Trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân
Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Theo đó, có thể hiểu trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri và Nhân dân được thể hiện ở hai nội dung cơ bản:
Một là, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri và Nhân dân được thể hiện qua trách nhiệm chung của Hội đồng nhân dân. Ở khía cạnh này, Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Hai là, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri và Nhân dân được thể hiện qua trách nhiệm của từng đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tại khoản 1 Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước
Theo đó, đối với cử tri đại biểu HĐND có trách nhiệm :
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với Hội đồng nhân dân và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương.
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri
+ Mỗi năm một lần vào cuối năm, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu ra mình về hoạt động trong năm, nhiệm vụ năm tới của mình và của Hội đồng nhân dân.
+ Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ chấp hành nội quy kỳ họp, tham dự đầy đủ kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, cuộc thảo luận ở Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, cuộc họp Ban của Hội đồng nhân dân mà đại biểu là thành viên, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng nhân dân. Khi nhận được thông báo về thời gian, dự kiến chương trình và tài liệu kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân phải nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân..Trong kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia thảo luận và quyết định chương trình kỳ họp; Thảo luận tại phiên họp toàn thể và thảo luận ở Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân về các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp; Biểu quyết thông qua những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp.
-Về trách nhiệm tiếp xúc cử tri, tiếp công dân
+ Trong thời gian giữa hai kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với Hội đồng nhân dân và các cơ quan Nhà nước, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, tuyên truyền thực hiện tốt pháp luật.
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của công dân; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân; hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhận đơn thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
+ Khi nhận được ý kiến, kiến nghị của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân xem xét, nghiên cứu để phản ánh tới Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
+ Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân phải tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân
Cụ thể hóa hơn quy định của Hiến pháp về trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu dân cử, ngày 15-5-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình tiếp công dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện việc tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố. Trường hợp không thể thực hiện được việc tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố do có lý do chính đáng thì đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm thông báo đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã để điều chỉnh lịch; đồng thời dự kiến thời gian cụ thể thực hiện việc tiếp công dân.
Với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, HĐND chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND còn phải quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.
Có thể nói, để đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của tất cả cử tri, Nhân dân là điều không dễ dàng gì đối với đại biểu HĐND. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi đại biểu HĐND phải luôn có nhiều cố gắng để thể hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, địa phương.
Hầu hết các lĩnh vực, vấn đề gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền thì HĐND đều cần phải tập trung xem xét, ban hành nghị quyết, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chính quyền để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho đất nước, địa phương.
Điều quan trọng nhất vẫn là mỗi đại biểu HĐND, khi được cử tri tín nhiệm, cần phải luôn có “cái tâm”, thật sự hiểu rõ những bức xúc, quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân thì mới có thể đầu tư công sức, trí tuệ, đi sâu, đi sát tìm hiểu ngọn ngành mọi vấn đề cũng như mạnh dạn phát biểu tại các diễn đàn HĐND. Có như vậy, đại biểu đại biểu HĐND mới thật sự nêu cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri.
Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân không chỉ phụ thuộc vào cách thức tổ chức hoạt động chuyên nghiệp của Hội đồng Nhân dân mà điều quan trọng hơn là phụ thuộc vào chính năng lực, trách nhiệm của các đại biểu Hội đồng nhân dân trước cử tri và Nhân dân. Do đó, trong thời gian tới Đại biểu dân cử và cơ quan dân cử cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ cơ bản được Nhân dân ủy quyền. Đó chính là việc làm thiết thực nhất thể hiện trách nhiệm của từng đại biểu, của cơ quan dân cử với sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân.
(Theo Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Quảng Bình)
- Đặc điểm và các nhân tố tác động đến tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp (27/10/2021)
- Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (26/10/2021)
- Vị trí, tính chất, chức năng của Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước (14/10/2021)
- Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Hội đồng nhân dân các cấp (14/10/2021)
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (27/09/2021)
- Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (27/09/2021)
- Tham luận tại Hội nghị Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố năm 2020 (05/10/2020)
- Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức từ 2020 (05/10/2020)
- Những điểm mới của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 về công tác văn thư (05/10/2020)
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng HĐND tỉnh (26/08/2020)