Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 1985

  • Tổng 2.871.532

Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

8:27, Thứ Sáu, 26-11-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sáng ngày 25/11/2021, tại lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Ban Công tác đại biểu của Quốc hội đã giới thiệu với các đại biểu HĐND cấp tỉnh các địa phương về chuyên đề: “Kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh”.

 

Chia sẻ nội dung chuyên đề “Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”, TS Bùi Đức Thụ cho rằng: Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của HĐND và đại biểu HĐND; đồng thời cũng chính là công cụ để HĐND phát huy được quyền lực, vai trò của mình ở địa phương, nâng cao vị trí người đại biểu dân cử tại địa phương. Chỉ có thông qua giám sát, hoạt động chính quyền mới có thể xem xét việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể để từ đó hoàn thiện bộ máy quản lý, khuôn khổ pháp lý để cách thức vận hành bộ máy hoàn thiện hơn.

 

Nguyên Phó Ban Công tác Đại biểu của Quốc hội TS. Bùi Đức Thụ với bài giảng về kỹ năng giám sát.

TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Ban Công tác đại biểu của Quốc hội chia sẻ bài giảng về kỹ năng giám sát

 

Chuyên đề này cung cấp cho đại biểu HĐND nắm rõ các nội dung cơ bản sau:

 

 Thứ nhất, về giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh

 

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định: Giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh là việc đại biểu HĐND cấp tỉnh theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý thông qua các hoạt động: Xem xét báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; xem xét chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp; xem xét  quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu…

 

Mục đích chung của giám sát làm đảm bảo công bằng các hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục do pháp luật quy định. Chính vì vậy,  giám sát của đại biểu HĐND là hoạt động có mục đích: Giúp HĐND, đại biểu HĐND nắm bắt được tình hình thực tiễn của địa phương, thông qua đó, có thêm những căn cứ để HĐND thực hiện chức năng quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền; kịp thời phát hiện những gương tốt, điển hình tiên tiến, những vấn đề mới hoặc sai lệch (nếu có) để có những biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo cho những quy định của pháp luật được thực hiện đúng, có hiệu lực, hiệu quả.

 

Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND phải đảm bảo các yêu cầu:  Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

 

Đối tượng, nội dung, hình thức giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh

 

Về đối tượng và nội dung giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh:  Tiến hành chất vấn đối với Chủ tịch UBND, ủy viên của UBND (là người đứng đầu cơ quan thuộc UBND), Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp bằng cách gửi văn bản chất vấn đến các đối tượng này.  Giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp huyện. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật. Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương…)

 

Về hình thức giám sát của đại biểu HĐND, là tự mình thực hiện hoạt động giám sát hoặc tham gia hoạt động giám sát do HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND tổ chức.Để tránh trường hợp “giám mà không sát, sát mà không dám”, TS Bùi Đức Thụ nhấn mạnh:  Ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng thì mức độ chủ động, nhạy bén và bản lĩnh của từng đại biểu với các vấn đề của địa phương là vô cùng quan trọng. Đại biểu HĐND cần có “phông nền” về pháp luật vững vàng để phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, từ đó tham mưu giúp địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương thức quản lý và xử lý sai phạm; đại biểu phải đủ kiến thức để nhận định được điều gì đúng, điều gì sai; điều gì trước đây là đúng nhưng thực tiễn thay đổi nên không còn phù hợp; điều gì đúng nhưng chưa phù hợp với năng lực quản lý của các cấp, các ngành tại địa phương… để từ đó tham mưu những giải pháp giúp hoàn thiện bộ máy quản lý.

 

 

Các đại biểu HĐND tại tỉnh Quảng Bình tham gia lớp bồi dưỡng tại điểm cầu Quảng Bình

 

Thứ hai, về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh

 

- Kỹ năng chất vấn

 

Chất vấn là một trong những hoạt động giám sát quan trọng, thể hiện vai trò của cá nhân đại biểu HĐND. Việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu.

 

Hoạt động chất vấn có thể được thực hiện thông qua một trong hai hình thức: văn bản hoặc chất vấn trực tiếp tại phiên họp HĐND.

 

Chất vấn bằng văn bản là việc đại biểu HĐND viết phiếu chất vấn và gửi trước tới Thường trực HĐND để gửi tới người bị chất vấn. Thời điểm gửi là giữa hai kỳ họp hoặc ngay trước kỳ họp. Nếu gửi ngay trước kỳ họp thì câu hỏi phải phù hợp với nội dung của kỳ họp.

