Trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương hiện nay, thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương càng được khẳng định. Chính quyền địa phương sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong phạm vi đã phân cấp, phân quyền và chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao.

 

Trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng, tập trung dân chủ cần được hiểu rõ và thống nhất. Tập trung dân chủ một mặt đề cao chế độ dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng mặt khác, cũng đề cao chế độ kỷ luật trong các mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước. Tập trung dân chủ là nguyên tắc kết hợp hài hoà giữa chỉ đạo, lãnh đạo tập trung và mở rộng dân chủ.

 

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương được hiểu là việc phân chia và xác định rõ thẩm quyền của chính quyền Trung ương, thẩm quyền của chính quyền địa phương và thẩm quyền của các cấp chính quyền địa phương thông qua phân cấp, phân quyền để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Nội dung này luôn là vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Cơ sở pháp lý để phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương là Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tổ chính chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019.

 

Về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Theo đó, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính hiện nay có 2 nhóm: (1) Có HĐND và UBND; (2) Nhóm không có HĐND.

 

Tiếp đó, giới thiệu về HDNĐ tỉnh và vị trí, vai trò của người đại biểuHĐND, GS.TS Lê Minh Thông cho biết HĐND gồm các đại biểu HDNĐ do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND bao gồm các Ban. Ban của HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo  nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND; HĐND họp theo kỳ họp…

 

Về vị trí của đại biểu HĐND được Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định thông qua các nội dung sau đây:

 

Một là, đại biểu HĐND cấp tỉnh là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở cả hai cấp độ là ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân ở địa phương. Đại biểu HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc giữ mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Đồng thời, đại biểu HĐND cấp tỉnh còn có trách nhiệm trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác ở địa phương. Đại biểu HĐND cấp tỉnh đóng vai trò tương tác, giám sát, thúc đẩy để các cơ quan nhà nước hoạt động tích cực, hiệu quả hơn trong việc giải quyết những vấn đề hàng ngày, cũng như những vấn đề trung hạn, dài hạn đặt ra từ thực tiễn cuộc sống ở địa phương. Thông qua việc xử lý những vấn đề đó, sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa những biểu hiện của sự xơ cứng, quan liêu, lạm quyền, trục lợi, cục bộ... có thể nảy sinh trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước ở địa phương.

 

Hai là, đại biểu HĐND cấp tỉnh bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh. Tất cả các đại biểu HĐND cấp tỉnh đều được bầu cử từ các đơn vị bầu cử, căn cứ theo số dân, được bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu, thay mặt cho cử tri hoạt động trong HĐND. Điều này thể hiện sự bình đẳng của các đại biểu HĐND cấp tỉnh. Sự bình đẳng giữa các đại biểu HĐND cấp tỉnh cũng thể hiện sự bình đẳng giữa cử tri ở các đơn vị bầu cử trong phạm vi cả nước. Vị thế này bảo đảm cho từng đại biểu sự bình đẳng trong quan hệ với mọi đại biểu khác, dù đó là đại biểu thường hay đại biểu giữ vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở chính quyền địa phương cấp tỉnh. Mỗi đại biểu đều nắm giữ một lá phiếu và vì thế, cần phải được ứng xử bình đẳng như nhau.

 

Về mặt pháp lý, mặc dù đại biểu HĐND cấp tỉnh có đại biểu hoạt động chuyên trách, có đại biểu hoạt động không chuyên trách; có đại biểu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, có đại biểu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; song nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh về bản chất không bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố này. Trên thực tế, các đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách sẽ có thêm các nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với tính chất chuyên trách như quy định về thời gian dành cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ đại biểu; các nhiệm vụ, quyền hạn khác khi tham gia thành viên của các Ban của HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, quyền biểu quyết gắn với từng cá nhân đại biểu HĐND cấp tỉnh là thẩm quyền quan trọng nhất, là cơ sở để hình thành mọi quyết định của HĐND cấp tỉnh. Quyền biểu quyết được thực hiện theo nguyên tập thể và chế độ hội nghị…Đây cũng là điểm trọng tâm để khẳng định rằng đại biểu HĐND cấp tỉnh có vị thế bình đẳng trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh.

 

Vai trò của đại biểu HĐND cũng được thể hiện qua các nội dung sau như: (1) Đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân địa phương. Vai trò của đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân được xác lập ở hai khía cạnh: Đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu ra mình; đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa bàn cấp tỉnh. (2) Là hạt nhân trong toàn bộ hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Các đại biểu HĐND tỉnh là những hạt nhân, thành tố cấu thành nên hoạt động của HĐND cấp tỉnh; hoạt động của HĐND cấp tỉnh chính là sự tổng hòa của tổng thể các hoạt động của toàn bộ thành viên.

 

Qua chuyên đề “Chính quyền địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” là cơ hội giúp đại biểu HĐND tỉnh có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao năng lực hoạt động trong thực thi các nhiệm vụ của người đại biểu dân cử tại địa phương./.

TTT

 

Các tin khác