Chức danh hay chức vụ?
Chức danh và chức vụ là hai thuật ngữ pháp lý được sử dụng nhiều trong các văn bản pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và các văn bản về tổ chức, hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội,… Hai thuật ngữ này có mối liên quan mật thiết và luôn đi liền với nhau nên đôi lúc rất khó để phân biệt. Trong trường hợp nào thì dùng thuật ngữ chức danh, trường hợp nào thì dùng thuật ngữ chức vụ là sự lựa chọn không hề đơn giản cho những người thực thi pháp luật. Trong thực tế cùng một tình huống giống nhau nhưng trong văn bản của cơ quan này thì dùng thuật ngữ chức danh ngược lại văn bản của cơ quan khác thì lại dùng thuật ngữ chức vụ. Một ví dụ cụ thể rất thường gặp đó là, trong các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc xác nhận kết quả bầu cử và nghị quyết của Thường trực Hội đồng nhân dân, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân về việc phê chuẩn kết quả bầu cử các chức danh lãnh đạo, quản lý của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp có nơi thì dùng thuật ngữ chức danh (nghị quyết xác nhận, phê chuẩn kết quả bầu cử chức danh - trúng cử/giữ chức danh) ngược lại có địa phương thì dùng thuật ngữ chức vụ (nghị quyết xác nhận, phê chuẩn kết quả bầu cử chức vụ - trúng cử/giữ chức vụ).
Sở dĩ trong trường hợp nêu trên, việc sử dụng thuật ngữ chức danh và chức vụ chưa thống nhất giữa các cơ quan là do ngay trong Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sử dụng đồng thời cả hai thuật ngữ chức danh và chức vụ nên khi không hiểu cặn kẻ thì rất khó để xác định đúng. Cụ thể đó là, tại tiêu đề của Điều luật này quy định: “Điều 83. Bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân”; tại khoản 8 Điều luật này quy định: “Khi Hội đồng nhân dân tiến hành bầu các chức danh quy định tại Điều này, nếu có đại biểu Hội đồng nhân dân ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định”; tại khoản 10 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả bầu, cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, phê chuẩn; trường hợp không phê chuẩn thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu Hội đồng nhân dân tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn”. Trong khi đó tại khoản 5 của cùng Điều luật này quy định: “5. Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tục ở cùng một đơn vị hành chính”; tại khoản 9 Điều luật này quy định: “Người giữ chức vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu”. Nhiều người cho rằng ngay trong cùng một điều luật của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sử dụng thuật ngữ không thống nhất, khoản này thì sử dụng thuật ngữ chức danh, khoản khác thì lại dùng thuật ngữ chức vụ, đây là nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng thuật ngữ thiếu thống nhất trong các văn bản áp dụng pháp luật của các cơ quan.
Với quy định này hiện nay có hai loại quan điểm nhận thức và áp dụng khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo tiêu đề của Điều luật và nội dung tại khoản 8 và khoản 10 khi đề cập đến bầu cử đã sử dụng thuật ngữ chức danh nên trong các nghị quyết về xác nhận kết quả bầu cử; nghị quyết, quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử phải sử dụng thuật ngữ chức danh mới đúng tinh thần quy định của điều luật. Ngược lại, những người theo quan điểm thứ hai lại cho rằng, vì nghị quyết xác nhận kết quả bầu cử và nghị quyết, quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử đối với một người cụ thể với một chức vụ (gắn với nhiệm vụ, quyền hạn) cụ thể do đó phải sử dụng thuật ngữ chức vụ mới chính xác.