 

Chất vấn trực tiếp tại phiên họp HĐND là việc đại biểu HĐND đặt câu hỏi trực tiếp cho người bị chất vấn trong phiên họp. Khi thực hiện hình thức này, cần tránh trường hợp lấy câu hỏi bằng văn bản gửi trước để làm câu hỏi chất vấn trực tiếp, vì như vậy sẽ là tạo điều kiện để người bị chất vấn được chuẩn bị trước.

 

Câu hỏi chất vấn thường chứa các nội dung như: nêu vấn đề cần hỏi, yêu cầu người bị chất vấn làm rõ; nêu thực trạng, vụ việc xảy ra, yêu cầu người bị chất vấn giải trình về trách nhiệm của bản thân đối với vấn đề được nêu ra; yêu cầu người bị chất vấn đưa ra hướng xử lý vấn đề ...

 

TS.Bùi Đức Thụ chia sẻ: Chất vấn không có nghĩa đại biểu hỏi để biết thông tin mà phải hỏi để tìm ra giải pháp. Chất vấn chỉ có ý nghĩa khi người chịu trách nghiệm đưa ra được phương hướng để giải quyết các vấn đề tồn tại và nêu rõ thời gian để khắc phục những vấn đề đó. Khi câu trả lời không thỏa đáng, đại biểu hoàn toàn có quyền tranh luận hoặc chất vấn lại trực tiếp hoặc thông qua văn bản.

 

Để thực hiện tốt hoạt động chất vấn, đại biểu HĐND cấp tỉnh nên thực hiện theo trình tự sau:

 

Chuẩn bị chất vấn: đại biểu HĐND cần lựa chọn vấn đề chất vấn, hiểu sâu về nội dung chất vấn, xác định người bị chất vấn và trách nhiệm người bị chất vấn. Đồng thời, dự báo được câu trả lời của người bị chất vấn để từ đó tìm thêm thông tin nhằm có thể truy vấn thêm.

 

Trình bày chất vấn tại phiên họp: đại biểu HĐND cần chú ý đặt câu hỏi chất vấn phù hợp với nội dung chất vấn mà HĐND đã quyết định; đảm bảo thời gian đặt câu hỏi chất vấn đã được quy định; thể hiện thái độ của mình với nội dung chất vấn; dùng phép so sánh, tương phản để làm nổi bật vấn đề chất vấn... 

 

Hoạt động sau phiên chất vấn: Để người trả lời chất vấn thực hiện lời hứa trước HĐND sau khi trả lời chất vấn, đại biểu HĐND cần sử dụng linh hoạt các quyền của đại biểu đã được pháp luật ghi nhận (gặp gỡ trực tiếp, yêu cầu trả lời, tiếp tục chất vấn ở kỳ họp sau, đề nghị Thường trực HĐND có ý kiến, HĐND thảo luận tại kỳ họp…); sử dụng phương tiện báo chí như một kênh gây sức ép. 

 

- Kỹ năng giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp

 

Chuẩn bị nội dung, kế hoạch và thủ tục cho hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với các nội dung: thu thập thông tin, nội dung, xác định địa bàn cần giám sát; xây dựng kế hoạch giám sát; quyết định thành lập Đoàn giám sát; phổ biến kế hoạch giám sát.

 

Triển khai các hoạt động giám sát gồm các nội dung: xem xét, đánh giá báo cáo; yêu cầu đối tượng giám sát giải trình; đi thực tế tại cơ sở.

 

- Kỹ năng giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương

 

Trong việc thực hiện hoạt động giám sát thi hành pháp luật ở địa phương, đại biểu HĐND cấp tỉnh cần nắm vững những nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định: Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc đại biểu HĐND không đồng ý với việc giải quyết thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, đại biểu HĐND báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND cùng cấp.

 

- Kỹ năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

 

Để có thể giám sát được việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND cấp tỉnh cần nắm rõ quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định trong Luật Khiếu nại năm 2011, thời hạn giải quyết tố cáo được quy định trong Luật Tố cáo năm 2018. 

 

Việc giám sát khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời. Việc giải quyết tố cáo phải đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn cho người tố cáo; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

 

Qua chuyên đề “Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”  giúp đại biểu HĐND thực hiện tốt kỹ năng giám sát trong thực tế để quyết định kịp thời, đúng đắn các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./. 

TTT

Các tin khác