Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh
Chiều ngày 18/7/2024, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) của HĐND tỉnh, do đồng chí Nguyễn Công Huấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí: Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trương An Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ba Đồn; Lê Vĩnh Thế, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh hội nghị
Kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại kỳ họp, có 16 dự thảo nghị quyết và 25 loại báo cáo được trình HĐND xem xét, quyết định. Đây là khối lượng công việc khá lớn, cần sự chuẩn bị chu đáo, kịp thời. Do vậy, Thường trực Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sâu sát nên công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp đảm bảo nghiêm túc, chu đáo, chất lượng các nội dung, như: công tác tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; việc chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; việc thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết; việc chuẩn bị phiên họp thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; công tác tuyên truyền cho kỳ họp và một số nội dung quan trọng khác.
Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng nên việc trình bày và xem xét các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết tại kỳ họp được đảm bảo, nhanh chóng, thuận lợi. Chất lượng phiên thảo luận được tiếp tục nâng cao, nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc, thể hiện sự trăn trở, quan tâm của các đại biểu về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đại biểu cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và đề xuất những giải pháp đối với các cơ quan chức năng để giải quyết. Trong đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn theo các nhóm vấn đề quan trọng, cấp thiết, những vấn đề nổi lên được cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian vừa qua. Các nghị quyết trình kỳ họp được thông qua bảo đảm tính tập trung, dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác rà soát, đề xuất chương trình ban hành nghị quyết hàng năm của UBND tỉnh và cơ quan tham mưu còn chưa kỹ lưỡng; quá trình tham mưu, chuẩn bị các dự thảo nghị quyết của sở, ngành liên quan còn một số vướng mắc; trong phối hợp giữa Văn phòng UBND tỉnh và cơ quan tham mưu dự thảo văn bản còn chưa chặt chẽ…
Đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, nêu ra những kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Công Huấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Công Huấn nhấn mạnh: để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn liên quan cần phối hợp, chủ động trong việc chuẩn bị các văn bản, báo cáo; việc xây dựng ban hành nghị quyết, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát thực hiện kịp thời, kỹ lưỡng để bảo đảm sát thực, hạn chế điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Các cơ quan chủ trì soạn thảo các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết cần hoàn thành đúng thời hạn và phải đảm bảo chất lượng.
Tiếp tục đổi mới chương trình kỳ họp theo hướng gửi các văn bản cho đại biểu nghiên cứu trước, giảm thời lượng trình bày văn bản tại kỳ họp để tăng thời lượng trao đổi, giải trình của các cơ quan, đơn vị, địa phương tại các phiên thảo luận, chất vấn để tập trung bàn bạc, giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề bức xúc được cử tri và dư luận quan tâm./.
HB