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm thứ hai và theo tôi thì tại Điều 83 và các điều luật khác của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã dùng thuật ngữ rất chính xác trong từng nội dung của từng tình huống cụ thể. Để xác định đúng thuật ngữ khi sử dụng cho tình huống nêu trên trước hết cần hiểu đúng nội dung ngữ nghĩa của từng từ ngữ. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học thì: Chức là danh vị thể hiện cấp bậc, quyền hạn và trách nhiệm của một người trong hệ thống tổ chức của nhà nước (chức vụ, chức quyền); Danh là tên, tên người, tên vật (xưng danh, điểm danh, địa danh, danh bạ,…); Chức danh là tên gọi thể hiện cấp bậc, quyền hạn, nhiệm vụ của mỗi chức (bảng chức danh); Chức vụ là nhiệm vụ tương ứng với chức (giữ chức vụ, thừa hành chức vụ). Như vậy, chức danh là một yếu tố mang tính hình thức, là tên gọi của từng vị trí việc làm (vị trí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, vị trí thừa hành công vụ theo chuyên môn như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc, Cục trưởng, Chi cục Trưởng, Trường phòng, Viện trưởng, Chánh án, Thẩm phán, Luật sư…) trong một cơ cấu tổ chức, trong phân công lao động xã hội để định danh, phân biệt giữa vị trí này với vị trí khác; còn chức vụ là yếu tố mang tính nội dung, chức vụ gắn với một con người cụ thể với nhiệm vụ, quyền hạn của vị trí việc làm cụ thể nào đó trong bộ máy nhà nước, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thuật ngữ chức danh thường được sử dụng khi nói đến cái tổng thể, cái chung, để phân biệt vị trí này với vị trí khác; chẳng hạn như: trong cơ quan A gồm có các chức danh gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng B, Trưởng phòng C,…; thang bảng lương của các chức danh trong cơ quan, tổ chức;… Ngược lại thì thuật ngữ chức vụ thường được sử dụng khi nói đến cái cụ thể, như ông Nguyễn Văn A giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện; Ông Lê Văn C giữ chức vụ Trưởng phòng D,… Do đó, phải tùy vào từng tình huống để sử dụng thuật ngữ chức danh hay chức vụ cho phù hợp.
Trở lại tình huống nêu trên thấy rằng, tiêu đề của Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương là “Bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân” hay tại khoản 8 Điều này quy định: “Khi Hội đồng nhân dân tiến hành bầu các chức danh quy định tại Điều này”. Các chức danh mà Hội đồng nhân dân bầu gồm nhiều vị trí, đó là: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân. Ở đây nhà làm luật sử dụng thuật ngữ chức danh là vì những nội dung này đều mang tính tổng thể nói chung đề cập đến tên gọi của các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân chưa gắn với một con người cụ thể.
Trong khi đó, tại khoản 5 Điều 83 quy định: “Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tục ở cùng một đơn vị hành chính”; tại khoản 9 quy định: “Người giữ chức vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này thực hiện nhiệm vụ quyền hạn sau khi được Hội đồng nhân dân bầu”. Mặt khác ngoài Điều 83 nói trên, tại khoản 1 Điều 88 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ sau đây:”; cũng tại khoản 1 Điều 89 quy định: “Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu”. Trong các trường hợp này nhà làm luật sử dụng thuật ngữ chức vụ là vì đã gắn với con người cụ thể “người giữ chức vụ”, con người đó đã gắn với những nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật quy định chứ không còn là những tên gọi chung chung nữa.
Như vậy, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể để sử dụng thuật ngữ chức danh hay chức vụ cho phù hợp, đúng tinh thần quy định của pháp luật. Chẳng hạn như trong văn bản về nội dung chương trình điều hành kỳ họp, biên bản kỳ họp thì phải ghi là “phần bầu cử các chức danh của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” nhưng khi Hội đồng nhân dân đã tiến hành bầu cử các chức danh thì trong các nghị quyết xác nhận kết quả bầu cử thì phải ghi là “Xác nhận kết quả bầu cử ông/bà… trúng cử chức vụ….”. Theo đó, thì trong các nghị quyết của Thường trực Hội đồng nhân dân, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phê chuẩn kết quả bầu cử cũng phải ghi là “Phê chuẩn kết quả bầu cử ông/bà… giữ chức vụ….”.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi về việc sử dụng thuật ngữ chức danh và chức vụ, rất mong các đồng nghiệp, các luật gia tham gia trao đổi để có nhận thức, áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương■
■ Phạm Thái Quý
- Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử và thi hành án dân sự, hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (08/09/2022)
- Một số giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp (05/04/2022)
- Một số bất cập, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (05/04/2022)
- Quan điểm đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp (23/11/2021)
- Nhu cầu đổi mới về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh (23/11/2021)
- Quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cấp tỉnh (12/11/2021)
- Chung sức, đồng lòng, hẹn ngày chiến thắng (25/11/2021)
- Trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân (26/10/2021)
- Đặc điểm và các nhân tố tác động đến tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp (27/10/2021)
- Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (26/10/2021)